Cuộc truy lùng đêm rừng thẳm

Đào Trung Hiếu |

Mới đây, nhân chuyến cứu trợ đồng bào các xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn – Yên Bái bị lũ quét trôi nhà, chết người, tôi trở lại với núi rừng Nậm Mười – nơi mà 10 năm về trước chúng tôi đã có một trận đánh. Tôi miên man trong hồi ức dữ dội của trận đánh đêm ấy.

Tai hoạ đã có thể ập tới với chúng tôi bởi một cái sa chân, hay viên đạn bắn trả từ những lùm cây dại um tùm bên đường mòn.

Cuộc hành quân trong đêm

Chiều ấy, khi tôi đang hỏi cung bị can Nguyễn Thị Thuận (thủ phạm chính trong vụ giết đốt ở thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) tại “Hoả lò” (Trại tạm giam số 1) thì Trung tá Trần Ngọc Hà, (Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TP. Hà Nội, nay là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục CSHS - Bộ Công an) nhắn về đội có việc gấp.

Nhanh chóng trả phạm, tôi phóng xe như bay về “nhà”. Đến cổng số 7 Thiền Quang đã thấy cánh Hình sự đặc nhiệm lễ mễ khênh ra cổng những cái hòm tôn cùng những khẩu tiểu liên rất “hầm hố”. Tò mò, tôi hỏi Sơn “quạt trần” (tức Đội phó Đặc nhiệm Nguyễn Sơn): “Này, hàng gì đấy anh?”. “Áo giáp. Đi phang!”.

Anh Hà đến bảo tôi: “Hiếu cất xe, rồi dẫn đường cho anh em đi Văn Chấn. Nhóm Thành “sứt” khả năng đang trốn ở đấy”.

Rõ rồi, thì ra tôi được chọn làm “quan hướng đạo”, vì đã có nhiều năm chỉ huy Đội Điều tra án nhân thân của Công an tỉnh Yên Bái. Thành “sứt” – cái tên anh Hà vừa nhắc đến, là một đối tượng trong nhóm sát thủ gây ra vụ bắn nhau náo loạn phố Đoàn Thị Điểm (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội) rạng sáng 4/2/2009.

Đêm ấy, giang hồ Thủ đô dàn quân đấu súng trên phố. Cả dãy phố nhà nhà đóng chặt cửa vì sợ đạn lạc. Chính tôi, trong đêm rà soát sau khi vụ án xảy ra, đã tìm được lỗ đạn găm trên đố cửa một ngôi nhà trong hẻm.

Phát hiện này rất quan trọng, vì từ đây mới lần ra hiện trường chính của vụ án. Trước đó mọi nghi vấn tập trung vào đoạn phố Phan Văn Trị gần đó, nhưng tìm cả ngày không ra được dấu vết nào liên quan.

Khẩn trương truy xét, đến rạng sáng hôm sau chúng tôi đã có trong tay những “thông số” chính của vụ án. Cầm đầu hai băng nhóm này là Đào Ngọc Thiết (tức Thiết “cù” ở phường Quốc Tử Giám, Đống Đa) và Trần Xuân Ánh (tức Ánh “trọc”, ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai, nguyên cựu vô địch WUSHU châu Á năm 2000).

Chúng có thâm thù từ lần “xé vé” nhau vào đêm 1/12/2004. Hôm đó nhóm của Thiết vác súng dồn bắn Ánh “trọc” và anh trai là Trần Đức Trang chạy “te tua” trên phố Hàng Cháo. Sau vụ này hai bên lần lượt “nhập kho” vì các tội danh khác nhau.

Đêm 3/2/2009, Ánh gặp lại Cường “chuột” thuộc băng Thiết “cù” trong quán bar, hai bên cà khịa nhau và hẹn địa điểm đấu súng. Hơn 1 giờ sáng, 2 băng giang hồ với súng tiểu liên, dao, kiếm, có mặt tại phố Đoàn Thị Điểm.

Sau loạt đạn, Thắng “sệ” (thuộc nhóm Thiết “cù”) gục tại chỗ, còn Lê Bá Thành, tức Thành “sứt” (thuộc nhóm Ánh “trọc”) thì dính đạn AK vào đùi. Bắn xong, chúng bỏ chạy tán loạn.

