Phép thử sự ủng hộ của phương Tây
Ukraine dự kiến sẽ tiến hành cuộc phản công được dự đoán từ lâu trong những tuần tới sau nhiều tháng chuẩn bị.
Trong khi chỉ có một vài chỉ huy của Ukraine được biết kế hoạch chiến đấu thì hầu hết các nhà quan sát dự đoán cuộc phản công sẽ nhắm vào phía Nam theo hướng Biển Azov để chia cắt hành lang trên đất liền dọc các khu vực Moscow kiểm soát ở Ukraine, nối lục địa Nga với Bán đảo Crimea.
Binh lính Ukraine ở Bakhmut. Ảnh: Reuters
Nếu cuộc phản công sắp tới có khả năng thành công, có thể Ukraine sẽ sớm tiến tới giành lại Crimea. Động thái này có thể đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc xung đột, đồng thời là phép thử với quyết tâm của các nước ủng hộ Kiev.
Trong khi các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn kiên quyết cho rằng cuộc xung đột sẽ tiếp tục cho tới khi giành lại tất cả vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền thì Moscow tuyên bố sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào vào Crimea là lằn ranh đỏ và là mối đe dọa với nước Nga.
Trong khi đó, nhiều tiếng nói có tầm ảnh hưởng ở các nước phương Tây đặt câu hỏi về việc tấn công vào Crimea giữa lo ngại Tổng thống Putin có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giành lại Crimea của Ukraine đều sẽ tiết lộ mức độ ủng hộ thực sự của phương Tây cho nước này.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, câu hỏi về Crimea đã trở thành phép thử cho các đối tác phương Tây của Ukraine: Đó là liệu họ có muốn Ukraine giành chiến thắng hay chỉ đơn giản là ngăn chiến thắng của Nga?
Trong khi cuộc xung đột ở Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ 15 thì cả Nga và Ukraine dường như đều chưa nắm giữ lợi thế quyết định.
Mặc dù tiền tuyến ở phía Nam và phía Đông Ukraine hầu như không có sự dịch chuyển kể từ khi Ukraine phản công ở Kherson và tuyên bố giành lại nhiều vùng lãnh thổ vào tháng 11/2022, nhưng việc miêu tả tình hình xung đột trong nửa năm qua bế tắc không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, đã có nhiều diễn biến xảy ra.
Nga đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, đồng thời nỗ lực bao vây đối phương ở Bakhmut.
Trong khi đó, Ukraine quyết tâm tử thủ tại thành phố này, bất chấp phương Tây đặt câu hỏi về giá trị của nơi này. Kiev cũng đã nhận được các phương tiện chiến đấu hạng nặng sau sự dịch chuyển mang tính bước ngoặt của Mỹ và đồng minh khi quyết định hỗ trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.
Dù Ukraine nhận được các vũ khí tiên tiến cũng như được phương Tây huấn luyện nhưng giới chuyên gia cho rằng khó có thể dự đoán kết cục trong cuộc phản công sắp tới của Kiev . Không giống như cuộc phản công ở Kherson, hiện nay Ukraine không thể dựa vào yếu tố bất ngờ.
Trái lại, Nga có hàng trăm nghìn binh lính được chuẩn bị kỹ càng trong các phòng tuyến, vốn đã được củng cố liên tục trong 6 tháng qua. Moscow cũng có lợi thế rõ ràng về lực lượng và vũ khí.
Nếu quân đội Ukraine có thể xuyên thủng các phòng tuyến của Nga và tiếp cận bờ biển phía Nam, các lực lượng của Nga sẽ bị chia cắt và số lượng lớn binh lính Nga sẽ đối mặt với nguồn tiếp tế hạn chế cũng như bị bao vây dần dần.
Trong kịch bản này, giới quan sát cho rằng Nga có lẽ phải rút về Donbass ở phía Đông và Crimea ở phía Nam. Bằng việc tấn công cầu Kerch nối lục địa Nga với Bán đảo Crimea, Ukraine có thể ngăn chặn hiệu quả việc rút quân của Nga về bán đảo này.
Giới quan sát thậm chí nhận định việc Ukraine giành được khu vực phía Nam có thể buộc các nhà lãnh đạo quân sự Nga phải đau đầu trước câu hỏi rút toàn bộ lực lượng đang bị bao vây khỏi Crimea.
Nếu chọn ở lại, các lực lượng này có thể dễ bị tổn thương trước chiến dịch tấn công tên lửa và UAV của Ukraine nhằm làm gián đoạn khả năng hậu cần của quân đội Nga.
