Khu vực phường 10, quận Gò Vấp, TP. HCM nằm trên đường cất, hạ cánh của máy bay khi vào cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Mỗi ngày có hàng trăm chiếc máy bay ngang qua đầu với khoảng cách rất gần khiến nhiều người tưởng chừng có thể chạm được chúng.
Trên trục đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP. HCM), mọi người đều có thể ngắm được sự to lớn của những "chú chim sắt khổng lồ". Chị Trung (47 tuổi) cho biết sau vài tháng chuyển lên thành phố buôn bán thì đây là lần đầu tiên chị được tận mắt nhìn thấy máy bay. Đôi khi thấy chúng trên đầu mà chỉ cách vài chục mét khiến chị khá lo sợ.
Còn với ông Liêm (72 tuổi, người sinh ra và lớn lên dưới cánh máy bay) thì việc nhìn thấy những “chú chim sắt khổng lồ" này là chuyện bình thường. Ở đây, những hộ dân xây nhà đều bị giới hạn về độ cao, không quá 45 mét để đảm bảo an toàn.
Hình ảnh chiếc máy bay luôn hiện diện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Họ cũng dần quen với tiếng gầm rú từ trên cao dội xuống.
Máy bay hạ cánh liên tục từ sáng tới đêm, có lúc lên đến 48 chuyến/giờ, tức là chỉ hơn một phút/chuyến.
Tận dụng điều này, mô hình quán cà phê ngắm máy bay nở rộ trong những năm gần đây. Các quán đều được làm trên sân thượng, thiết kế đơn giản và thoáng để khách có thể ngắm một cách thuận tiện nhất.
Chị Kiều (20 tuổi) cho biết đây là lần đầu tiên chị ngắm được những chiếc máy bay to lớn ở cự ly gần như vậy. Quãng đường đi từ nhà đến quán cà phê khá xa nhưng chị cảm thấy công sức mình bỏ ra rất xứng đáng.
Từ năm 1930, thực dân Pháp đã muốn xây một sân bay khác ở Đồng Nai để mở rộng quy mô, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất gần trung tâm thành phố. Nhưng do chi phí quá cao nên họ không thực hiện được. Phải mất gần 100 năm, với rất nhiều quyết tâm thì sân bay Long Thành (Đồng Nai) mới được triển khai xây dựng với kinh phí lên đến 5 tỷ USD.
Trải qua hơn 100 năm đô thị hoá, sân bay Tân Sơn Nhất từ chỗ nằm ở ngoại ô thì nay đã lọt thỏm giữa những khu dân cư đông đúc.