Cuộc sống của các hoàng đế trong Tử Cấm Thành không tuyệt đỉnh sung sướng như người ta vẫn tưởng. Hoàng đế được coi là đại diện của thiên đình, là con của trời nhưng thực tế, Hoàng đế vẫn không phải là người thích gì làm nấy mà bắt buộc phải tuân theo rất nhiều những nghi thức nghiêm ngặt của truyền thống.
Hoàng đế có nghĩa vụ phải tham gia các cuộc họp về các vấn đề lợi ích công cộng để phán quyết các hình phạt thích hợp. Để giảm bớt áp lực hàng ngày của mình, thói quen của Hoàng đế được giám sát bởi các hoạn quan và các quan chức.
Thời gian biểu của một vị hoàng đế
Hoàng đế thường phải dậy từ lúc 4 giờ sáng. Hành động này được gọi là "xuân tẩm", tức là các cận thần và quan chức trong triều đình sẽ được diện kiến Ngài và xin được nói ra ý kiến của mình. Sau đó, Hoàng đế sẽ quay trở lại long sàng để ngủ thêm một chút.
Hoàng đế sẽ ăn sáng lúc 7h sáng vào mùa xuân và mùa đông, 6h sáng vào mùa hè và mùa thu. Các thái giám sẽ chuẩn bị một khay son đề tên của các vị quan thần để Ngài gặp trong ngày. Sau khi ăn sáng, Ngài sẽ đọc những bản tấu của quan Thượng thư và các quan lại khác.
Đến trưa, Hoàng đế vẫn sẽ ngồi đọc và phê duyệt những bản tấu của quan lại địa phương. Mỗi ngày có đến hàng trăm bản tấu và Ngài chính là người phải đọc và duyệt tất cả chỗ đó.
Từ 1 - 3 giờ chiều là giờ ăn trưa, thư giãn. Lúc này, Hoàng đế có thể ngồi sáng tác thơ ca hoặc thưởng ngoạn trong vườn ngự uyển.
Từ 3 - 7 giờ tối tiếp tục là thời gian cho các tấu chương. Hoàng đế sẽ phê duyệt các bản tấu bằng dấu mực đỏ rồi đưa cho các thái giám để chuyển lại cho quan lại địa phương.
8 giờ tối là bữa ăn nhẹ. Lúc này, công việc của Hoàng đế đã được hoàn tất và ngài sẽ nghỉ ngơi trong phòng nghỉ của mình và kết thúc một ngày làm việc.
Kinh bang tế thế
Bất kì vị Hoàng đế nào cũng phải tuân theo các nghi thức truyền thống của tổ tiên, đó là cân bằng hài hòa giữa việc bình trị thiên hạ và nghĩa vụ của "thiên tử".
Hầu hết các thể chế hành chính nhà Thanh được kế thừa lại từ thời nhà Minh. Các Hoàng đế nhà Thanh là những người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong việc cai trị triều đình, đất nước. Các bộ, nha... chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ chứ không được phép tự đưa ra quyết định.
Chế độ ăn uống của Hoàng đế
Một quan niệm sai lầm phổ biến là Hoàng đế thường xuyên ăn tiệc xa hoa với các món sơn hào hải vị. Tuy nhiên, thực tế rằng chế độ ăn uống của Hoàng đế luôn được cân bằng, và đáng ngạc nhiên là lại cực kì đơn giản.
Cả hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh đều ăn theo cùng một nguyên tắc: chế độ ăn uống tăng cường sức khỏe.
Quy mô cơ sơ hạ tầng cần thiết để cung cấp thực phẩm là vô cùng lớn. Nhà bếp hoàng cung bao gồm: bếp chính, khu pha trà và khu làm bánh. Mỗi khu sẽ có một bếp trưởng, 5 đầu bếp phụ, một giám sát viên, một quan trông coi sổ sách để mua bán và theo dõi nguồn cung cấp.
Thực đơn sẽ luôn đính kèm với tên của đầu bếp để Hoàng đế có thể dễ dàng lựa chọn món ăn trong ngày, đồng thời có thể xác định được trách nhiệm thuộc về ai nếu có bất kì điều gì khả nghi xảy ra. Công thức nấu ăn của hoàng cung về cơ bản là những món ăn trong dân gian nhưng được chế biến một cách cầu kì và tinh xảo hơn.
Hoàng đế nhà Thanh thường chỉ dùng bữa một mình, chỉ trừ trong những ngày lễ lớn và những dịp quan trọng, Hoàng đế mới dùng bữa cùng các thành viên trong hoàng tộc hoặc cận thần.
