Thông thường, tập trận có 3 mục đích:
1, Phô trương thanh thế, đe dọa đối phương;
2, Rèn luyện, thuần thục kỹ năng, hợp đồng tác chiến trong phương án tác chiến để SSCĐ khi có tình huống thật xảy ra;
3, Lợi dụng để tấn công thật vào mục tiêu (Chẳng hạn cuộc tập trận lớn nhất của quân đội Liên Xô trong năm 1979 tại biên giới Xô - Trung, đó không chỉ đơn thuần là “tập” mà sẽ tấn công thật vào mục tiêu bất cứ lúc nào khi thấy cần thiết và hiện nay, cuộc tập trận của Nga tại biên giới của Ukraine cũng vậy).
Hãy quan sát cuộc tập trận mang tên “Tương tác trên biển 2016” của Trung - Nga từ bước chuẩn bị lực lượng, “thao trường”, phương án tác chiến…
Đầu tiên là tại sao lại là Biển Đông, một vùng biển đang “sôi sùng sục” bởi sự xuất hiện của Mỹ; bởi sự hung hăng, quân sự hóa các đảo giữa Biển Đông của Trung Quốc; bởi sự tranh chấp căng thẳng của các bên; bởi phán quyết của PCA phủ nhận yêu sách vô lý, ngang ngược của Trung Quốc…mà không phải là nơi nào khác?
Tàu đổ bộ Peresvet Nga sẽ tham gia tập trận với Trung Quốc trên Biển Đông?
Rõ ràng Biển Đông vốn đang rất căng thẳng, bởi Trung Quốc cậy mạnh, ngang ngược đòi chiếm hết thì việc Nga xuất hiện tập trận cùng Trung Quốc là một dấu hỏi lớn đặt ra cho người Nga. Phải chăng Nga tiến hành tập trận với Trung Quốc trên Biển Đông để thách thức chiến lược xoay trục của Mỹ?
Đối tượng tác chiến giả định của cuộc tập trận này là ai? Nhất định không phải là quân cướp biển tại các tuyến đường hải trên Biển Đông mà là hải quân Việt Nam, Philipines hay là hải quân Mỹ…?
Trong đội hình của nhóm tàu của Hạm đội TBD Nga cử sang tập trận đó có tàu đổ bộ Peresvet. Như vậy điều khẳng định chắc chắn là trong nội dung cuộc tập trận này có hạng mục đổ bộ tấn công đánh chiếm đảo hoặc đất liền trong khu vực Biển Đông. Vậy, đảo nào trên Biển Đông hay đất liền của quốc gia nào là mục tiêu giả định?
Tờ Hoàn cầu Thời báo phán rằng “Về mục đích, nội dung và các khoa mục diễn tập tác chiến đổ bộ lần này được cho là không nhằm vào bất cứ nước thứ 3 nào, không có giả định đối tượng tác chiến cụ thể”…thì xin lỗi, để cho dân Trung Quốc nghe và tự thưởng thức với nhau.
Mục tiêu, ý đồ của Trung Quốc trong cuộc tập trận này chúng ta chẳng cần bàn đến vì…quá hiểu. Vấn đề quan tâm là việc Nga tham gia dưới góc nhìn quân sự và chính trị trong cuộc tập trận này ra sao.
Công tác chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận giữa Trung Quốc và Nga sắp tới (11 - 19/9/2016) xem ra có một vấn đề gì đó hết sức khiên cưỡng.
Trước hết phô trương thanh thế, đe dọa đối phương của cuộc tập trận này rất hạn chế. Nga đưa sang một đội tàu gồm 2 khu trục hạm săn ngầm không thuộc diện tối tân nhất Hải quân Nga, nó có từ thời Liên Xô. Đây không phải là khu trục săn ngầm hiện đại bậc nhất thế giới đã từng đến Việt Nam trong các tình huống nóng xảy ra trên Biển Đông vừa qua.
Cuộc tập trận này sẽ tăng cường khả năng hợp đồng tác chiến hải quân Nga-Trung? Đáng tiếc, có thể nói, đội hình Nga mang sang rất tréo ngoe.
Tàu đổ bộ Peresvet là đáng gờm nhất có khả năng mang đến 450 tấn thiết bị, tức là có thể chở 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 12 xe bọc thép, cộng với khoảng từ 230 đến 340 quân thì lẽ ra là của Trung Quốc mới đúng. Bởi đơn giản là Nga không bao giờ sử dụng lực lượng đổ bộ trên Biển Đông trong bất kỳ phương án tác chiến nào của họ.
Liệu 2 khu trục săn ngầm Nga có trinh sát phát hiện các thông số các tàu ngầm Kilo của Việt Nam để chia sẻ vào dữ liệu phối hợp tác chiến với Trung Quốc? Nực cười!
Rõ ràng là cuộc tập trận Trung-Nga không có ý nghĩa về mặt quân sự mà nó có ý nghĩa chính trị nhiều hơn. Nó rất cần thiết với Trung Quốc sau việc bị cô lập bởi quyết định của PCA bởi ít nhất trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn có Nga sát cánh. Tuy nhiên, đây là một thông điệp không có sức nặng với liên minh Mỹ - Nhật Bản.
Vây, lợi ích Nga trong cuộc tập trận này là gì? Hầu như không có gì, nhưng vì có lợi ích song phương với Trung Quốc nên Nga bị Trung Quốc chơi khó và buộc phải miễn cưỡng chấp nhận tập trận với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy thế, hai tàu khu trục săn ngầm của Nga chủ yếu giúp Nga trinh sát thực địa công khai trên Biển Đông, một vùng biển nhung nhúc tàu ngầm Trung Quốc và Mỹ là điều không hay ho gì với Trung Quốc và Mỹ. Và chưa biết chừng, những dữ liệu này sẽ có trong kho dữ liệu của Việt Nam.
Một sự thật hiển nhiên, Nga dù "có cho kẹo" cũng không dại dột tham chiến, đứng về phía Trung Quốc khi phía bên kia là Mỹ - Nhật Bản. Và Trung Quốc thừa hiểu nếu xảy ra xung đột với quốc gia láng giềng thì chính vũ khí tiên tiến hiện đại của Nga chứ không phải, chưa phải của Mỹ buộc Trung Quốc trả giá đắt.
Nếu như tập trận là để phô trương thanh thế, để đe dọa… thì Trung Quốc đã tiến hành hàng chục cuộc tập trận trên Biển Đông chứ đâu phải ít, có điều ngay cả "thật" thì cũng không thể đe, dọa được Việt Nam. Vì chủ quyền trên Biển Đông Việt Nam không sợ bất kỳ điều gì!