Cuộc phá vây thần tốc của QĐ Syria: "Cái giá phải trả" của SDF cho tham vọng ở Hasaka?

DK |

Chính phủ Syria không cần nhìn đâu xa, ví dụ của nhà lãnh đạo Saddam Hussein ở Iraq cho thấy một tổ chức người Kurd tồn tại sẽ ảnh hưởng ra sao tới sự tồn vong của chính mình.

Hai thành trì của Syria bờ đông sông Euphrate

Sự khởi đầu của chiến tranh tại Syria được đánh dấu bằng việc thành lập Quân đội Syria Tự do (FSA) vào ngày 29/7/2011. Sau hơn 8 năm nội chiến, lần lượt các vòng vây xung quanh các "đốm da báo" trên khắp lãnh thổ Syria đã được gỡ bỏ - đa phần bằng các hoạt động đàm phán.

Từ ngày 17 đến 19/7/2018, quân và dân hai làng Fuah và Kefrayah với tổng số gần 7.000 người đã được di tản bằng 121 xe bus tới vùng chính phủ kiểm soát, đây được coi là thành trì cuối cùng của quân chính phủ nằm trong vùng phiến quân ở tỉnh Idlib được giải tỏa.

Nhưng Fuah và Kefrayah không phải là "đốm da báo" cuối cùng. Tính đến ngày 13/10, trên toàn bộ lãnh thổ Syria hiện còn tồn tại hai điểm dân cư bị vây hãm đó là Qamishli và al-Hasakah.

Cuộc phá vây thần tốc của QĐ Syria: Cái giá phải trả của SDF cho tham vọng ở Hasaka? - Ảnh 2.

Bản đồ khu vực al-Hasakah và Qamishly do chính phủ Syria kiểm soát sâu trong vùng do Lực lượng dân chủ Syria (SDF) quản lý cho tới ngày 13/10. Có thể thấy rõ khu vực căn cứ pháo binh số 546 ở al-Hasakah và Qamishli do SAA kiểm soát.

Suốt thời kỳ giao tranh đẫm máu nhất của cuộc nội chiến, Damascus đã cố gắng duy trì ảnh hưởng dựa vào các thế lực địa phương ở khu vực được coi là "ngã tư đường" nơi các lợi ích của các lực lượng bán vũ trang, dân quân bộ lạc chồng chéo lên nhau.

Sau khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đẩy lui vào ngày 1/8/2016, thành phố al-Hasakah được phân chia theo tỉ lệ kiểm soát ở mức 75% cho YPG (Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd) và 25% cho NDF (lực lượng vũ trang địa phương trung thành với CP Syria).

Vào ngày 16/8/2016, một cuộc đụng độ đã nổ ra giữa giữa lực lượng Asayish (cảnh sát bán vũ trang người Kurd) và NDF. Cuộc đụng độ sau đó đã trở thành xung đột vũ trang với sự tham gia của YPG và Không quân Syria.

Cuộc phá vây thần tốc của QĐ Syria: Cái giá phải trả của SDF cho tham vọng ở Hasaka? - Ảnh 3.

Bản đồ miêu tả giao tranh tại al-Hasakah vào năm 2016 giữa quân chính phủ và lực lượng người Kurd.

Với quân số chênh lệch và không quân Syria bị máy bay Mỹ quấy rối nhằm hạn chế việc yểm trợ mặt đất, cho tới ngày 22/8/2016, lực lượng người Kurd đã kiểm soát 90% al-Hasakah từ tay NDF.

Ngày 23/8/2018, một lệnh ngừng bắn với sự trung gian của Nga đã được tiến hành, kể từ đó tới nay chính phủ Syria chỉ còn kiểm soát khu phố cổ của al-Hasakah bằng lực lượng an ninh, các lực lượng vũ trang Syria phải rút về căn cứ pháo binh 546 ở phía đông bắc.

Các giao tranh giữa người Kurd và chính phủ Syria thể hiện một thực tế rằng nếu có sự hậu thuẫn đủ mạnh, người Kurd sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để kiểm soát hoàn toàn các "ốc đảo" nơi lực lượng chính phủ Syria đứng chân.

Cho dù mục đích cuối cùng là gì, một nhà nước Rojava độc lập hay một khu vực tự trị với sự hỗ trợ của Mỹ, người Kurd đã không lường trước một tương lai cho thấy họ sẽ bị bỏ rơi và quân chính phủ Syria sẽ tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ mà họ đang nắm giữ.

Cuộc phá vây thần tốc của QĐ Syria: Cái giá phải trả của SDF cho tham vọng ở Hasaka? - Ảnh 5.

Lực lượng Ashayish giao tranh với quân chính phủ Syria tại al-Hasakah năm 2016.

"Cái giá phải trả" cho tham vọng của SDF là sự hủy diệt?

Tất cả những gì chính phủ Syria đã làm trong cuộc nội chiến đang diễn ra đó là cố duy trì quyền lực. Thật phi lý khi nghĩ rằng trong tương lai họ sẽ cho phép tồn tại một mối đe dọa ly khai lớn trong một khu vực.

Lực lượng dân chủ Syria (SDF) là mối đe dọa lớn nhất hiện tại (bên cạnh phiến quân FSA) với hàng chục nghìn chiến binh và tham vọng độc lập của người Kurd.

Mối quan hệ giữa SDF với người Mỹ trước đây cho thấy họ sẵn sàng hỗ trợ cho một lực lượng ngoại bang đối lập với chính phủ Syria miễn là có lợi cho họ trong ngắn hạn và có khả năng giúp đỡ họ trong tương lai độc lập dài hạn.

Cuộc phá vây thần tốc của QĐ Syria: Cái giá phải trả của SDF cho tham vọng ở Hasaka? - Ảnh 6.

Hướng di chuyển của các lực lượng chính phủ Syria tại các vùng do SDF kiểm soát ngày 13 và 14/10.

Chính phủ Syria không cần nhìn đâu xa, ví dụ của nhà lãnh đạo Saddam Hussein ở Iraq cho thấy một tổ chức người Kurd tồn tại sẽ ảnh hưởng ra sao tới sự tồn vong của chính thể.

Thỏa thuận tái kiểm soát miền đông Syria ngày 13/10 được coi như là "cơ hội vàng" cho chính phủ Syria nhằm tái thực thi quyền lực trên vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông sông Euphrate.

SDF cũng như các nhóm vũ trang người Kurd, có thể sẽ không bị tiêu diệt hoàn toàn bởi người Thổ, nhưng chắc chắn sẽ bị lực lượng tình báo Syria phân rã như những gì đã diễn ra với các nhóm phiến quân ở các vùng giải phóng trên khắp lãnh thổ Syria những năm vừa qua.

Người dân địa phương đón chào quân chính phủ Syria tiến vào thị trấn Tal Tamr ở vùng nông thôn al-Hasakah sáng 14/10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại