Có một thực tế mà tôi nghĩ có rất nhiều đồng cảm đó là số người chủ động trả lại tiền sau khi vay là không nhiều. Vấn đề mà chúng ta thường gặp chính là dù chúng ta cho người khác vay tiền với ý định tốt nhưng sau đó đối phương không chịu trả và giữ im lặng.
Chúng ta thường "cả nể" không dám lên tiếng vì thể diện nên sự việc cứ kéo dài mà không có kết quả.
Thời điểm cuối năm, nếu bạn gặp phải trường hợp chưa lấy lại được số tiền đã vay, vậy thì nhất định phải đọc kỹ bài viết này.
1. Tại sao người vay tiền không chủ động trả nợ?
Tôi tin rằng bạn hẳn đã nghĩ đến câu hỏi này, họ đã vay tiền tại sao không trả?
Có ba lý do:
Hiện tại họ không có tiền và không có khả năng trả nợ, có thể họ thua lỗ trong kinh doanh, gặp khủng hoảng trong sự nghiệp, tài chính bị tổn hại nghiêm trọng, khó có thể vực dậy trong một thời gian.
Họ có tiền nhưng lại đưa cho người khác trước vì nghĩ rằng người khác quan trọng hơn.
Họ nghĩ bạn giàu có nên bạn hoàn toàn có đủ khả năng cho bạn vay số tiền ít ỏi này nên cũng không vội vàng trả ngay.
Nếu người bạn cho mượn tiền chưa trả tiền vì lý do đầu tiên, vậy thì tạm thời hãy khoan đòi. Bởi lẽ họ không thể trả lại được nên dù có cố gắng tới mấy cũng khó có thể đòi được lại tiền, vậy nên đừng mạo hiểm.
Nếu người bạn cho mượn tiền có lý do thứ hai hoặc thứ ba thì lúc này, có thể yêu cầu họ trả lại tiền.
2. Có nên đợi không?
Việc chủ động đòi tiền nói thì dễ nhưng làm thì khó. Bởi bạn dễ bối rối, băn khoăn không biết mình đang làm quá lên hay không, có khi nào vẫn nên đợi thêm một thời gian nữa? Tôi có một phương pháp cho vấn đề này, đó là bạn phải cân nhắc trong đầu xem mối quan hệ của bạn với người này đáng giá bao nhiêu?
Ví dụ: nếu người nhà vay bạn 10 triệu, nhưng bạn cảm thấy mối quan hệ của bạn với người đó có giá trị hàng trăm triệu. Vậy thì, bạn thực sự không cần phải vội vàng đòi lại, bạn có thể đợi.
Một ví dụ khác, nếu một người bạn vay bạn 5 triệu, nhưng bạn cảm thấy mối quan hệ của bạn với người bạn đó chỉ đáng giá 1 triệu, vậy thì đã đến lúc cần phải đòi lại đồng tiền mồ hôi xương máu của bản thân. Có thể bạn muốn hỏi, một mối quan hệ đáng giá bao nhiêu? Con số này có được xác định ngẫu nhiên không? Dĩ nhiên là không.
Trước hết, bạn phải nhìn vào mức độ thân thiết của các mối quan hệ, chẳng hạn như gia đình > người thân > bạn thân > bạn bè > đồng nghiệp > người qua đường. Từ già đến trẻ, gia đình là quý giá nhất.
Thứ hai, đối phương đã làm được điều gì cho bạn chưa? Ví dụ, trong thời điểm khó khăn nhất của bạn, một người bạn đã giúp đỡ bạn rất nhiều, mối quan hệ này đáng giá rất nhiều tiền.
Cuối cùng, hãy tự hỏi mình, nếu không đòi, bạn có cảm thấy hối hận không?
Nếu bạn cảm thấy đó không phải là một điều đáng tiếc, điều đó có nghĩa là bạn trân trọng giá trị của mối quan hệ này; nếu bạn cảm thấy đó là một điều đáng tiếc và cảm thấy khó chịu nếu tiền không được trả lại, điều đó có nghĩa là mối quan hệ này không có quá nhiều giá trị trong lòng bạn.
Khi số tiền đối phương vay lớn hơn cái giá mà bạn định cho mối quan hệ, vậy thì bạn nên ngừng do dự và nhanh chóng đòi lại tiền.
3. Làm thế nào để đòi lại tiền một cách khôn khéo?
Nói thẳng với đối phương: "Đến lúc bạn nên trả tôi tiền rồi!", phương pháp này dễ khiến người khác cảm thấy tự ái, tôi không khuyên bạn nên thử. Bởi vì khi bạn công khai đòi tiền, điều này sẽ phá hoại sự hiểu ngầm giữa hai bên.
Cái gọi là "hiểu ngầm" có nghĩa là bạn cho vay tiền và đối phương sử dụng tiền đó. Về mặt đạo đức mà nói, bạn đã giúp đỡ họ và người kia cần phải biết ơn.
Nhưng ngày nay, rất ít người tự nhận thức được bản thân, và càng ít người biết có lòng biết ơn. Hầu hết mọi người sẽ coi sự giúp đỡ của bạn là điều hiển nhiên và nghĩ rằng nếu bạn cho vay tiền thì họ nên sử dụng số tiền đó.
Trong trường hợp này, nếu bạn công khai đòi tiền, đối phương sẽ cho rằng bạn không khéo.
Một người có EQ cao sẽ làm thế nào? Có 4 bước:
Bước đầu tiên là gọi điện thoại hoặc hẹn gặp, không gửi tin nhắn. Vì tin nhắn không mang tính trực tiếp, vậy nên sau khi bạn gửi đi, việc trả lời hay không là tùy thuộc vào bên kia và họ có đủ thời gian để suy nghĩ.
Khi cần đòi lại tiền, hãy giải quyết thật nhanh chóng, đánh nhanh thắng nhanh. Đừng để người khác có thời gian suy nghĩ hay phản ứng lại.
Bước thứ hai, sử dụng giọng điệu rất khẩn cấp, giống như cảm giác đang vội đi vệ sinh, sau đó viện lý do để bày tỏ rằng bạn đang gặp khó khăn và cần tiền gấp.
Nếu đã sử dụng giọng khẩn cấp vậy thì hãy làm cho giống thật. Bạn không thể điềm tĩnh và bình thản khi nói rằng mình đang trong tình trạng khẩn cấp, nếu không, sẽ không ai tin bạn.
Hãy đưa ra một lý do để cho đối phương thấy quan điểm của bản thân về việc sử dụng tiền, có thể nói rằng bạn cần phải trả một khoản vay, hoặc gia đình bạn cần tiền gấp, hoặc có chuyện gì đó xảy ra với công việc kinh doanh của bạn, hoặc lương của bạn bị trả chậm…
Bước thứ ba, đừng hỏi đối phương có thể trả lại số tiền hay không, hoặc có thể trả lại bao nhiêu, mà hãy trực tiếp vay tiền họ. Ngoài ra, số tiền mà bạn đang cần gấp nhất định phải lớn hơn số tiền bạn cho họ vay. Đồng thời, bổ sung thêm một câu: "À phải rồi, trước đây tôi đã cho anh vay bao nhiêu rồi phải không?"
Vay ngược lại để ngăn đối phương đánh giá đạo đức của bạn, trực tiếp đòi tiền, người đó nhất định sẽ không vui, khi bạn vay ngược lại, họ sẽ không bắt lỗi bạn.
Mục đích của việc vay số tiền lớn hơn số tiền bạn cho họ vay là nhằm gây áp lực cho đối phương biết rằng khi cho họ vay tiền, bản thân bạn cũng đang phải trả một cái giá cho việc đó, tránh sau này họ vẫn thường xuyên tìm tới bạn vay tiền.
Bước thứ tư, nếu đối phương cho bạn vay tiền, bạn giữ lại số tiền gốc và trả lại số tiền dư ra cho bên kia sau. Đồng thời, giải thích nguyên nhân và giải quyết ổn thỏa các vấn đề của hai bên.
Nếu đối phương không muốn cho bạn vay nhiều như vậy, vẫn muốn mặc cả với bạn, lúc này bạn có thể nói:
"Tôi coi cậu là bạn, số tiền tôi cho cậu vay trước đây cậu vẫn chưa trả lại tôi. Hiện tại tôi cũng đang gặp khó khăn, về tình về lý, cậu đều nên giúp tôi chứ phải không?"
Mục đích là để thể hiện quan điểm cứng rắn của bạn. Đối phương có thể không đồng ý với số tiền bạn đề nghị vay, tuy nhiên số tiền nợ bạn phải được thanh toán ngay trong hôm đó.
Thành thật mà nói, nếu đối phương thực sự coi trọng bạn, họ nhất định sẽ lập tức trả lại bạn tiền.
Nếu đối phương không muốn cho vay cũng không muốn trả, trong khi theo bạn biết thì họ vẫn có khả năng trả nợ, vậy thì điều đó có nghĩa là đối phương không coi trọng bạn.
Đối với kiểu người này, bạn không cần phải hòa hợp, cũng không cần tính đến cái gọi là thể diện, điều chúng ta có thể làm lúc này là cho thấy sự kiên quyết rằng bạn sẽ không bỏ cuộc cho đến khi nhận lại được số tiền đã cho vay.