Sau một chuyến lái xe dài và mệt mỏi, lái xe taxi Wu Fuchun 33 tuổi dừng xe vào lề đường để tìm nhà vệ sinh. 5 phút sau, điện thoại anh nhận được tin nhắn thông báo rằng anh đã đỗ xe vào chỗ cấm, vi phạm luật giao thông. Wu sẽ bị phạt ba điểm vào bằng lái cũng như phải nộp 200 Nhân dân tệ (khoảng 650.000 đồng).
Chẳng chút ngạc nhiên, Wu dễ dàng chấp nhận điều này, bởi lẽ bị phạt như vậy không phải điều gì mới lạ tại Trùng Khánh – thành phố có hệ thống giám sát chặt chẽ nhất thế giới.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tính đến năm 2019, thành phố 15,35 triệu dân này đã lắp đặt khoảng 2,58 triệu máy quay giám sát, tương đương với 168 máy quay trên 1.000 đầu người, nhiều hơn cả thủ đô Bắc Kinh.
Trong 10 thành phố hàng đầu thế giới áp dụng công nghệ giám sát trên thì có 8 thành phố ở Trung Quốc.
Hệ thống máy quay giám sát CCTV có mặt ở hầu khắp mọi nơi tại thành phố miền núi này. Trên đường phố, trong nhà hàng, siêu thị, công viên hay trung tâm thương mại…, máy quay xuất hiện ở mọi nơi. Những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã triển khai hệ thống máy quay giám sát an ninh cùng với công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát giao thông và xác định danh tính lái xe vi phạm. Trong khi tại Thâm Quyến, những người đi bộ sang đường ẩu không chỉ bị nêu tên công khai trên màn hình LED lớn, họ còn nhận thông báo sai phạm và mức phạt qua tin nhắn điện thoại.
Tuy vậy, kết quả khảo sát tại các thành phố trên cho thấy người dân Trùng Khánh lại hài lòng hơn cả về cuộc sống đầy “mắt thần” theo dõi, trong khi trung tâm công nghệ như Thâm Quyến lại xếp thứ hai. Phần lớn họ đánh giá nền an ninh trật tự tại đây được đảm bảo tốt hơn nhờ hàng triệu chiếc máy quay.
Một số chuyên gia cho rằng chính sách này có thể bắt nguồn từ chiến dịch triệt phá mạng lưới tội phạm theo yêu cầu của ông Bạc Hy Lai – Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh giai đoạn 2007 - 2012 – trước khi ông ta bị xét xử vì tội tham nhũng và phải ngồi tù. Chiến dịch trấn áp tội phạm này bao gồm triển khai các hệ thống giám sát điện tử tại thành phố bằng thiết bị nghe lén và kiểm soát liên lạc trên mạng Internet.
Đáng chú ý, trong khi một số người dân Trùng Khánh bị bất ngờ về vị trí số 1 thế giới, số khác lại cảm thấy đây là điều tốt. “Còn tốt hơn nữa khi có thêm nhiều máy quay giám sát. Nó đem đến cho mọi người cảm giác an toàn và giảm số vụ phạm tội. Nó thực sự là điều tốt”, lái xe taxi Wu nhận xét.
Sau hơn ba năm hành nghề, Wu có thể nhận ra những loại máy quay khác nhau trên phố và mục đích của chúng. Máy quay nằm bên trong các khối vuông dài màu trắng, được gắn vào khung kim loại trên đường phố để đo tốc độ lái xe cũng như kiểm tra xem lái xe có thắt dây an toàn hay không. Trong khi đó, máy quay có ống kính xoay tròn ở trung tâm thương mại và khu mua sắm để phát hiện người đậu xe trái phép. Máy quay có ống kính hình cầu có thể phóng to hình ảnh và giám sát an toàn công cộng tại vùng không gian ngoài trời rộng lớn.
Liu Gangqiang làm nghề lái taxi tại Trùng Khánh 6 năm nay. Anh cũng đồng quan điểm với Wu rằng hệ thống máy quay an ninh tại đây giúp ngăn ngừa tai nạn giao thông, đồng thời có thể bảo vệ họ khỏi những vị khách thô lỗ.
Anh Liu kể có lần một nữ hành khách bỏ quên túi xách trên xe anh. Cô gái không nhớ biển số xe của anh nên cố tìm kiếm qua tổng đài quản lý xe taxi. Đơn vị này đã nhận ra xe của Liu qua hình ảnh từ máy quay giám sát. Vị khách này đã nhận lại túi xách sau vài giờ.
Cũng như rất nhiều người ở Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi chút quyền riêng tư của cuộc sống thường nhật để áp dụng công nghệ mới, Wu dường như không lo lắng quá mức.
Wu nói: “Chẳng có ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân nếu bạn không ăn cắp, ăn trộm hay phạm pháp. Bạn cứ làm điều bạn nên làm. Nó thực sự không liên quan đến quyền riêng tư vì họ (các cơ quan chính phủ) không lắp máy quay tại nhà bạn”.