Việc quân đội Ukraine có cần tiến hành một cuộc tấn công lớn để giành lại hoàn toàn Crimea hay không là một chủ đề được tranh luận sôi nổi. Một số quan điểm cho rằng Kiev chỉ cần đơn giản cô lập bán đảo này và làm tiêu hao dần các lực lượng của Nga cho tới khi họ không thể bám trụ ở các vị trí của mình.
Việc thực hiện kế hoạch này sẽ chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tấn công của Ukraine.
Nhà quan sát Dennis Soltys nhận định trên Hội đồng Đại Tây Dương rằng những nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ vũ khí và huấn luyện cho Ukraine trong 6 tháng qua đang đưa nước này tiến gần vị trí có thể chia cắt các lực lượng của Nga và đe dọa vượt qua lằn ranh đỏ mà điện Kremlin vạch ra.
Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về việc liệu các nước hỗ trợ Ukraine có hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Kiev nhằm giành lại Crimea hay không. Nếu cơ hội giành lại bán đảo này tăng lên trong những tháng tới, giới lãnh đạo phương Tây sẽ phải lựa chọn họ muốn Ukraine giành chiến thắng quyết định hay chỉ đơn giản là không thua.
Phương Tây có sẵn sàng vượt qua “lằn ranh đỏ” của Nga?
Gần đây, bà Tamila Tasheva, người chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến Crimea xác nhận nhiều chính trị gia cấp cao của phương Tây đã cảnh báo Ukraine không nên giành lại Crimea bằng vũ lực.
Theo bà, sự e dè của phương Tây xuất phát từ mối lo ngại rằng nếu bị mất khu vực này, Nga sẽ phản ứng bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
"Một số chính trị gia phương Tây - không phải các nước phương Tây, đang cảnh báo Ukraine. Họ nói rằng việc giành lại Crimea có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân", bà Tasheva nói. Theo quan chức Ukraine, một số người đã đặt câu hỏi về việc liệu Crimea có thực sự là một phần của Ukraine hay không.
"Theo quan điểm của họ, chúng tôi nên từ bỏ hoàn toàn việc giành lại bán đảo này".
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Zagorodnyuk cũng thừa nhận, hầu hết các chính trị gia, nhà phân tích Mỹ và EU không tin Ukraine có khả năng hoàn thành cam kết giành lại lãnh thổ Crimea từ Nga.
"Đa số các chính trị gia, nhà phân tích và nhà báo phương Tây đều cho rằng việc giải phóng Crimea là một mục tiêu không thực tế. Đó là sự thật", ông Andrey Zagorodnyuk cho hay.
Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, người làm việc trong chính quyền Tổng thống Zelensky từ tháng 8/2019 - 3/2020, những nghi ngờ của phương Tây không có nghĩa là Kiev nên từ bỏ ý tưởng tấn công bán đảo này.
Ông cho rằng Kiev cần thuyết phục phương Tây để nhận được các vũ khí mà nước này cần và các hình thức hỗ trợ khác.
Nhiều cuộc tấn công UAV đã được tiến hành ở Crimea trong những tuần gần đây. Các nhà chức trách Nga cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc trên song Kiev không trực tiếp nhận trách nhiệm.
Tổng thống Zelensky đã nhiều lần bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ "giành lại" Crimea cũng như các vùng lãnh thổ Nga mới sáp nhập gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, cùng với Zaporozhye và Kherson.
Vào giữa tháng 2/2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá, nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại Crimea sẽ là một "lằn ranh đỏ" cho Tổng thống Vladimir Putin và có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ hơn từ Nga.
Ngoại trưởng Blinken cũng bày tỏ quan điểm rằng Mỹ không chủ động khuyến khích Ukraine giành lại Crimea nhưng quyết định là thuộc về Kiev.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo Ukraine sẽ "bốc cháy" nếu tấn công Crimea. Nga có thể "đáp trả theo bất kỳ cách thức nào" nếu Ukraine tấn công các mục tiêu ở Crimea hoặc sâu trong lãnh thổ Nga, ông Medvedev cho hay.
Ông cũng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không đặt ra bất kỳ giới hạn nào và sẵn sàng sử dụng mọi loại vũ khí tùy thuộc vào bản chất các mối đe dọa”.
Quyết định mà phương Tây đưa ra có thể định hình kết cục cuộc xung đột ở Ukraine và gây ra những chia rẽ về trật tự thế giới hậu xung đột. Liệu phương Tây có sẵn sàng thách thức lằn ranh đỏ của Nga?
Theo ông Dennis Soltys, phương Tây phải nhanh chóng suy nghĩ bởi quân đội Ukraine sắp tiến hành phản công và cần lời giải đáp cho câu hỏi khó trên.