Cuộc sống ở nơi nóng nhất hành tinh và bí ẩn về những "hòn đá biết đi"

Sông Thương |

Dưới cái nóng "như thiêu như đốt", người dân sinh sống ở Thung lũng Chết vẫn ra ngoài chạy bộ đều đặn. Nơi này còn có những bí ẩn mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải rõ ràng được.

Thung lũng Chết (Death Valley) là thung lũng dài và hẹp nằm giữa bang California và Nevada (Hoa Kỳ). Với nhiệt độ trung bình vào mùa hè lên đến 49 độ C, mức nhiệt cao nhất là 54 độ C, Thung lũng Chết là một trong những nơi nóng nhất hành tinh.

Theo Insider, hiện chỉ có khoảng 300 người đang sinh sống tại đây, phần lớn trong số họ là nhân viên của Vườn Quốc gia Death Valley (Thung lũng Chết) và các khách sạn địa phương.

Thung lũng Chết từng đạt mức nhiệt cao nhất với hơn 54 độ C, gần bằng nhiệt độ bên trong của miếng bít tết. Tuy nhiên, với người dân sống gần ga Furnace Creek - khu vực đạt nhiệt độ kỷ lục này, cho rằng đây là chuyện bình thường. Theo Brandi Stewart, một cư dân sống quanh năm ở đây và là nhân viên thông tin công cộng của Vườn Quốc gia Thung lũng Chết chia sẻ rằng, nhiệt độ vào tháng 7, 8 nóng đến mức cảm giác như bạn đang ở trong một chiếc lò nướng.

"Thời tiết khá nóng nực. Chỉ cần bước chân ra ngoài, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy sự nóng khô trên da và không nhận ra cơ thể đang toát mồ hôi vì chúng bay hơi quá nhanh", Stewart nói.

Cuộc sống ở nơi nóng nhất hành tinh và bí ẩn về những hòn đá biết đi - Ảnh 1.

Ảnh: offthebeatenpath

Quen dần với cái nóng

Khoảng 300-400 người sinh sống tại Thung lũng Chết đã trải qua mức nhiệt từ 43-51 độ C trong suốt tháng 8. Trong cái nắng như thiêu đốt như vậy, họ vẫn làm việc, vui chơi và thậm chí là tập thể dục ngoài trời.

Stewart và Patrick Taylor là những người đang làm việc tại Vườn Quốc gia Thung lũng Chết, đã chia sẻ với Business Insider rằng cảm giác sống ở một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất là như thế nào.

Patrick Taylor, cho biết, mùa hè đầu tiên của anh ở Thung lũng Chết diễn ra "khá khó khăn". Khi cơ thể không thích nghi với nhiệt độ quá cao, cơ thể đổ nhiều mồ hôi và kiệt sức, tồi tệ hơn là đột quỵ do nhiệt. Tuy nhiên, phần lớn mọi người sẽ có thể thích nghi được sau một vài tuần. Để quen với thời tiết nóng nực, cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn. Không khí ở Thung lũng Chết rất khô, điều đó khiến mồ hôi bay hơi nhanh và làm mát cơ thể hiệu quả hơn.

Cuộc sống ở nơi nóng nhất hành tinh và bí ẩn về những hòn đá biết đi - Ảnh 2.

Ảnh: Insider

Taylor chia sẻ rằng anh và mọi người tại đây phải mất đến khoảng một năm để điều chỉnh cơ thể phù hợp với mức nhiệt khắc nghiệt tại đây. Tới nay, anh đã gắn bó với vùng đất này 7 năm."Tôi không biết mọi người có thể tưởng tượng khi sống ở nhiệt độ 51 độ C là như thế nào, tuy nhiên nó không thực sự quá đáng sợ", Taylor nói.

Còn với Brandi Stewart, cô cũng đã quen với cái nóng như thiêu như đốt ở đây. Stewart chia sẻ: "Một vài người bạn của tôi nói qua điện thoại rằng họ mặc quần đùi, áo phông khi ngoài trời hơn 26 độ C. Tuy nhiên, với mức nhiệt đó, có lẽ tôi phải mặc quần dài và áo dài tay".

Cộng đồng người ở Thung lũng Chết

Có 3 cộng đồng chính tại Thung lũng Chết là Cow Creek, làng Timbisha Shoshone và Stove Wells. Những nơi này đều xa trung tâm. Thị trấn gần nhất cách một giờ lái xe. Một số trẻ em ở đây phải đi xe buýt 1 tiếng đồng hồ để đến trường. Taylor và vợ anh cho 5 cô con gái ở nhà.