Bên Thiết “cù” chở Thắng vào Bệnh viện Việt Đức, vứt đấy rồi “té”. Thành “sứt” được đồng bọn đưa vào một cơ sở khám tư để mổ gắp viên đạn ra rồi cũng “lủi” khẩn trương khỏi Hà Nội.

Cuộc truy lùng đêm rừng thẳm - Ảnh 1.

Núi rừng Nậm Mười, nơi diễn ra cuộc đánh bắt tội phạm.


Xác định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ thị cho Phòng CSHS làm chủ công, phối hợp với Công an các quận, phường có liên quan huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc, phải khẩn trương làm rõ và bắt bằng hết số giang hồ gây ra vụ án kinh hoàng này.

Sau bao ngày đêm ròng rã xác minh ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ…, cuối cùng Ban chuyên án có tin một nhóm đối tượng đang trốn tại một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Đi bắt sát thủ gây án bằng súng quân dụng, nên sự chuẩn bị là vô cùng quan trọng. Tôi đứng xem anh em đặc nhiệm súng tiểu liên báng gấp đeo chéo qua vai, hì hục xếp lên chiếc xe 15 chỗ những hòm tôn chứa áo giáp.

Cảm giác lúc đó rất khó tả. Một chút lo lắng, căng thẳng, hồi hộp, đan xen nỗi rạo rực, phấn khích, y như người thợ săn hổ khi thấy con thú đang tiến về phía mình. Sau vài phút sắp xếp, 11 anh em trọng án, đặc nhiệm của hình sự Hà Nội đã tập hợp trên xe. Chiếc xe nổ máy rời khỏi ngôi nhà số 7 anh hùng.

Đêm xuống nhanh, cả bọn im lặng, cho đến khi sực nhớ chưa ai ăn chiều. Tiếng kêu đói bắt đầu réo lên. Anh Hà bảo: “Đi tiếp, đến Thanh Sơn (Phú Thọ) rồi tính". Gần 22 giờ, xe đến Phố Vàng, cả đám mừng húm vì vẫn còn một quán cơm mở cửa, trong khi hàng phố đã im lìm trong cái lạnh miền sơn cước.

Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, những anh chàng cao lớn háu đói cắm cúi vào đĩa rau non bấn. Rau sạch miền rừng chao ơi là ngọt. Chẳng thế mà đĩa lớn, đĩa bé loáng cái đã hết veo. Khi đồ mặn dọn ra thì tất cả đã... no rau.

Những câu trêu đùa với chủ quán lại rộ lên. Vui thật, ai mà ngờ những chàng trai ấy đang trên đường tới nơi máu họ có thể đổ xuống.

Tác chiến bên vực thẳm

Lên đường, ánh đèn pha xé rách màn sương mù dày đặc của đêm miền sơn cước. Qua đèo Khế, đèo Ách, chặng đường gần ba trăm ki-lô-mét đã khép lại khi cổng Công an huyện Văn Chấn hiện ra.

Từng nhiều năm chinh chiến ở dải đất này, huynh cũ đệ xưa vẫn còn đấy, tôi nhanh chóng kết nối công việc giữa tổ công tác và chỉ huy Công an huyện.

Họ sốt sắng, lăn xả vào việc với tinh thần chi viện đồng đội thật tuyệt vời. Anh Cảnh - trực Chỉ huy đêm ấy - đã “dốc vốn” của huyện, cử toàn “cây đa, cây đề” trong nghề hình sự dẫn anh em tôi vào trận.

Một giờ sáng, chúng tôi đi tiếp vào Công an thị xã Nghĩa Lộ, cách đó chừng 10 ki-lô-mét. Anh em trực ở đây cũng dậy cả đón khách.

Cuộc họp tác chiến diễn ra khá sôi nổi, tất cả các phương án chiến đấu được đặt ra, rồi “lắp” người vào việc. Súng và áo giáp được chuyển sang xe U-oát của huyện đã tháo biển xanh. 1 giờ 30 phút, các tổ trinh sát hiệp đồng lặng lẽ lên đường.

Địa bàn cần chốt chặn, soát xét là cả một vùng rừng núi rộng lớn, bao gồm các ngả đường mòn vào thôn, bản của xã Nậm Mười và Nông trường Liên Sơ thuộc huyện Văn Chấn.

Đến nơi, mấy chàng hình sự đô thành hào hoa có vẻ “choáng”, bởi bịt bùng trước mặt là núi, núi chồng lên núi, những vực sâu kia mà lỡ sa chân thì... xong. Đêm trăng suông cuối tháng như tăng thêm cái lạnh đến cắt da cắt thịt của miền sơn cuớc.

