01
Người trưởng thành đều là những kẻ "tự vả" hai mặt
Người trưởng thành có thể sống "giả dối" đến mức nào? Chính là đêm hôm trước còn buồn bã đến mức chỉ biết lẩm bẩm "Đời này chẳng có gì đáng sống" thì sáng hôm sau tỉnh dậy đã tự an ủi mình, một ngày mới tràn đầy sức sống lại tới rồi.
Ai mà chẳng có đôi ba khoảnh khắc chỉ muốn trút hết oán thán về cuộc đời vất vả lên status?
Ai mà chẳng có vô số lần bị chính những tầm thường của cuộc sống quật ngã?
Nhưng vậy thì sao cơ chứ, chúng ta chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cố gắng đứng cho vững.
Bởi vì mọi người sẽ nói: "Bạn không bệnh không tật, có ăn có uống thì có gì đáng để kêu ca? Lớn thế rồi sao cứ như trẻ con mãi thế. Ai mà chẳng mệt mỏi, sao mỗi bạn cứ than vãn mãi?".
Tuy nhiên, cuộc đời đâu lắm chuyện đại sự cần sống cần chết như thế. Thứ khiến chúng ta sụp đổ vốn dĩ chỉ là những thứ nhỏ nhặt thôi. Đại loại như phút bất lực trong công việc, sự ngu ngốc trong suy nghĩ hay đơn giản là một câu nói vu vơ từ những người thân yêu. Chính những khoảnh khắc vô tình thờ ơ ấy chất chồng khiến chúng ta tuyệt vọng với thế giới này.
Những điều này không phải ai cũng có thể nói ra.
Trong Reply 1988 có câu thoại thế này: "Người lớn chỉ là đang chịu đựng. Chỉ là đang bận rộn chuyện của những con người trưởng thành. Chỉ là đang cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để gánh vác trách nhiệm của tuổi tác. Người lớn cũng biết đau".
Những lời không thể nói ra cuối cùng phần lớn bị nuốt vào trong, tự mình gặm nhấm lấy. Và cũng bởi vậy, có vô số người luôn giả bộ tươi tỉnh đầy sức sống lúc ban ngày, chỉ tới đêm khuya khi không còn ai quanh mình, họ mới dám cất tiếng khóc.
Nỗi đau cứ về đêm mới âm ỉ, không gì ngăn lại được.
02
Làm người trưởng thành, muốn sụp đổ cũng phải đặt lịch trước
Ngày bạn tôi ly hôn, không ai biết cả. Nó vẫn đến công ty đúng giờ, vừa chen chúc trên xe bus vừa ăn vội bữa sáng như thường lệ. Nó vẫn cẩn thận chuẩn bị tài liệu họp cho sếp, vẫn nói chuyện với đồng nghiệp, vẫn trao đổi với khách hàng như thường lệ. Ngày hôm đó trời rất xanh, tâm trạng nó cũng luôn ở mood phơi phới và nó vẫn làm việc chuyên nghiệp như mọi người.
Mãi cho đến một buổi cuối tuần, mọi người tổ chức liên hoan. Có người hỏi nó sao hôm nay đi có một mình thế, uống hết 3 lượt, nó mới cười mà không rơi một giọt nước mắt: "Vợ chồng tôi ly hôn hơn 1 tháng rồi".
"Cái gì cơ?! Sao chuyện lớn vậy mà bà không nói với mọi người sớm?", ai nấy đều tỏ ra shock lắm.
Nhưng ngẫm lại, nói sớm hay nói muộn có gì khác nhau đâu. Chuyện đã rồi, chẳng ai muốn làm ngày mới của mình chậm trễ tới.
Người lớn là vậy, bạn suy sụp là chuyện của bạn, vốn chẳng liên quan gì đến người khác. Đã qua rồi cái thời chỉ cần buồn một cái là nằm lì trên giường, 3 ngày 3 đêm không để ý đến ai.
Lịch đàm phán với khách đã set sẵn rồi, có thể không đi gặp hay sao?
Sếp giục giã liên tục, có thể mặc kệ không hồi âm hay sao?
