Những cánh cửa chỉ mở ra 1 lần trong đời. Đó là câu nói thường được dùng để miêu tả hệ thống tuyển dụng mang nhiều tính bảo thủ của Nhật Bản, mà trong đó các sinh viên mới tốt nghiệp sẽ có được những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất khi sắp sửa ra trường. Những ai thành công sẽ có được công việc ổn định và cứ thế thăng tiến, đều đặn được tăng lương thưởng. Ngược lại, những người thất bại sẽ mãi mãi mắc kẹt trong những công việc được trả lương rất thấp, không có chút cơ hội thăng tiến nào và đối mặt với cuộc sống bấp bênh.
Năm 2000, đã 1 thập kỷ trôi qua kể từ khi bong bóng trong nền kinh tế vỡ tung, nhưng các chủ sử dụng lao động rất hạn chế tuyển mới để bảo vệ những nhân viên lớn tuổi nhưng trung thành. Báo chí so sánh thị trường lao động Nhật Bản giống như đã bước vào "kỷ băng hà", và trong đó "thế hệ mất mát". Đối mặt với triển vọng nghề nghiệp bị bó hẹp, nhiều người rơi vào cảnh độc thân và không có con. Thống kê năm 2015 cho thấy ở Nhật có tới 3,4 triệu người trong độ tuổi 40 – 50 vẫn độc thân và sống với bố mẹ.
Tháng 5/2019, Nhật Bản rúng động bởi 1 vụ tấn công bằng dao mà thủ phạm là 1 người đàn ông ngoài 50 tuổi đã thất nghiệp nhiều năm và đang sống với họ hàng. 1 tháng sau đó, chính phủ Nhật công bố kế hoạch giúp đỡ những người ngoài 20 tuổi bị thị trường lao động bỏ rơi. Mục tiêu là hỗ trợ được 300.000 người trong 3 năm tiếp theo.
Một thống kê khác ước tính Nhật Bản hiện có 613.000 hikikomori ở tuổi trung niên (cụm từ chỉ những người tự tách biệt khỏi xã hội, nhốt mình trong phòng ngủ). Khoảng 1/3 trong số những hikikomori ngoài 40 tuổi cho biết họ rơi vào hoàn cảnh này vì không thể tìm được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.
Vấn đề 8050
Trong vụ tấn công bằng dao năm 2019, người đàn ông đã nhắm vào 1 nhóm người đang chờ xe bus ở Kawasaki, khiến 2 người thiệt mạng và 18 người khác bị thương (mà trong đó có nhiều học) trước khi tự sát. Báo chí cho rằng đó là "vấn đề 8050", cụm từ ám chỉ những người Nhật ở tuổi trung niên nhưng vẫn sống chung với bố mẹ.
Michinao Kono chính là người như vậy. Năm nay 45 tuổi và thất nghiệp, anh chưa bao giờ ra khỏi nhà bố mẹ ở Nara. Kono bị ám ảnh bởi suy nghĩ trong xã hội Nhật rằng những người như anh giống như những quả bom nổ chậm. "Tôi không thể phạm tội như vậy, nhưng tôi cần phải chấm dứt cuộc sống khép kín vì tình hình kinh tế của bản thân hiện nay sẽ dẫn đến kết cục thảm hại", anh nói.
Kono tưởng chừng như sẽ có 1 tương lai đầy hứa hẹn. Bố anh là nhân viên của một trong những tập đoàn lớn nhất nước, được coi là xương sống của kinh tế Nhật thời hậu chiến. Ông đã kiếm đủ tiền để mua được xe ô tô và 1 căn nhà có mảnh sân rộng rãi phía trước. Gia đình ông thuộc nhóm trung lưu.
Bản thân Kono tốt nghiệp ĐH Kyoto, ngôi trường lâu đời thứ hai ở Nhật Bản. Tuy nhiên do thiếu kỹ năng xã hội, Kono trở nên đơn độc. Anh cho rằng đó là hậu quả của việc bị bắt nạt ở trung học. Trong suốt năm 3 và năm 4 đại học, hòm thư điện tử của anh bắt đầu tràn ngập thư tuyển dụng,. Thế nhưng anh đã không thể tham gia vào shushoku katsudo – hoạt động tuyển dụng mà tại đó các sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ mặc những bộ vest trịnh trọng để tham dự các ngày hội tuyển dụng được tổ chức ngay tại trường.
