Với các hiệp ước Hácmăng và Patơnốt, thực dân Pháp đã hoàn thành về cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam. Chúng bắt đầu xúc tiến việc thiết lập chế độ bảo hộ và bộ máy chính quyền thực dân trên phần lãnh thổ Bắc Kì và Trung Kì.
Nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự của một số quan lại, văn thân, sĩ phu yêu nước và nhân dân các địa phương, cả trong Nam, ngoài Bắc. Phong trào phản đối hai hiệp ước 1883 và 1884 diễn ra rất sôi nổi. Nhiều toán nghĩa quân hoạt động mạnh ở các vùng xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương…., khiến cho quân Pháp ăn không ngon, ngủ không yên.
Dựa vào phong trào kháng chiến của nhân dân, phái chủ chiến trong triều đình Huế, đại diện là Tôn Thất Thuyết (Thượng thư Bộ Binh), mạnh tay hành động.
Vua Hàm Nghi (bên trái) và quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết
Họ phế bỏ những ông vua có biểu hiện thân Pháp, đưa Ưng Lịch còn nhỏ tuổi lên ngôi (hiệu là Hàm Nghi), trừ khử những người không cùng chứng kiến, bổ sung thêm lực lượng quân sự, bí mật liên kết với sĩ phu, văn thân các nơi, xây dựng hệ thống sơn phòng và tuyến đường thượng đạo, ra sức tích trữ lương thảo và vũ khí để chuẩn bị chiến đấu.
Trước tình hình đó, thực dân Pháp phải tăng thêm lực lượng quân sự, thiết lập bộ máy kìm kẹp và tìm mọi cách để loại phái chủ chiến ra khỏi triều đình. Biết được âm mưu của Pháp, đêm mồng 4 rạng sáng 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết và lực lượng chủ chiến đã ra tay trước.
Trong khi viên Toàn quyền về chính trị và quân sự Pháp tại Việt Nam là Đờ Cuốc-xi đang tổ chức yến tiệc tại tòa Khâm sứ Pháp ở Huế, Tôn Thất Thuyết đã hạ lệnh cho các đạo quân của mình tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, song do chuẩn bị vội vã, thiếu chu đáo nên sức chiến đấu của quân ta nhanh chóng giảm sút. Rạng sáng 5-7, quân Pháp phản công.
Chúng cướp bóc và tàn sát nhân dân ta vô cùng man rợ
Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi ra khỏi Hoàng thành, rồi chạy ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Ngày 13-7-1885, Tôn Thất Thuyết lấy danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên vì vua mà kháng chiến.
Chiếu Cần Vương đã nhanh chóng thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong nhân dân tạo thành một phong trào vũ trang chống Pháp sôi nổi, liên tục kéo dài hơn 10 năm mới chấm dứt.
Các giai đoạn phát triển của phong trào Cần Vương
Phong trào Cần Vương phát triển qua 2 giai đoạn:
Từ năm 1885 đến năm 1888
Thời gian này, phong trào được đặt dưới sự chỉ huy của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, với hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổ ra trên phạm vi rộng lớn, nhất là Bắc Kì và Trung Kì.
Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, cùng nổi dậy có Bùi Điển, Nguyễn Đức Nhuận, Đào Doãn Địch, Nguyễn Duy Cung…,;Trần Văn Dự, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thanh Phiến nổi lên ở Quảng Nam; Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân nổi dậy ở Quảng Ngãi; Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như ở Quảng Trị; Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình; Lê Ninh, Phan Đình Phùng, Cao Thắng ở Hà Tĩnh; Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ ở Nghệ An. Tại Thanh Hóa có các đội nghĩa quân của Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Cao Điển…
Vùng đồng bằng Bắc Kì có khởi nghĩa của Tạ Hiện (Thái Bình), Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên). Tại vùng Lạng Sơn, Bắc Giang có khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh); vùng Tây Bắc có các phong trào của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều, Đốc Ngữ, Đèo Văn Thanh, Cầm Văn Toa…
Lúc này, đi theo Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết có nhiều văn thân, sĩ phu và tướng lĩnh khác như: Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp (2 con của Tôn Thất Thuyết), Phạm Tường, Trần Văn Định….Bộ chỉ huy của phong trào đóng tại vùng rừng núi phía tây hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Cuối năm 1888, do có sự chỉ điểm của Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi rơi vào tay giặc. Nhà vua đã cự tuyệt mọi sự dụ dỗ của Pháp, chịu án lưu đày sang An-giê-ri (Bắc Phi).
Minh họa vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt giữ
Từ năm 1888 đến năm 1896
Ở giai đoạn này, không còn sự chỉ đạo của triều đình, nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển, quy tụ dần thành các trung tâm lớn và ngày càng lan rộng.
Trước những cuộc hành quân càn quét dụ dỗi của thực dân Pháp, phong trào ở vùng đồng bằng ngày càng bị thu hẹp và chuyển lên hoạt động ở vùng trung du và miền núi.
Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân và Cao Điển chỉ huy ở vùng rừng núi phía tây tỉnh Thanh Hóa, khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo ở vùng rừng núi phía tây tỉnh Hà Tĩnh.
Khi tiếng súng kháng chiến đã lặng im trên núi Vụ Quang (Hương Khê-Hà Tĩnh) vào cuối năm 1895-đầu năm 1896, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp11 , tr 124-125-126-127-128.