Có rất nhiều lý do đã dắt những thanh niên nam nữ còn quá trẻ vào con đường lầm lạc. Trong nhiều nguyên nhân ấy, có một nguyên nhân phải được báo động ở mức cao nhất là những bậc cha mẹ, đã và đang bỏ quên con cái trong chính ngôi nhà của mình.
Những nam nữ học sinh bỏ nhà đi lang thang và khuya thì chui vào nhà nghỉ. Chúng là những kẻ vô gia cư chăng? Không. Chúng là những đứa con của không ít gia đình khá giả.
Những nam nữ thanh niên tháo bỏ phanh xe máy và lao vào cuộc đua trên những đường phố và sẵn sàng chết. Họ là những kẻ mắc bệnh tâm thần chăng? Không. Nhiều người trong họ là những trai thanh gái tú.
Những cô bé học sinh buộc tay vao với nhau và nhảy xuống sông tự vẫn? Chúng là những đứa trẻ tuyệt vọng chăng? Không. Chúng đang được nuôi nấng khá đầy đủ về vật chất và chưa phải lo lắng chuyện gì trong cuộc đời này.
Và rồi đến những cô cậu hoan lạc với nhau rồi tự quay phim, chụp ảnh và bị phát tán trên mạng… Tất cả những điều tôi nói trên đã và đang xảy ra trong đời sống chúng ta.
Những chuyện kinh hoàng đó chỉ là số ít nhưng giống như một đám cháy đang lan rộng.
Có rất nhiều lý do đã dắt những thanh niên nam nữ còn quá trẻ vào con đường tăm tối đó. Nhưng một trong nguyên nhân chính là chúng ta, những bậc cha mẹ, đã và đang bỏ quên con cái trong chính ngôi nhà của mình.
Những cuộc "bão đêm" của giới trẻ.
Trong bài viết "Thực đơn cho tâm hồn: Chúng ta - Những đầu bếp vô cảm", tôi nói về việc các bậc cha mẹ đã không còn biết ru con nữa.
Bài viết đó không phải nói về chuyện ru con cụ thể như ngày xưa mà là một cách nói về việc chăm sóc tâm hồn con cái của các bậc cha mẹ.
Thế nhưng có ý kiến bạn đọc phản hồi lại có vẻ khó chịu và kêu lên rằng chuyện ấy "xưa" rồi. Theo tôi, thực đơn cho tâm hồn phải là tình yêu thương và những vẻ đẹp nhân văn của đời sống. Khi nào loài người còn tồn tại thì thực đơn đó không thay đổi.
Hiện thực trong nhiều năm trở lại đây, thực đơn cho thân xác được đầu tư quá lớn.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng có quá nhiều quảng cáo về thuốc này, sữa nọ v.v… cho những đứa trẻ và thử hỏi có bao nhiêu quảng cáo về các sản phẩm văn hoá, giáo dục cho những đứa trẻ ở Việt Nam?
Một sự mất cân bằng ghê gớm. Điều đó cũng là một minh chứng cho thấy chúng ta đang quan tâm đến điều gì.
Chúng ta đã và đang bỏ quên con cái mình. Tôi nhắc lại điều này. Và tôi cũng biết rằng sẽ có rất nhiều người sẽ lại khó chịu và phản đối: Không được nói như thế.
Chúng tôi đang ngày đêm làm việc cũng chỉ vì con cái chúng tôi. Sai lầm của chúng ta, những bậc cha mẹ, là chính ở chỗ này.
Nếu chúng ta chỉ nhìn lướt qua chúng ta sẽ tin rằng: càng ngày các bậc cha mẹ càng có trách nhiệm với con cái nhiều hơn ông bà và bố mẹ mình trước kia.
Nhưng thực tế, quá nhiều người trong chúng ta chỉ có trách nhiệm với cái thân xác của con cái chúng ta mà thôi.
Chúng ta tìm mọi thực đơn cho bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và phần ăn phụ trước khi đi ngủ của con cái mình khi thấy chúng có vẻ suy dinh dưỡng.
Nhưng có quá nhiều đứa trẻ suy dinh dưỡng trong đời sống tinh thần của chúng thì chúng ta lại không hề hay biết và không hề quan tâm.
Chúng ta luôn luôn quá tự tin rằng con cái luôn luôn bên cạnh chúng ta và nghe lời sai khiến của chúng ta. Nhưng tôi mang cảm giác đó chỉ là những cái bóng của con cái chúng ta. Còn chúng thật sự đã bỏ chúng ta lâu rồi và đang sống trong một thế giới khác.
Đừng tưởng sáng dậy chúng ta dọn bữa sáng theo tiêu chuẩn Châu Âu hay Châu Mỹ cho con cái hoặc nhét tiền vào túi cho chúng tự ăn sáng trên đường tới trường, đừng tưởng mỗi đứa trẻ được gắn một chiếc điện thoại di động, đừng tưởng đúng giờ chúng ta đã có mặt ở cổng trường để đón chúng, đừng tưởng chúng khép nép chào cha mẹ và chui tọt vào phòng riêng… là chúng ta có thể yên tâm rằng chúng đang sống trong sự quản lý và chăm sóc của chúng ta.
Đấy là một nhầm lẫn vô cùng tai hại.
