Cuối cùng cái giờ phút định mệnh đó đã đến. Ông đã vĩnh viễn ra đi để về với thế giới người hiền. Anh Hà, con trai ông đã không thực hiện được lời hứa với tôi trước lúc tôi rời Hà Nội. Anh từng an ủi tôi "em cứ yên tâm đi công tác nếu tình hình sức khoẻ của ông xấu đi anh sẽ báo cho em biết".
Lần cuối cùng tôi tới thăm ông ở Bệnh viện 108 cùng với một học sinh cũ là Ngô Toàn Thắng, hiện là Vụ phó Vụ Báo chí, Phó Phát Ngôn Bộ Ngoại giao. Ông vẫn nhận ra tôi mắt nhìn đầy trìu mến và môi ông mấp máy. Ông hướng ánh mắt về phía Thắng. Tôi hiểu ý và nhắc Thắng ra sát giường để chào ông. Ông mỉm cười rất nhẹ qua ánh mắt của mình và nắm tay Thắng.
Trong số những nhà lãnh đạo kỳ cựu của Việt Nam vào giai đoạn Đổi mới, tôi gắn với ông nhiều nhất về tình cảm mặc dù vào thời điểm đó tôi phụ trách Phòng Phiên dịch của Bộ Ngoại giao và đi công tác với nhiều lãnh đạo khác nhau.
Trong chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên với ông, ông gọi tôi vào phòng riêng rồi ân cần hỏi quê quán, bố mẹ, vợ con. Ông nghe chăm chú và gật gù. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối vì chưa ai hỏi tôi như vậy, câu hỏi đưa ra đã ân cần, lắng nghe câu trả lời còn chăm chú hơn. Sự quan tâm một cách chân thành của ông làm tôi xúc động vô cùng và tự nguyện đáp lại bằng cách chăm lo hơn cho ông về sức khoẻ, ăn uống và trang phục trong mỗi chuyến đi công tác.
Một trong các chuyến đi nhiều kỷ niệm nhất với Ông là dịp sang New York dự Khoá họp Đại Hội đồng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập LHQ. Lúc đó Ông là khách mời của Tổng Thư ký LHQ Boutros Boutros Ghali. Trong chương trình hoạt động của Khoá họp kỷ niệm có một buổi tối Ông Bà là khách mời của Tổng thống Clinton và Phu nhân.
Lúc máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh tại phi trường Kenedy, cơ trưởng Nguyễn Thành Trung, người được đặc trách giao nhiệm vụ lái chuyến bay lịch sử lần đầu tiên bay thẳng qua Hoa Kỳ từ Việt Nam (có ghé kỹ thuật tại Paris) vẫy cờ Việt Nam từ buồng lái. Anh em trong Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại New York, Văn phòng Đại diện ta tại Washington và bà con Việt kiều vô cùng phấn khởi và xúc động được đón Ông và đoàn bởi lẽ đây là đoàn đại biểu cấp cao đầu tiên do một Chủ tịch nước đứng đầu đã tới New York, Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên một chuyên cơ của Việt Nam được phép hạ cánh trên đất Hoa Kỳ sau khi hai nước vừa chính thức bình thường hoá quan hệ ngoại giao tháng 7/1995, đúng 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh.
Ông từ tốn chào hỏi và bắt tay từng người một đủ hết một lượt rồi mới chịu lên xe về khách sạn bởi cảm xúc lần đầu tiên đến Hoa Kỳ của ông rất mạnh mẽ.
Với tư cách là một vị Đại tướng, từng là Tư lệnh của chiến trường miền Nam chỉ huy đánh Mỹ, ông đến Hoa Kỳ hôm nay không phải với tư cách của một bên thắng cuộc mà là một sứ giả của hoà bình. Chuyến đi của ông là bước cụ thể đầu tiên hiện thực hoá quá trình bình thường hoá đã được hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng thống Clinton tuyên bố cách đó chưa đầy 2 tháng.