Mặc dù trong lịch sử vẫn ghi chép lại rằng Hoàng đế Càn Long đôi khi có mời một số ái phi cùng dùng bữa tối nhưng theo như luật lệ, tất cả mọi người, ngoại trừ Thái hậu đều phải đứng trước mặt Hoàng đế khi Ngài dùng bữa. Hoàng hậu và các phi tần sẽ dùng bữa một mình trong cung điện của họ.
Chế độ ăn uống của Hoàng đế chủ yếu bao gồm thịt lợn, cừu, các loại gia cầm và rau. Tất cả các món ăn đều được đậy lại cho đến khi Hoàng đế dùng bữa, thái giám sẽ là người mở những lồng che này trước khi Ngài chạm đũa.
Thực đơn mỗi bữa ăn sẽ được soạn thảo trước và thái giám sẽ là người xem xét và phê duyệt cuối cùng.
Hoàng đế nhà Thành dùng hai bữa chính mỗi ngày. Thức ăn sẽ được đặt trong bát bằng vàng hoặc sứ thượng hạng được sản xuất tại Cảnh Đức, Giang Tây. Trong triều đại nhà Thanh, các Hoàng đế không có địa điểm, thời gian cố định để dùng bữa. Hoàng đế sẽ thông báo cho các cận vệ của mình khi muốn dùng bữa và sẽ ngồi ăn ở bất cứ nơi nào tại thời điểm đó.
Tổng cộng, nhà bếp Hoàng cung có hơn 200 quan chức, đầu bếp, hoạn quan được tuyển dụng để thực hiện bữa ăn cho Hoàng đế. Bữa ăn của Ngài cũng được chuẩn bị tách biệt với bữa ăn của những người khác trong cung điện.
Trang phục của Hoàng đế
Hàng may mặc luôn phản ánh sự phát triển của lịch sử, xã hội một nền văn hóa. Các nhà cai trị Trung Quốc cổ đại áp đặt các quy tắc rất nghiêm ngặt trong từng thời đại, thường được liên kết với truyền thống dân tộc và bản sắc của họ.
Mỗi triều đại lại có những quy định về chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và phong cách ăn mặc giúp phân biệt các tầng lớp trong xã hội. Bất cứ ai không tuân thủ quy định về trang phục đều bị trừng phạt nghiêm khắc.
Trang phục nổi bật nhất của Hoàng đế là long cổn, thường được gọi là áo choàng Rồng - một loại trang phục tốt lành dành riêng cho các dịp quan trọng. Áo choàng Rồng không chỉ đơn giản là một biểu tượng thể hiện cho sức mạnh của Hoàng đế mà nó còn có ý nghĩa mang lại may mắn cho người dân.
Một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc nói rằng triều đại của một Hoàng đế bắt đầu khi ngài mặc áo choàng mới.
Áo choàng Rồng của Hoàng đế nhà Thanh phải mất đến 2 năm rưỡi để các thợ may có thể hoàn thành. Các chi tiết hoa văn, từng đường may mũi chỉ đều phải được sự phê duyệt và giám sát của quan Bộ lễ.
Sau khi mẫu thiết kế được phê chuẩn, nó sẽ được gửi đến nơi sản xuất tơ lụa. Khi vải đã sẵn sàng, nó sẽ được cắt bởi một nghệ nhân trước khi thợ may nhận nó và bắt đầu thêu. Khoảng 500 nghệ nhân sẽ bắt đầu các đường may và 40 người khác sẽ thêu các sợi chỉ vàng.
Rồng là họa tiết chủ đạo trên long cổn. Có những con rồng lớn trên ngực và lưng, 4 con rồng bao quanh cổ áo tượng trưng cho thiên giới, 4 con rồng ở mặt trước và mặt sau thể hiện cho sự liên kết giữa trời và đất.
Một hình ảnh nổi bật khác trên áo của Hoàng đế là hình ảnh con dơi đỏ, trong tiếng Trung con dơi có nghĩa là may mắn, hạnh phúc. Ngoài các biểu tượng tốt lành, long cổn cũng nổi bật với hình ảnh núi và sông.
Tuy có cuộc sống xa hoa, lộng lẫy, nhưng Hoàng đế lại không phải là người có thể muốn làm gì cũng được. Ngài có thể có được cả giang sơn, nhưng gánh nặng trên vai lại nhiều hơn bất cứ ai trên đời. Ngài có thể có được thiên hạ, nhưng đôi khi lại mất đi tự do cho chính mình.
(Theo SCMP)