Bạn dám vì một mình mình mà làm ảnh hưởng đến cả quy trình đang hoạt động trơn tru hay sao?
Dĩ nhiên là không rồi.
Tôi chợt nhớ đến một đoạn trích dẫn trong The Story Of A Hot Mom: "4 sự kiện trọng đại của đời người bao gồm sinh, lão, bệnh, tử, chứ hoàn toàn không có cái gọi là ly hôn. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, điều bạn cần làm là làm việc chăm chỉ hơn nữa, vì không ai có thể đảm bảo cho tương lai của bạn và con cái bạn".
Phũ phàng, tàn khốc, nhưng hiện thực chính là như thế.
Cuộc sống bao nhiêu khó khăn, chẳng ai muốn liều mình đánh đổi sự nghiệp chỉ vì thứ tình cảm bấp bênh cố níu kéo lấy.
Muốn gục ngã, muốn khóc to một trận cho đã đời? Book thời gian trước đi nhé!
03
Nơi yêu thích của người trưởng thành chính là WC
Bởi vì chỉ có ở đó, bạn mới có thể là chính mình một cách tự phụ.
Muốn khóc thì khóc, muốn hét thì hét, có thể dùng tiếng xả nước để khiến bản thân trở nên can đảm hơn. Sau đó gạt đi nước mắt, bước ra khỏi nỗi buồn mấy mét vuông ấy và lại dành tặng thế giới một gương mặt tươi cười.
Dù vài phút trước thôi bạn còn đang tan vỡ thì quay người một cái, bạn vẫn là một bà mẹ tốt, một người vợ hiền, một cô con gái hiếu thuận, một nhân viên cần cù.
Trở thành một người trưởng thành đồng nghĩa với việc ổn định về cảm xúc. Lớn thế này rồi bạn không còn được tùy tiện khóc, tùy tiện phóng túng, tùy tiện làm theo ý mình nữa.
Bạn thấy đấy, một trong những bi thương của tuổi trưởng thành chính là mất đi quyền được khóc. Có chăng không phải mình bạn như vậy, mà ai cũng thế thôi. Đằng sau ánh hào quang là biết bao đánh đổi. Bên dưới nụ cười chính là nỗi buồn vô tận.
Có người cho rằng, cái gọi là trưởng thành chính là chuyển tiếng khóc sang chế độ im lặng. Dù buồn thế nào, tôi cũng sẽ không nói với ai, vì biết rằng điều đó là vô ích. Ngoại trừ sự an ủi nhẹ nhàng, một câu dỗ dành "Ôi không đau, không đau nữa mà" hay một sự đồng hành vội vã, tới sau cuối vẫn chỉ còn lại mình bạn đơn độc đối mặt với khó khăn của cuộc sống.
Sự náo nhiệt như một thứ hàng tiêu dùng tạm thời còn thứ duy trì cuộc sống của bạn chính là sự cô đơn.
04
Có một câu kinh điển trong Mr. Good:
"Bạn có biết sự khác biệt lớn nhất giữa một người trưởng thành và một đứa trẻ là gì không?
Đó chính là người lớn phải tự tay dọn dẹp đống bừa bộn do mình gây ra".
Từ những thứ nhỏ như đống lộn xộn ở nhà đến những thứ to đùng như sai lầm trong công việc hay hình phạt công ty đang chuẩn bị áp xuống, đơn giản hơn nữa là di chứng để lại sau cơn ốm nặng...
Không phải thứ gì chúng ta cũng có thể bồi thường được, chính vì vậy ngẫm đi ngẫm lại, vẫn là bỏ đi, nhẫn nhịn thêm một chút.
Thế giới đúng là có đôi khi không đáng sống nhưng bạn thì luôn đáng sống. Mọi thứ khổ đau đều có thể tự mình giải quyết. Cuộc sống là không dễ dàng nên chúng ta càng cần trân trọng nó hơn.
Chính vì vậy, cho dù bây giờ bạn đang buồn như thế nào, hãy hít thở thật sâu và sắp xếp lại cảm xúc của mình. Để rồi ngày mai khi thức dậy, cuộc sống sẽ lại bắt đầu thêm lần nữa.