Mới đây, một cặp gấu trúc song sinh đã ra đời tại một vườn thú ở Berlin trong sự hân hoan của các nhân viên chăm sóc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chúng lại khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải chiến lược "ngoại giao gấu trúc" của Bắc Kinh đã khiến chính phủ Đức không lên tiếng về cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Trung Quốc trong thời gian gần đây hay không.
Theo SCMP, trong lúc bà Angela Merkel bắt đầu có chuyến thăm Bắc Kinh, một cuộc thi đặt tên cho cặp song sinh của gấu trúc mẹ Meng Meng đã diễn ra.
Tờ báo Bild (Đức) đã kêu gọi người dân Berlin đặt tên cho hai chú gấu sơ sinh là Hong và Kong để gợi nhắc về cuộc biểu tình đã diễn ra ở khu vực này trong hơn 3 tháng qua.
Tờ Der Tagesspiegel cũng hưởng ứng, cho biết độc giả mong muốn đặt tên Hong và Kong cho hai chú gấu trúc hơn là những cái tên khác như Yin và Yang, Ping và Pong, Plisch và Plum hoặc Max và Moritz - theo các nhân vật trong truyện thiếu nhi của Đức.
Thậm chí cả những nhà hoạt động Hong Kong cũng tham gia vào việc đặt tên này. Nhà hoạt động Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) kêu gọi sở thú ở Đức đặt tên cho cặp song sinh là Dân chủ và Tự do. "Bằng cách đó, Đức có thể gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc," Wong trả lời Bild.
Ngoài ra, tổ chức vận động vì quyền lợi của động vật (PETA) cũng cho rằng đây là thời điểm phù hợp để mọi người chú ý hơn tới tình trạng lạm dụng gấu trúc. Phát ngôn viên của PETA cho rằng: "Gấu trúc sơ sinh sẽ phải sống một cuộc đời buồn khổ khi bị sử dụng làm công cụ thu hút du khách. Chúng sẽ không bao giờ biết được môi trường tự nhiên ở rừng núi Trung Quốc. Gấu trúc đã bị lạm dụng vì mục đích chính trị, quyền lợi và lợi nhuận".
Ông Tập và bà Merkel cùng tới buổi lễ giới thiệu cặp gấu trúc vào năm 2017. Nguồn: AFP
Đức đã thuê gấu trúc cái 6 tuổi Meng Meng và gấu trúc đực 9 tuổi Jiao Qing từ chính phủ Trung Quốc với giá 1,1 triệu USD mỗi năm từ năm 2017. Thỏa thuận thuê có thời hạn 15 năm.
Năm 2017, thủ tướng Đức Merkel và chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng nhau tham dự lễ ra mắt của hai cá thể gấu trúc nói trên tại Sở thú Berlin, qua đó củng cố mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới.
Từ đó tới nay, gấu trúc đã thu hút một lượng du khách khổng lồ tới đây. Năm ngoái, sở thú Berlin đạt kỉ lục 5 triệu lượt khách tới thăm nhờ vào gấu trúc. Việc xếp hàng dài để được chiêm ngưỡng "quốc bảo" của Trung Quốc không còn là cảnh tượng hiếm gặp ở đây.
Hiện tại chưa có thông tin chính thức về tương lai của cặp gấu trúc song sinh này. Nhưng theo thảo thuận được kí kết giữa Berlin và Bắc Kinh, gấu trúc sơ sinh thuộc sở hữu của Trung Quốc, và điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Quốc có quyền đặt tên chính thức cho chúng.
Ngoài ra, có thể cặp gấu trúc sẽ được gửi về Trung Quốc sau khoảng 4 năm, khi chúng đủ lớn và có thể không cần chăm sóc quá sát sao.
Bác sĩ thú ý và chuyên viên y tế Trung Quốc đã tới Berlin để chăm sóc cho cặp gấu trúc song sinh với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại.
Trong khi đó, sở thú nói công chúng có thể sẽ được thấy tận mắt cặp gấu trúc vào tháng 11 tới. "Khi đó chúng sẽ trông giống gấu trúc hơn. Chúng tôi cũng hi vọng lượng du khách sẽ tăng mạnh," đại diện vườn thú nói.