Bằng chuyến đi của ông, Việt Nam đã hoàn tất một trong những năm ngoại giao thành công nhất trong lịch sử khi trong cùng năm 1995 Việt Nam đã đạt được 3 nhiệm vụ đối ngoại chiến lược: thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ; gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN và ký Hiệp ước Hợp tác với Cộng đồng Châu Âu.
Đối với một người phụ trách cao nhất của quốc gia trên cả 3 lĩnh vực: đối ngoại, quốc phòng và an ninh, ông đã chỉ đạo để Việt Nam hoàn tất quá trình bình thường hóa với cả hai đối tác quan trọng nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời mở đầu cho quá trình hội nhập quốc tế và liên kết khu vực của Việt Nam.
Ngày ông phát biểu tại LHQ, ông yêu cầu đến sớm để nghe các nhà lãnh đạo khác phát biểu và để nắm tình hình. Anh em kiến nghị là sát giờ phát biểu hãy đến nhưng ông không đồng ý. Và thế là cả đoàn đến rất sớm, khi khán phòng còn vắng người. Vậy mà ông cứ kiên trì và bình tĩnh chờ đợi cho đến lúc khai mạc mà không hề sốt ruột hoặc cáu gắt gì.
Khi phát biểu trên diễn đàn toàn cầu này, Chủ tịch nước đã chuyển tải một thông điệp rất quan trọng của ngoại giao Việt Nam đó là "Việt Nam mong muốn khép lại quá khứ hướng tới tương lai và sẵn sàng là bạn với các tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế". Bài phát biểu của ông được cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng. Theo thông lệ của LHQ, các Nguyên thủ chỉ đến sát giờ phát biểu và phát biểu xong thì rời ngay khỏi phòng họp hoặc chỉ ngồi một lúc rồi ra về. Ông khác với họ. Ông phát biểu xong thì ngồi lại cho đến khi phiên họp hôm đấy kết thúc.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại tiệc chiêu đãi chính thức của Tổng thư ký LHQ. Ảnh do Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp.
Ông chia sẻ: "Muốn người ta nghe mình nói thì mình phải ngồi nghe người ta nói". Còn anh em thì đùa với ông: "Họp ở LHQ mà ông cứ nghiêm túc như họp Quân ủy Trung ương".
Tại buổi chiêu đãi chính thức của Tổng thư ký LHQ, ông được xếp ngồi cùng bàn với Nelson Mandela, Tổng thống Nam Phi và Tổng Thư ký LHQ Boutros Ghali. Điều này thể hiện sự trọng thị của Ban Tổ chức đối với Việt Nam và cá nhân ông. Ông và Tổng thống Mandela đã nói chuyện với nhau nhiều và hai bên đều bày tỏ khâm phục về cuộc đấu tranh của nhau. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam và cuộc đấu trang chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid đều là những tấm gương sáng nhất trong lịch sử đấu tranh vì hoà bình, độc lập và công lý của dân tộc.
Trong khi nói chuyện với các vị khách quốc tế ông luôn hỏi thăm tôi xem có đói không và muốn Ban Tổ chức bố trí ăn cho cả phiên dịch. Hình như ông đã quen rồi, thương yêu và trân trọng bất kỳ người lính nào cho dù cương vị của họ là gì.
Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc (1945-1995), chiều 25/10/1995, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký LHQ Boutros B. Ghali. Ảnh: Cao Phong-TTXVN
Đầu giờ chiều, ông hội kiến với Tổng thư ký LHQ và tặng phiên bản trống đồng của Việt Nam để đặt tại Trụ sở LHQ. Đây sẽ mãi là giờ phút đáng nhớ nhất trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và LHQ. Nó đánh dấu một bước chuyển mới trong ngoại giao Việt Nam khi thừa nhận tầm quan trọng của ngoại giao đa phương, đặc biệt tại LHQ bởi trong nhiều năm, LHQ đã không có tuyên bố nào ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam và tiếp theo gần 20 chục năm sau đó LHQ đã đứng cùng phe với các thế lực bao vây và cấm vận Việt Nam.
Trong bối cảnh đó cuộc gặp gỡ giữa ông và Tổng thư ký Boutros Boutros Ghali rất xúc động vì ông Ghali người Ai Cập, đại diện cho nền văn minh của kim tự tháp có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ngài Tổng thư ký đã hết lời ca ngợi lịch sử hào hùng, dân tộc anh dũng và nền văn minh đặc sắc của Việt Nam và gắn kết với nền văn minh cổ đại Ai Cập.
Về phần mình, Chủ tịch nước đã đánh giá cao vai trò của LHQ trong sứ mệnh gìn giữ hoà bình và hỗ trợ các nước trong nỗ lực phát triển. Ông cũng cảm ơn các nước đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ và thống nhất Tổ quốc. Ông nhấn mạnh đến nền Văn hoá Đông Sơn giàu bản sắc của Việt Nam và tự hào giới thiệu phiên bản Trống đồng Ngọc Lũ. Đây là lần đầu tiên phiên bản Trống đồng của Việt Nam được chính thức tặng cho một tổ chức quốc tế và từ đó mở đường cho trào lưu tặng quà đối ngoại là các phiên bản Trống đồng với các mẫu và hình dáng khác nhau.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và phu nhân. Ảnh do Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp.
Nhân dịp các nhà lãnh đạo các nước đến dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập LHQ, Tổng thống Bill Clinton và Phu nhân đã mời hầu hết các nguyên thủ đến dự tiệc chiêu đãi của Hoa Kỳ. Đó là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên và ở cấp cao nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong bối cảnh hai nước vừa bình thường hoá quan hệ ngoại giao, sự nghi kỵ và nhất là hội chứng Việt Nam với mặc cảm nặng nề vẫn còn nên Chủ tịch nước Việt Nam không được xếp ngồi cùng với Tổng thống Clinton mà chỉ có cuộc tiếp xúc rất ngắn nhân lúc chụp ảnh.
Tại cuộc gặp ngắn đó, Tổng thống Clinton hoan nghênh Chủ tịch Việt Nam lần đầu tiên tới Hoa Kỳ, chúc mừng hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao và bày tỏ mong muốn hai nước sẽ vượt qua trở ngại của quá khứ để phát triển quan hệ hữu nghị.
Phải mất đúng 4 năm sau khi ông Clinton thắng cử nhiệm kỳ 2 và đã tại vị hết 7 năm, một cuộc tiếp xúc thứ hai lâu hơn, chia sẻ sâu hơn giữa Tổng thống Clinton và Thủ tướng Phan Văn Khải mới được tiến hành tại Auckland, New Zealand bên lề Hội nghị Cấp cao APEC. Sau đó 1 năm vào cuối nhiệm kỳ của mình Tổng thống Clinton mới thăm chính thức Việt Nam.
Trong chuyến sang Hoa Kỳ lần đầu tiên này, ngoài gặp gỡ lãnh đạo các nước, Chủ tịch nước rất quan tâm đến 3 việc khác, đó là: tìm hiểu nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc; đời sống của Việt kiều, và giá trị văn hoá nào tạo lên sức mạnh của Mỹ.
Ông đề xuất sang thăm địa hạt Harlem, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc. Tình hình an ninh khu vực đó không đảm bảo vì là một trong những khu nghèo nhất ở New York. Cả Phái đoàn ta lẫn an ninh bạn đều kiến nghị không nên đi. Ông vẫn cương quyết muốn đến tận nơi để hình dung ra cảnh Bác đã sống nhiều năm trước như thế nào. Bạn đã tăng cường lực lượng, bố trí thêm cảnh sát và súng tiểu liên đề phòng tình huống xấu.
Do không có địa chỉ cụ thể nên đoàn xe cứ đi vòng quanh khu đó trong khi cửa xe an ninh đã mở sẵn và súng đã lên nòng. Rồi đột nhiên ông đề nghị dừng xe để xuống đi bộ và nói chuyện với người dân xung quanh. Ông hỏi thăm và trò chuyện với một ông già da đen tiều tuỵ. Cử chỉ này khiến an ninh bạn vừa kinh ngạc, vừa xúc động.