Khu phức hợp Cow Creek có khoảng 80 căn nhà nằm liền kề nhau. Mọi người có thể dễ dàng đi bộ từ nhà này sang nhà khác. Ở đây còn có phòng tập thể thao chung, sân chơi và thư viện quận. Phần lớn các ngôi nhà đều có máy điều hòa không khí thông thường và máy làm mát không khí.

Cuộc sống ở nơi nóng nhất hành tinh và bí ẩn về những hòn đá biết đi - Ảnh 3.

Tuy nhiên không phải tất cả người dân ở đây đều sử dụng những dụng cụ làm mát này. Taylor cho biết: "Một số người không bao giờ sử dụng điều hòa nếu nhiệt độ trong nhà chưa vượt quá 35 độ C vì họ muốn tiết kiệm tiền điện". Gần như người thân của những người dân tại đây không thích đến thăm họ vào mùa hè, hàng xóm láng giềng sẽ dành thời gian quây quần bên nhau.

Khoảng 150 nhân viên Dịch vụ Công viên Quốc gia đã thành lập các nhóm để sinh hoạt chung như: Câu lạc bộ sách, thủ công, chạy bộ... Cư dân ở Thung lũng Chết sẽ chạy bộ ngoài trời ngay trong trong tháng 7 dù thời tiết nắng nóng. Taylor cho biết, họ không bao giờ khuyên du khách chạy bộ ở Thung lũng Chết vào mùa hè. Nhưng với người dân đã sinh sống lâu tại đây, họ chạy mỗi ngày và cơ thể quen với việc chạy trong điều kiện 43 độ C thì gần 50 độ C cũng không có nhiều khác biệt.

Cư dân ở Thung lũng Chết cần có sự chuẩn bị trước khi ra ngoài

Vào mùa hè, sức nóng của Thung lũng Chết khiến những hoạt động dù đơn giản cũng trở nên nguy hiểm. Taylor và gia đình anh không bao giờ ra khỏi nhà mà không có điện thoại vệ tinh dự phòng, đề phòng mất sóng.

Còn với Stewart, cô không bao giờ lái xe đến cửa hàng tạp hoá một mình mà không mang bình nước lớn. Cô cũng luôn kiểm tra chiếc xe của mình liên tục để tránh bị hỏng giữa đường hay kẹt ở những nơi hẻo lánh. Stewart chia sẻ rằng, nỗi sợ hãi lớn nhất của cô là xe bị gặp trục trặc giữa đường. Cả Taylor và Stewart cho biết, họ đều nhắc nhở các du khách đến đây phải thực hiện các biện pháp tương tự trong Vườn Quốc gia.

Cuộc sống ở nơi nóng nhất hành tinh và bí ẩn về những hòn đá biết đi - Ảnh 4.

Stewart có thể nướng bánh quy với mức nhiệt ngoài trời

Ngoài ra, cộng đồng ở người dân ở đây còn phải đối mặt với một mối đe dọa lớn khác, đó là biến đổi khí hậu. Sự thay đổi nhiệt độ khiến việc kết nối mọi người với nhau trở nên khó khăn hơn. Họ không thể ra ngoài và giao lưu nhiều như trước. Trước đây, tiệc nướng sẽ được tổ chức hàng tháng. Giờ đây, trời quá nóng nên 4-5 tháng, người dân mới có thể tụ họp được một lần.

Điều bí ẩn, lạ lùng ở Thung lũng Chết

Một trong những điều bí ẩn, lạ lùng ở Thung lũng Chết là những hòn đá "biết đi" vệt đường đi của chúng trên cát. Theo AmusingPlanet, các hòn đá đều có lộ trình riêng, rẽ trái, rẽ phải, đi theo hình lượn sóng và trượt lướt những quãng đường dài ngắn khác nhau. Có những hòn đá đã di chuyển một quãng đường dài đến 450m so với ban đầu trong vòng 2-5 năm.

Cuộc sống ở nơi nóng nhất hành tinh và bí ẩn về những hòn đá biết đi - Ảnh 5.

Các nhà khoa học chỉ có thể đặt ra nhiều giả thuyết giải thích cho hiện tượng đá tự đi này. Tuy nhiên, họ mới chỉ quan sát được các hiện tượng này ở một vài hòn đá, còn các hòn đá lớn và vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm ra sự dịch chuyển của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại