Trang 163 đưa tin, cách đây vài ngày, người đàn ông trung niên họ Khương ở Lạc Dương, Trung Quốc đã tìm đến một trang tin tức để chia sẻ câu chuyện buồn mà mình gặp phải, hy vọng truyền thông, cộng đồng có thể giúp ông đòi lại công lý.
Ông Khương kể, ông và vợ tổ chức đám cưới hồi tháng 2/2018 nhưng không làm giấy đăng ký kết hôn. Như bao người đàn ông khác, ông hy vọng cưới vợ xong sẽ có một gia đình ấm cúng, hạnh phúc với những đứa con kháu khỉnh. Tuy nhiên, cưới được vài tháng, ông đề nghị đi đăng ký kết hôn thì cô vợ luôn lảng tránh và tìm mọi cách để trì hoãn. Cô ta cũng nói rằng mình không muốn sinh con.
Ban đầu, nghĩ vợ còn trẻ, chưa sẵn sàng làm mẹ nên ông Khương cũng chiều lòng. Thế nhưng, mối quan hệ giữa hai người ngày càng xấu đi khi cô vợ tỏ ra rất lạnh nhạt với chồng. Căng thẳng, tranh cãi trong nhà cũng thường xuyên xảy ra xoay quanh câu chuyện đăng ký kết hôn và sinh con. Cho đến khoảng 2 tháng trước, vợ trẻ của ông Khương không nói không rằng bất ngờ bỏ nhà ra đi.
Trong cơn hoảng loạn, ông Khương lật tung căn nhà, hy vọng tìm ra chút manh mối giúp ông tìm được vợ. Tuy nhiên, thứ ông tìm thấy là một phần hợp đồng bảo hiểm được giấu dưới đáy tủ với tên người thụ hưởng bảo hiểm không phải là ông mà là một người đàn ông họ Lý nào đó.
Hợp đồng này được ký từ tháng 6/2018, tức 4 tháng sau khi ông Khương và vợ làm đám cưới. Vậy người đàn ông họ Lý này quan hệ thế nào với vợ ông? Phải chăng ông ta mới là chồng chính thức và đây chính là lý do khiến vợ ông không chịu sinh con, cũng không chịu đăng ký kết hôn?
Mẹ ruột ông Khương cho biết thêm, khi làm đám cưới, gia đình bà đã đưa sính lễ 200.000 tệ (khoảng 717 triệu đồng) cùng nhiều quà tặng đắt tiền khác. Không ngờ giờ đây cô con dâu trẻ tuổi bỏ trốn không một tung tích. Điều này khiến ông Khương không khỏi nghi vấn mình đã mắc bẫy của người phụ nữ dối trá và cuộc hôn nhân 3 năm qua tất cả chỉ là một vụ lừa đảo.
Liên hệ với công ty bảo hiểm, ông Khương được thông báo rằng phần bảo hiểm vợ ông mua là hợp lệ bởi người thụ hưởng bảo hiểm không nhất định phải là chồng và có giấy đăng ký kết hôn, mà chỉ cần có cùng hộ khẩu là đủ điều kiện. Họ cũng không có thông tin về người đàn ông họ Lý có tên trong hợp đồng bảo hiểm.
Tìm đến nhà chị vợ, ông Khương cũng được cho biết vợ ông đã lâu không về nhà, cũng không liên lạc với ai. Bà này khẳng định chỉ biết em gái làm đám cưới với ông Khương chứ không có ai khác.
Biết chuyện có người gợi ý ông Khương nên tìm đến cơ quan điều tra để làm rõ xem liệu mình có bị lừa hay không. Tuy nhiên, ông không có giấy đăng ký kết hôn, lại không có giấy tờ gì khác để chứng minh tình huống mình gặp phải thì sự việc này rất khó giải quyết, khả năng đòi lại số tài sản đã mất cũng rất nhỏ.