Chúng ta đã dành quá ít thời gian để quan tâm tới con.
Buổi sáng chúng ta vội vàng đi làm, vội vàng kiếm tiền, vội vàng mua sắm phương tiện, vội vàng mua đất, vội vàng chơi chứng khoán…
Chúng ta hãy tự hỏi: Mỗi ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian cho con cái? Quá ít. Bạn có biết có bao nhiêu nội dung mà cha mẹ nói với con cái trong một ngày không? Quá ít và quá vô cảm. Đó chỉ là những câu hỏi giống như của một thanh tra với nghi phạm:
- Sao mày lại về muộn, bạn cùng lớp mày về hết cả rồi?
- Mới cho tiền hôm kia tiêu gì đã hết?
- Bao giờ thì thi hết "cua" tiếng Anh?
- Điện thoại để đâu mà mẹ gọi không thấy trả lời?
- Sinh nhật sinh nhẽo gì mà bây giờ mới về?
- Xem gì trên mạng mà đến 2 giờ sáng?
- Có chuyện gì mà đứa nào gọi điện cho mày khuya thế?
Với cách chăm sóc con cái như vậy chúng ta chỉ nhận được những lời nói dối và chúng ta chẳng bao giờ biết được cuộc sống thật của chúng như thế nào (?).
Nếu quan sát một chút, chúng ta sẽ thấy càng ngày càng nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn không còn thời gian cho con cái nữa. Họ có nghĩ đến con cái không?
Có. Nhưng họ chỉ nghĩ đến một vế mà thôi. Đó là kiếm tiền cho chúng có một cuộc sống tốt, cho chúng học thêm, cho chúng du học.
Trong nhiều gia đình ở thành phố, con cái được trang bị đến tận chân răng: quần áo hàng hiệu, trang sức vàng bạc đá quý, xe máy, điện thoại, máy tính xách tay, máy nghe nhạc…
Và họ nghĩ như thế là đủ. Những đứa con của họ vẫn đi học và về nhà đúng giờ, vẫn dạ dạ vâng vâng và cúi đầu lễ phép.
Một lần tôi nằm nhưng không ngủ và nghe được con gái tôi nói chuyện điện thoại với bạn.
Tôi giật mình nhận ra rằng: sự khép nép của con gái tôi trước bố mẹ hàng ngày chỉ là hình thức, còn cuộc sống nội tâm bên trong của nó đã ra ngoài sự hiểu biết của tôi từ lâu rồi.
Có bao nhiêu học sinh bây giờ được thầy cô gặp sau khi tan trường và nói: "Cô thấy mấy hôm nay em buồn và hoang mang, có chuyện gì vậy em, hãy nói cho cô nghe, cô là một người bạn của em mà".
Hình như không còn những câu nói đó nữa. Cô phải vội về, vội đi chợ, vội kịp lớp dạy thêm… Chính vì vậy mà chúng ta đã đẩy con cái chúng ta vào một thế giới khác.
Trong thế giới hoang mang ấy, chúng phải tự đi và tự giải quyết những bế tắc, những sợ hãi của chúng. Và không ít con cái chúng ta đã lạc đường.
Hầu hết các bậc cha mẹ ở Việt Nam đã phải trải qua những năm tháng nghèo đói của đất nước. Và bây giờ, họ không muốn con cái mình phải đói cơm thiếu áo nữa.
Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng. Chính thế họ lao vào kiếm tiền. Họ chỉ có thể nhìn thấy thân xác con cái họ từng ngày lớn lên và nhìn thấy con đường của con cái họ từ nhà đến trường và ngược lại.
Còn những con đường trong tâm hồn chúng thì cha mẹ không hề nhìn thấy và không có ý thức nhìn thấy.
Sau những vụ án kinh hoàng do tuổi vị thành niên gây ra, thử hỏi có bao nhiêu bậc cha mẹ quay lại nhìn con cái mình và tự hỏi:
- Con mình đang sống như thế nào khi không có mình bên cạnh?
- Có bao giờ mình ngồi tâm sự với con về một điều gì trong đời mình chưa?
- Tại sao sáng nay con mình không đi học? Tại sao nó lại nằm trong phòng và mắt đỏ hoe?
- Tại sao đêm qua con mình lại tìm rượu uống?
- Tại sao mình không cắm một bình hoa trong phòng con gái mình?
- Tại sao mình lại không cho con mình giải thích việc nó bỏ học đi lang thang?
- Tại sao mình lại không bàn luận với con về một vấn đề liên quan đến những người trẻ như nó?
- Tại sao mình không kể lại chuyện tình yêu của vợ chồng mình cho con nghe?
- Có bao giờ mình chọn mua một cuốn sách tặng con không?
- Sao mình không hỏi con cho mình cùng nghe một bản nhạc nó thích?
Nếu chúng ta ngày ngày nghĩ đến một câu hỏi tương tự như những câu hỏi trên thì chúng ta đã không bỏ quên con cái chúng ta trong một thế giới quá nhiều khó khăn và bất trắc này.
Khi chúng ta bỏ quên con cái trong chính ngôi nhà của mình thì chúng sẽ đi tìm một "ngôi nhà" khác. Và không ai biết nơi chốn ấy có những gì đang đợi chúng.