Cuộc sống được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt, và tình yêu thương hay sự xa lánh của một đứa trẻ đối với cha mẹ cũng được tích lũy từ những điều nhỏ nhặt.
Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ một câu chuyện xảy ra ở quán ăn khiến nhiều người khen ngợi. Tại một nhà hàng ăn sáng, một đứa trẻ khoảng 5, 6 tuổi vô tình làm rơi chiếc đĩa nhỏ trên tay xuống đất. Chiếc đĩa vỡ tan thành nhiều mảnh. Đứa trẻ sững sờ đứng tại chỗ, lúc này người cha hít một hơi thật sâu, cúi xuống hỏi: “Con có bị thương không?”.
Đứa trẻ lắc đầu. Người cha nhặt một mảnh vụn lên và nói: "Hãy đến giúp bố nhặt những mảnh lớn. Hãy nhớ cầm cẩn thận như thế này để tránh bị đứt tay nhé".
Lúc này một nhân viên nhà hàng rất nhiệt tình chạy ra nhặt giúp. Người cha nói với con: “Đây là chú đang giúp con, con nên nói với chú thế nào đây?”. "Con cảm ơn" - Cô bé ngẩng đầu lên nói.
Sau khi nhặt hết các mảnh vỡ, người cha lại hỏi: “Con có biết tại sao nó bị vỡ không?”. Đứa trẻ trả lời do bản thân chạy quá nhanh - “Vậy, lần sau con có thể làm gì?”. Đứa trẻ nói: "Con sẽ đi chậm lại ạ". "Ừ, tốt rồi. Điều cuối cùng chúng ta phải làm là xin lỗi nhân viên cửa hàng", ông bố nói tiếp. Lúc này, bé gái liên tục hét lên: "Không! Không!". Nhưng sau khi người cha kiên nhẫn hỏi lý do, em mới nói nhỏ: “Con sợ bị mắng…”.
"Bố biết con lo lắng về việc nhân viên bán hàng tức giận. Bố có thể giúp để con bớt sợ hãi. Bố ôm con hoặc đi cùng con. Con có cần luyện nói trước không?".
Cuối cùng, người cha đã bế con đến chỗ nhân viên cửa hàng và nói: "Con vô tình làm vỡ chiếc đĩa. Con xin lỗi". Sau khi về chỗ ngồi, người cha chạm vào đầu con và nói: "Vừa rồi con rất can đảm. Bố nghĩ con thật tuyệt vời!".
Phân tích tâm lý: Trong trường hợp này, khi thấy con làm sai, thay vì la mắng, người cha đã tự điều chỉnh cảm xúc, quan tâm thay vì lập tức đổ lỗi. Sau đó, anh để con học cách chịu trách nhiệm, hướng dẫn trẻ suy nghĩ cách cải thiện.
Anh cũng không vội ép buộc mà hiểu rõ động cơ đằng sau cảm xúc của trẻ, đồng cảm để trẻ cảm nhận được cảm xúc của mình. Sau cùng, anh để con tập thể hiện nhu cầu của mình, khẳng định và giải thích lý do thay vì khen ngợi suông.
Khi trẻ gặp rắc rối trong cuộc sống, nếu nhìn từ góc độ của người lớn, chúng ta rất dễ nói "Sao con có thể làm điều này?" và rơi vào cái bẫy muốn đổ lỗi. Đây thường là kết quả của việc người lớn cảm thấy bị ảnh hưởng hoặc xấu hổ (đặc biệt là ở nơi công cộng) và chỉ đơn giản là bộc lộ cảm xúc để giữ thể diện của mình.
Xung quanh chúng ta thường có những bậc cha mẹ phàn nàn vì đứa trẻ ở nhà thực sự quá phiền phức. Rồi họ sẽ liệt kê từng hành vi xấu của đứa trẻ để chứng minh rằng con đáng bị trừng phạt.
Dù là những người mới làm cha mẹ hay đã có kinh nghiệm làm cha mẹ, chúng ta đều dễ rơi vào trạng thái căng thẳng tinh thần do áp lực trong công việc và cuộc sống. Lúc này, nếu trẻ mắc lỗi hoặc làm ồn, người lớn rất dễ nổi giận và ngay lập tức đổ lỗi, thậm chí đánh đập.
Không thể phủ nhận rằng một số trẻ thực sự rất nghịch ngợm. Nhưng công bằng mà nói, đánh, mắng có thể là cách mang lại hiệu quả nhanh nhất nhưng chắc chắn không phải là cách tốt nhất. Ngoài việc để lại những tổn hại về thể chất và tâm lý cho trẻ, nó còn khiến trẻ có nhận thức rằng việc ồn ào, dùng sức là chính đáng, điều này rất có hại cho sự phát triển.
Trẻ em đôi khi không có cách nào kiềm chế được cảm xúc của mình và không có lựa chọn nào khác, nhưng là người lớn, chúng ta có những lựa chọn. Việc chọn đánh đập, la mắng hay để con đồng cảm với chúng ta từ trái tim thường quyết định mối quan hệ hai bên cũng như cách trẻ hành xử khi chúng gặp phải tình huống tương tự trong tương lai.
Cuộc sống được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt, và tình yêu thương hay sự xa lánh của một đứa trẻ đối với cha mẹ cũng được tích lũy từ những điều nhỏ nhặt. Một khi một số tổn thương xảy ra nếu không có sự hướng dẫn kịp thời, chúng sẽ chỉ càng đâm sâu vào trái tim trẻ.
Để kiên nhẫn như người cha trên, chúng ta không chỉ cần chăm sóc bản thân thật tốt (giảm căng thẳng kịp thời và ổn định cảm xúc) mà còn có thể tích lũy kinh nghiệm qua việc luyện tập nhiều lần. Không có cha mẹ nào sinh ra đã có cách nuôi dạy con hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể nỗ lực hết sức để thiết lập sự tương tác thân mật hơn với con cái và mang đến cho chúng sự giáo dục tốt hơn!