Theo hãng AP, các nhà khoa học cảnh báo rằng hoạt động khai thác khoáng sản từ các hệ sinh thái quan trọng có thể gây thiệt hại lớn không thể khắc phục được.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Chủ đề đang gây chú ý trong tuần này khi hàng chục nhà khoa học, luật sư và các quan chức chính phủ tập trung tại Jamaica để thảo luận về hoạt động khai thác dưới đáy biển sâu trong khuôn khổ hội nghị kéo dài hai tuần do Cơ quan quản lý Đáy biển quốc tế tổ chức. Đây là một cơ quan giám sát toàn cầu tại những vùng nước sâu dưới đáy đại dương không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia này.
Các chuyên gia cũng nói rằng hoạt động khai thác dưới đại dương có thể gây ra cơn sốt thu nhập khoáng sản, tạo ra tiếng ồn và ánh sáng lớn cũng như cơn bão bụi trong đại dương của Trái đất.
"Đây là một trong những phần nguyên sơ nhất của hành tinh chúng ta", bà Diva Amon, nhà sinh vật biển, nhà thám hiểm của National Geographic và là Cố vấn khoa học cho Sáng kiến Đại dương Benioff tại Đại học California, Santa Barara cho biết.
Giấy phép thăm dò đầu tiên được cấp vào những năm 2000 với hầu hết các hoạt động thăm dò hiện nay tập trung ở Vùng đứt gãy Clarion-Clipperton tại Thái Bình Dương. Ít nhất 17 trong số 31 giấy phép đã được cung cấp cho hoạt động thăm dò ở độ sâu từ 400 đến 6000m trong khu vực này. Việc thúc đẩy hoạt động khai thác biển sâu đã phát triển đến mức các cuộc họp tổ chức lên tới 3 lần một năm nhằm tìm ra các biện pháp ngăn ngừa tình trạng khai thác quá mức. Các công ty khai thác từng lập luận rằng việc khai thác khoáng sản từ đáy biển rẻ hơn so với trên đất liền, ít tác động hơn và tránh được một loạt các vấn đề môi trường và xã hội.
"Chúng tôi sẽ không phá hủy các địa điểm văn hóa, phá rừng nhiệt đớt", công ty UK Seabed Resources cho biết trong một tuyên bố đồng thời nhấn mạnh đến nỗ lực bảo vệ môi trường khi đề cập đến một số tác động từ việc khai thác trên đất liền.
"Cơ quan Năng lượng quốc tế đã ước tính nhu cầu về khoảng sản sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2050 do các phương tiện chạy điện và năng lượng tái tạo phụ thuộc vào chúng", báo cáo của Fitch Ratings công bố trong tháng 10.
"Cường độ phát thải trong quá trình khai thác và chế biến coban, nhôm và niken cao, vì vậy nhu cầu tăng vọt có thể dẫn đến carbon ròng tăng lên", tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nêu rõ.
Nauru, hòn đảo nhỏ phía đông bắc Australia đứng đầu chương trình tăng cường cho phép khai thác khoáng sản vào thời điểm hiện tại cho rằng nguy cơ biến đổi khí hậu cao và tìm cách thu lợi về mặt tài chính trong việc khai thác kim loại một phần là do xu hướng đáp ứng nhu cầu công nghệ xanh để sản xuất pin ô tô điện.
Các quốc gia lên tiếng
Những hoạt động tăng cường khai thác khoáng sản đã khiến cho các quốc gia từ Đức đến Costa Rica lo lắng. Chính phủ các nước này đang tìm cách xây dựng các quy định để ngăn ngừa tình trạng trên.
"Chúng tôi rất lo ngại về hậu quả", ông Elza Moreira Marcelino de Castro, Đại diện của Brazil cho biết trong hội nghị bắt đầu từ ngày 1/11.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng ủng hộ lệnh cấm khai thác ở biển sâu trong khi Đức, quốc gia có hai hợp đồng thăm dò tuyên bố sẽ không tài trợ đối với việc khai thác như vậy cho đến khi có thông báo mới.
Trong khi đó, một số công ty lớn đã cam kết không sử dụng kim loại khai thác từ biển sâu và các quốc gia bao gồm New Zealand, Fiji và Samoa đã lên tiếng tạm hoãn cho đến khi nắm bắt rõ hơn về tác động của hoạt động này. Các chuyên gia và nhà khoa học cũng ủng hộ động thái này. Khoảng 1% vùng nước biển sâu trên thế giới đã được khám phá, một nỗ lực mà các chuyên gia cho rằng tốn kém, kỹ thuật cao và cần nhiều thời gian.
"Đại dương lữu trữ nhiều carbon hơn khí quyển, thực vật và đất của trái đất. Các nhà khoa học đang tìm kiếm các loại khoáng sản mới trong chuyến khám phá hiếm hoi. Hoạt động nghiên cứu mẫu cũng phải kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm", chuyên gia Amon nói.
"Chúng ta chưa thể hiểu hết được cuộc sống của những sinh vật ở đại dương, chức năng toàn cầu của hệ sinh thái này và những gì chúng ta có thể mất đi khi tác động vào, bà Amon nói. "Cuộc sống dưới đáy biển sâu vô cùng chậm chạp và các khoáng chất sẽ phải mất hàng triệu năm để phát triển từ 1-10 mm. Điều đó có nghĩa là rất dễ bị xáo trộn và khả năng phục hồi cực kỳ chậm".
Sáng kiến Quản lý Đại dương Sâu - một mạng lưới toàn cầu cho biết một số chuyên gia tin rằng có thể mất từ 6 đến hơn 20 năm để thu thập đủ dữ liệu cần thiết để bảo vệ môi trường biển khỏi hoạt động khai thác ở biển sâu.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Michael Lodge, Tổng thư ký của Cơ quan đáy biển quốc tế nhấn mạnh cơ quan này muốn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển khi các nước thành viên cung cấp thêm các dự thảo quy định.