Kono thường xuyên bỏ học, đến nỗi sau 8 năm anh vẫn chưa tích lũy đủ tín chỉ để tốt nghiệp. Và nhìn vào thị trường việc làm đầy rẫy khó khăn, Kono nản chí nghĩ rằng kể cả mình cố gắng đi chăng nữa thì đó cũng là cố gắng trong vô vọng.
Cuối cùng anh tự nhốt mình trong phòng từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Khi cảm thấy quá chán, anh đi nghe hòa nhạc hoặc tự đặt vé máy bay giá rẻ đi du lịch ở Đông và Đông Nam Á. "Tôi biết rằng mình chẳng đi đến đâu và tốt nhất là nên rút lui", Kono nhớ lại. Anh được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hàng ngày, còn những món đồ đắt đỏ hơn thì mua bằng thẻ tín dụng và đã nợ khoảng 3 triệu yên trước khi vỡ nợ. Giờ thì Kono và bố mẹ đang sống dựa vào tiền lương hưu của người bố. "Tôi đã tự đào hố chôn mình, trốn tránh hiện thực".
Phụ nữ và những công việc không có tương lai
Trên giấy tờ, Yu Takekawa chính là hiện thân của 1 phụ nữ Nhật Bản tự do mà các chính sách của chính phủ đang hướng tới. Cô có bằng thạc sĩ, có công việc toàn thời gian tại 4 công ty và đã xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết.
Nhưng trên thực tế, Takekawa (38 tuổi) đã thất nghiệp từ tháng 3 và đang sống lay lắt dựa vào tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền tiết kiệm. Cô thường xuyên bỏ bữa tối để tiết kiệm tiền và không còn nhớ nổi lần cuối cùng mình đi nghỉ là khi nào. Điều an ủi duy nhất là đại dịch cho cô thời gian để hoàn thành cuốn sách thứ ba vốn sẽ chỉ mang lại chút thu nhập ít ỏi.
Giống như nhiều người cùng trang lứa, Takekawa cảm thấy rất khó khăn để ổn định sự nghiệp. Cô theo học ĐH Rikkyo, 1 ngôi trường nghệ thuật có tiếng ở Tokyo và đã bắt đầu tìm việc từ năm cuối. Mặc dù học ngành văn học Đức, cô quyết định tìm việc tại 1 công ty phân phối, cho rằng ngành đó sẽ dễ sống hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Nhật Bản ban hành luật để đảm bảo phụ nữ cũng có cơ hội việc làm bình đẳng từ gần 2 thập kỷ trước, nhưng những quan điểm và lề thói cũ thì vẫn còn đó. Takekawa nhớ lại trong những buổi phỏng vấn nhóm thì các ứng viên bao giờ cũng được ưu ái hơn. Sau khi tốt nghiệp cô tiếp tục học lên với hi vọng thị trường việc làm sẽ sáng sủa hơn sau 1,2 năm nữa.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Takekawa có được công việc toàn thời gian tại 1 công ty xây dựng lớn ở Tokyo. Cha cô đã làm nhân viên kinh doanh ở đây trọn đời, và cô con gái 24 tuổi cho rằng mình cũng có thể làm như thế nếu muốn vậy.
Tuy nhiên vị trí biên tập catalog của cô không có tương lai. Gần như tất cả các nhân viên từng làm ở vị trí này đều là nữ độc thân và vẫn sống với bố mẹ. Thu nhập của họ thấp hơn 30% so với những đồng nghiệp nam làm công việc tương tự. Thông lệ là họ sẽ nghỉ việc sau khi kết hôn. Cảm thấy tương lai quá bấp bênh, Takekawa ra đi sau 2,5 năm.
Công việc tiếp theo – phóng viên tại 1 tờ báo về thương nghiệp – cao hơn và cô cũng không phải rót nước pha trà cho các đồng nghiệp nam như trước. Nhưng thỉnh thoảng Takekawa phải làm việc quá sức, khiến cô phải uống thuốc chống suy nhược. Cuối cùng cô phải nghỉ việc và quay trở về sống gần bố mẹ.
Khi đó các công ty Nhật Bản bắt đầu làn sóng hợp đồng tạm thời để cắt giảm chi phí nhưng vẫn bảo vệ được các nhân viên cao tuổi hơn. Điều đó đồng nghĩa các nhân viên trẻ tuổi bị giảm lương và các phúc lợi. Ngày nay nhóm nhân viên không thường xuyên chiếm tới 40% lực lượng lao động Nhật Bản, và có tới 68% là nữ mà Takekawa là một trong số đó. Công việc gần nhất của cô là tại 1 tờ báo trong ngành xây dựng ở Yokohama. Cô đã làm việc ở đây được gần 5 năm nhưng chỉ được ký hợp đồng lao động 6 tháng một. Thu nhập vào khoảng 150.000 yên mỗi tháng.
Sự hối tiếc của người cha
Thuộc thế hệ baby boomer, Tadakatsu Kinjo có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Là con út trong gia đình 5 con, ông rời Okinawa năm 18 tuổi và tới Tokyo với mong muốn trở thành 1 người viết kịch bản phim. Đó là năm 1963 và thủ đô Nhật Bản đang hào hứng chuẩn bị cho thế vận hội mùa hè. Sau đó ước mơ đã không trở thành sự thật nhưng chàng trai bỏ dở cấp 3 vẫn có được tấm bằng kỹ sư điện và có được công việc bảo dưỡng tòa nhà. Cho đến nay ông vẫn làm công việc đảm bảo hệ thống điện và điều hòa của tòa nhà chung cư vận hành trơn tru.
"Công việc đem lại niềm vui cho tôi", ông nói. Kinjo thường xuyên làm thêm giờ - điều bình thường đối với những người thuộc thế hệ ông. Tuy nhiên ông phiền lòng vì đứa con trai luôn dành hàng giờ đồng hồ để chơi game và chẳng bao giờ ra ngoài gặp bạn bè.
Khi con trai tốt nghiệp cấp 3 mà không có chút định hướng nghề nghiệp nào, ông giúp cậu bé tìm đủ công việc từ bảo vệ, tạp vụ đến cả công việc bảo dưỡng tòa nhà như ông đang làm. Nhưng chàng trai trẻ thường xuyên đi muộn, ăn trưa một mình, không nói chuyện với ai và thậm chí không tham gia các bữa tiệc vốn là phần tất yếu trong văn hóa công sở Nhật Bản. Cậu bé thường bỏ việc trong chưa đến 1 năm. Và trong quãng thời gian không có việc làm, cậu sẽ nhốt mình trong phòng.
Khi ông Kinjo còn trẻ, nền kinh tế Nhật Bản đang bùng nổ và rất dễ để kiếm việc làm trong nhà máy – nơi các kỹ năng tương tác cá nhân không quan trọng bằng bây giờ. Khi con trai ông bước vào thị trường lao động, các công việc này đã dịch chuyển ra nước ngoài và nhiều công việc trong ngành dịch vụ không còn trả lương hậu hĩnh như trước.
Kinjo từng tin tưởng rằng con trai mình chắc chắn sẽ có được cuộc sống tốt hơn bản thân ông. Tuy nhiên, giờ đã 75 tuổi, ông đã hết hi vọng.
Mùa hè năm 2019, Michinao Kono nộp đơn xin việc theo chương trình hỗ trợ của thành phố Takarazuka. Tuy nhiên anh không biết rằng mình đang phải cạnh tranh với 1.815 ứng viên khác đến từ khắp Nhật Bản. Anh trúng tuyển nhưng đã quyết định từ chối vì không muốn phải thuê 1 căn hộ do chỗ làm cách nhà tới 90 phút đi xe. Đến tháng 11, Kono nhận được công việc rửa bát tại 1 nhà hàng bán mì ramen, mơ mộng rằng sẽ học hỏi kinh nghiệm và tự mở cửa hàng riêng. Công việc cực nhọc chỉ mang lại thu nhập gần 150.000 yên mỗi tháng, cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu. Đầu tháng 1 vừa qua Kono đã bỏ việc.
Anh tiếp tục nộp đơn xin việc theo chương trình trợ giúp thế hệ mất mát của chính phủ. Đã bị từ chối 3 lần nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tiếp theo. Trong hoàn cảnh các công ty tư nhân cắt giảm việc làm vì Covid-19, những chương trình như thế này là lựa chọn duy nhất của anh. "Đây là cơ hội cuối cùng để tôi tái hòa nhập cộng đồng", anh nói.