Anh Hoàng Gia - Đội trưởng Đội CSHS - Công an huyện ghé tai tôi bảo nhỏ: “Diện tích tự nhiên của huyện Văn Chấn đúng bằng tỉnh Thái Bình đấy”!.

Cuộc truy lùng đêm rừng thẳm - Ảnh 2.

Cựu Cảnh sát hình sự Đào Trung Hiếu, [email protected]


Sau khi “lưới” giăng kín các ngả đường mòn, các anh Trần Ngọc Hà, Nguyễn Thành Tín, Nguyễn Sơn dẫn anh em tiến vào khu rừng nghi vấn đối tượng đang ẩn náu trong các lán trại của dân sơn tràng. Tổ của Đại uý Trần Quốc Trung (nay là Thượng tá, Phó Công an quận Nam Từ Liêm) ốp sát một lán trại của một vị chủ rừng.

Bỗng từ phía sau nhà vọng lên những tiếng “soạt, soạt” như tiếng chân người bỏ chạy. Nhanh chóng tiếp cận và gọi chủ ra mở cửa, hàng chục mũi súng chĩa thẳng ập nhanh vào trong buồng.

Trống trơn! Trên chiếc giường đôi chỉ có chăn màn lộn xộn như có người vừa nằm, nhưng dưới đất lại ngổn ngang ba cái va li kéo tay khá “xịn”.

Kiểm tra nhanh, quyển hộ chiếu mang tên Lê Bá Thành như đập vào mắt các trinh sát. Mừng quá, nó đây rồi! Lực lượng truy bắt tản ra, tiến nhanh về phía rừng cây rậm rạp trước mặt. 3 giờ 30 phút sáng, đối tượng đầu tiên đã bị tóm sống khi hắn đang chạy quáng quàng trong rừng đêm mênh mông.

Bùi Ngọc Tú khai Thành “sứt” cùng bồ nhí đã dìu nhau chạy trước hắn vài giây, không rõ đang núp ở đâu. Đoàn quân truy bắt dò dẫm trong rừng, cảnh giác bởi bọn tội phạm có thể bất ngờ bắn trả. Đêm trong rừng sương rơi ướt tóc, răng đánh vào nhau lập cập, tê tái rét.

Trao đổi nhanh với anh Gia, chúng tôi được biết phía sau quả núi này có đường mòn ăn thông sang xã Phong Dụ Thượng thuộc huyện Văn Yên.

Nếu chúng thoát theo đường này sang ga Trái Hút, rồi nhảy tàu lên Lào Cai, vọt sang Trung Quốc thì nguy to.

Tôi rút điện thoại ra gọi cho Thượng tá Vũ Viết Thoại (Trưởng phòng CSHS - Công an tỉnh Yên Bái khi đó) để trao đổi và xin tỉnh chi viện một Trung đội Cảnh sát cơ động triển khai chốt hộ đầu bên kia núi.

9 giờ sáng, sau một đêm cật lực truy tìm, cái đói lại cồn cào. Tôi cùng mấy trinh sát vào một nhà dân mua mấy gói mỳ tôm. Cả bọn xúm quanh bà chủ nhà đợi đến lượt mình. Mùi mỳ thơm phức cho tới giờ vẫn hằn trong ký ức. Bỗng có một tràng súng liên thanh nổ gần đấy.

Chẳng kịp động đũa, tất cả bỏ mì, xách súng chạy về hướng có tiếng nổ. Một hình ảnh thật đẹp hiện ra trước mắt: Thành “sứt” ôm đầu nằm ra đất, trước hình ảnh can trường của người lính hình sự đặc nhiệm.

Thì ra Thành rời chỗ nấp đang tính chuyện vượt núi thì gặp ngay chốt gác của Trường. Anh em ùa đến tra tay tên tội đồ nguy hiểm vào còng.

Hết sức phấn khích, anh Hà nổ liên tiếp mấy phát súng thị uy, rốt cục cũng gọi thị Lan - bồ nhí của Thành “sứt” ra khỏi chỗ nấp. Mặt như chàm đổ, Lan giơ tay chịu trói, nhưng lại thắc mắc: “Sao nhiều Công an thế?”.

Chúng tôi thu xếp chóng vánh rồi đưa những kẻ bị bắt xuống núi, khép lại một trận đánh đáng nhớ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại