* Chú thích: "Cuộc xâm lăng của binh đoàn robot" là tên một tập truyện dài Doraemon, bộ truyện gần như bất kỳ ai thế hệ 7x trở đi đều quen thuộc.
Buổi sáng mỗi ngày, tôi tỉnh giấc nhờ cái điện thoại rung lên bần bật vào đúng 6 giờ. Thói quen không thể thiếu của tôi đó là check facebook. Sau đó truy cập một số trang báo để chắc chắn rằng mình không bỏ sót một vụ việc đáng chú ý nào.
Mấy ngày nay tin tức về việc những con robot với trí tuệ nhân tạo siêu việt đang tràn ngập trên nhiều trang báo mạng. Rất nhiều người đã sởn gai ốc khi xem xong một cuộc phỏng vấn giữa một nhà báo kỳ cựu của CNN với một robot có tên Sophia.
Trong cuộc nói chuyện này, gần như ranh giới giữa con người, robot đã bị phá vỡ. Thậm chí, thay vì thụ động trả lời, Sophia quay ngược trở lại áp đảo phóng viên bằng những câu hỏi shock đến óc. (xem thêm: Toàn bộ cuộc phỏng vấn Sophia)
Tiếp đó, một công ty tại Mỹ tuyên bố sẽ cho ra mắt thế hệ robot tình dục biết biểu hiện cảm xúc có thể hơn cả con người. Cậu bạn ế vợ của tôi chat ngay trên facebook, yên tâm rồi nhé, tao sẽ cưới em này, đỡ phải nhức đầu chuyện vợ con.
Tôi biết, đó là lời nói đùa nhưng thực sự thấy giật mình. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của robot. Rất nhiều người trong chúng ta đang biến mình thành những cỗ máy không hơn không kém. Sẽ có ngày, robot dạy lại chúng ta về cách thể hiện cảm xúc sao cho giống con người nhất.
Matt McMullen, người tạo ra robot tình dục Harmony. Ảnh: Rupert Thorpe
Bà cụ hàng xóm nhà tôi luôn than thở, tôi chỉ ở đây với chúng nó (gia đình anh con trai) thêm hai tháng nữa. Tiếng là lên đây giúp con, giúp cháu nhưng cũng chẳng có việc gì.
Buổi sáng, mẹ nó nấu cháo xong, bố nó sẽ bật tivi hoặc điện thoại lên, đặt trước mặt thằng bé, nó sẽ há mồm như chim. Tôi không thể cho thằng bé ăn được. Nó không chịu há mồm khi không có điện thoại hay tivi. Cho con ăn xong hai đứa nó lại sấp ngửa đi làm.
Buổi trưa, chúng nó sẽ tranh thủ vòng qua nhà bật điện thoại và tivi lên để tôi bón cháo cho cháu. Buổi tối còn chán hơn, thằng cu ăn xong thì bố nó bật tivi xem bóng đá, ca nhạc hoặc chơi game. Mẹ nó bật điện thoại xem thời trang, mua hàng trên mạng và chat với bạn bè. Tôi lủi thủi đi ra đi vào rồi chờ chúng nó bật hát ru trong điện thoại cho thằng bé ngủ.
Đấy, một ngày chỉ như thế. Hôm trước tôi về quê đúng đợt bão. Cả làng mất điện tối om. Anh trai tôi làu bàu, lại mất điện mấy ngày, biết làm gì cho hết chán đây, thôi anh em mình ra ông bà xem ông bà thích ăn gì để anh đi kiếm về chế biến.
Tôi nhớ như in buổi tối hôm đó. Lũ trẻ chạy lăng xăng quanh ánh sáng của ngọn nến. Bố mẹ tôi ngồi bên bàn nước bùi ngùi nói về xưa, ngày xưa. Câu chuyện của cả gia đình hoàn toàn không bị chi phối bởi tiếng tivi, tiếng điện thoại hay bất cứ loại máy móc nào khác.
Hình như phải gần 30 năm rồi, gia đình nhà tôi mới có một buổi tối ăn cơm cùng nhau, nói chuyện cùng nhau mà không bị máy móc hay thiết bị điện tử nào làm gián đoạn. Xung quanh chúng tôi là bóng tối. Bóng tối có thể khiến lũ trẻ sợ sệt đôi chút nhưng cũng khiến chúng muốn gần bố mẹ hơn.
Máy móc đã chia rẽ thành công nhiều gia đình thành những thực thể lệ thuộc và cô độc ngay trong chính ngôi nhà mình. Ảnh minh họa
Bạn đọc xin đừng hiểu nhầm, tôi hoàn toàn không muốn quay lại thời kỳ sống dưới bóng đèn dầu le lói. Tôi chỉ đang băn khoăn, dường như chúng ta đang chủ động bước vào kỷ nguyên của robot nhanh quá. Những xúc cảm như hỷ, nộ, ái, ố... lệ thuộc quá nhiều vào máy móc.
Chúng ta có thể phát điên nếu một bài viết trên facebook bị người lạ nhảy vào "ném đá", chúng ta cũng có thể dành cả tiếng đồng hồ để tranh luận về những câu chuyện vô bổ, vô thưởng vô phạt trên mạng. Trong khi đó, tình cảm, thời gian dành cho gia đình, bạn bè... đang bị tước bỏ một cách tối đa.
Những mối quan hệ đó mới thuộc về thế giới của con người chứ không thuộc về máy móc. Những đứa trẻ lớn lên ở kỷ nguyên này đương nhiên bị ảnh hưởng rất nặng nề. Thế giới của chúng chỉ là màn hình cảm ứng vô cảm, bé xíu.
Có bao giờ bạn thử hỏi, liệu con chúng ta có biết đến tiếng kêu của một con dế, biết đến cảm giác ngứa khi bị bọ lẹt hay côn trùng đốt, cắn, biết đến hương vị của mùi lá mục, mùi cây cỏ...
Nếu như những xúc giác, khứu giác, thính giác... của chúng đa phần chỉ được kích hoạt nhờ máy móc (điện thoại, tivi, máy tính) thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa, thế hệ tương lai - con em chúng ta đang bị robot hoá.
Câu chuyện về đứa trẻ hàng xóm nhà tôi, thức dậy, ăn bột, đi ngủ phải nhờ đến điện thoại hay tivi không phải trường hợp cá biệt. Chúng ta ra ngoài quán ăn, phố xá có thể bắt gặp nhan nhản những hình ảnh như vậy.
Những đứa trẻ lớn lên với lời ru số hoá, bữa ăn số hoá đương nhiên sẽ bị máy móc nhận diện và áp đặt nhiều hơn.
Máy móc đã chia rẽ thành công nhiều gia đình thành những thực thể lệ thuộc và cô độc ngay trong chính ngôi nhà mình. Thay vì nói chuyện, chia sẻ thì mọi người vừa cắm mặt vào điện thoại, mọi giao thức kết nối đều được thực hiện qua máy móc.
Vì vậy, chẳng cần lo sợ có cuộc xâm lăng của robot trong tương lai. Ngay bây giờ, nhiều người trong chúng ta đang tự đồng hoá để bước vào thế giới của robot.
Không cần đợi Sophia hay các robot khác, chúng ta đang tự đồng hóa chính mình.
Tôi sẽ phải học lại cách bắt đầu một ngày mới. Thay vì ôm lấy cái điện thoại, tôi sẽ quàng tay sang ôm vợ và con. Tất nhiên, tôi cũng sẽ phải thủ thỉ để vợ tôi quăng cái iPhone ra một góc. Đó là một trong những cách để tránh bị cầm tù cảm xúc bởi máy móc, công nghệ. Khó nhưng tôi tin mình làm được.