Sau ít phút ngắn ngủi, bạn đề nghị ông lên xe chống đạn ngay vì họ không muốn bất kỳ chuyện gì xảy ra đối với nguyên thủ của một quốc gia vốn là cựu thù với Mỹ, khi mà những người chống đối quá trình bình thường hoá còn có ảnh hưởng lớn trong chính trường nước Mỹ. Lúc này tôi biết, ông đang nhớ đến Bác Hồ rất nhiều.
Quan tâm đến đời sống của kiều bào ta ở nước ngoài luôn là niềm trăn trở đối các lãnh đạo Việt Nam. Vì vậy gặp và động viên cộng đồng kiều bào luôn là một hoạt động lớn trong mọi chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam. Nhưng nhìn cách ông hỏi thăm và ân cần với từng kiều bào và người thân của họ mới thấy ấm áp làm sao. Đó là cuộc gặp đầu tiên của một số kiều bào tiêu biểu trên đất Hoa Kỳ với vị Chủ tịch nước của Việt Nam. Cả hai bên đều bồi hồi xúc động vì cấm vận của Hoa Kỳ đối với việc về Việt Nam cũng chỉ mới được gỡ bỏ ít lâu. Trong bối cảnh đó, đây cũng là cuộc gặp nội bộ do phía Việt Nam tổ chức khi an ninh được thắt chặt. Ngoài đường, một số người mang cờ của chế độ cũ hò hét, đả kích, hằn học. Trong mắt của vị Chủ tịch đậm một nét buồn sâu sắc. Chắc hẳn ông đang tự hỏi phải mất bao lâu để vết thương chiến tranh lành hẳn và sự thù hận không còn nữa.
Ông đề nghị được đi thăm tượng Thần Tự do, biểu tượng của nước Mỹ để tìm hiểu thêm giá trị văn hoá của người Mỹ. Dưới bức tượng này có dòng chữ nêu bật nỗi thống khổ của những người từng bị áp bức và họ đã lặn lội vượt đại dương, sẵn sàng trả giá bằng sự sống của mình và người thân để đến đây về một "Thế giới tự do".
Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiếp nghị sĩ John McCain, thành viên cấp cao Đảng Cộng hòa (Mỹ), ngày 11/4/1995, tại Hà Nội. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN
Vươn lên để được sống trong độc lập và tự do là giá trị cao đẹp phổ quát của nhân loại chứ không của riêng gì nước Mỹ. Vậy mà chỉ vì do thiếu hiểu biết về nhau mà Việt Nam đã phải trải qua cuộc chiến tranh với Mỹ và tiếp tục bị Mỹ bao vây cấm vận suốt nhiều năm sau đó. Có lẽ hơn ai hết, với nỗi đau của đất nước và trải nghiệm đau thương của cá nhân ông trong chiến tranh từ chống Pháp, đến chống Mỹ rồi chống Pôn Pốt, ông hiểu cái giá phải trả cho tự do của Việt Nam và sự cần thiết phải tiếp tục củng cố một nền quốc phòng toàn dân và triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại hoà bình, làm bạn với tất cả để giữ được độc lập chủ quyền của Việt Nam và đưa đất nước, dân tộc tiến lên con đường văn minh, hạnh phúc.
Lúc tôi đang viết những dòng này và bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa với ông gần 1/4 thế kỷ trước, tin nhắn dồn dập đổ về. Trong đó có một tin của Đại sứ Campuchia Ung Sean, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nước bạn. Tin nhắn viết: "Xin bày tỏ nỗi buồn lớn lao với Đại sứ về sự ra đi của Ngài Lê Đức Anh. Ngài đã đóng một vai trò to lớn trong việc giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng của Pôn Pốt. Xin gửi đến nhân dân và chính phủ Việt Nam và gia đình Ngài nguyên Chủ tịch nước lời chia buồn sâu sắc nhất"
Dưới nhà, anh em trong Sứ quán đang dọn dẹp, kê phòng để chuẩn bị cho việc mở Sổ tang khi Nhà phát Quốc tang."