Thống nhất Trung Hoa từ tay nhà Tần, Lưu Bang chủ trương chỉ chia đất cho người trong gia tộc.
Loạn bảy nước là cuộc nổi loạn của 7 tông thất nhà Hán trong lịch sử Trung Hoa. Cuộc nổi loạn diễn ra vào năm 154 trước Công nguyên, dưới triều đại của Hán Cảnh Đế Lưu Khải – hoàng đế thứ 6 của nhà Hán và 41 năm sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời.
Sau khi đoạt ngôi từ tay nhà Tần, Hán Cao Tổ Lưu Bang phong vương cho các công thần. Nhưng vài năm sau khi nắm vững ngôi hoàng đế, Lưu Bang chủ trương loại bỏ những vương thất khác họ, chỉ phong vương cho các con, các cháu họ Lưu.
Hàn Tín là một trong những công thần khai quốc nhà Hán, ban đầu được phong làm Tề Vương, sau là Sở Vương, cuối cùng nhận lấy cái chết.
Đến thời Hán Văn Đế - hoàng đế thứ 5 của nhà Hán, các trung thần của Lưu Bang vẫn tiếp tục thực hiện triệt để chủ trương trên, tiêu diệt phe cánh của Lã Hậu. Hoàng đế chỉ trực tiếp nắm quyền cai quản 1/3 lãnh thổ Trung Hoa, tập trung quanh kinh đô Trường An, 2/3 còn lại do các vương thất với quân đội riêng nắm quyền.
Hán Văn Đế soạn chiếu trao ngôi vương nước Tề, Triệu, Sở cho người trong họ để đền đáp công lao trong cuộc chiến chống họ Lã. Tuy nhiên. Tế Bắc vương Lưu Hưng Cư và Hoài Nam vương Lưu Trường lần lượt bộc lộ ý định làm phản năm 177 TCN và 174 TCN và bị tiêu diệt.
Để giảm thế lực các chư hầu, Hán Văn Đế nghe theo lời đại thần, chia nhỏ các nước chư hầu, bắt đầu bằng nước Tề, đưa quyền lực tập trung về tay Hoàng đế. Đến nước Ngô ở vùng đông nam giàu mạnh, lại có Ngô vương Lưu Tỵ, cháu Hán Cao Tổ Lưu Bang, Hán văn Đế liền chần chừ.
Ván cờ thổi bùng mâu thuẫn
Theo Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên, một lần nọ, con trai của Ngô vương Lưu Tỵ là Lưu Hiền đến thăm con trai Hán Văn Đế là thái tử Lưu Khải.
Hai hoàng tử cùng nhau vui chơi trong vài ngày, tận hưởng giàu sang. Trong một ván cờ, thái tử Lưu Khải đi nhầm nước cờ, biết mình sắp thua nên muốn rút lại nước cờ đã đi. Lưu Hiền không chấp nhận. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến ẩu đả.
Lưu Khải vì nhất thời tức giận, đã cầm bàn cờ đánh vào đầu Lưu Hiền, đến khi dừng tay thì hoàng tử nước Ngô đã nằm bất động.
Hán Văn Đế một mặt cảnh cáo Lưu Khải, mặt khác cho người đưa thi hài Lưu Hiền về nước Ngô an táng, gửi lời thương tiếc sâu sắc.
Ngô vương Lưu Tỵ đứng bên quan tài con trai mà hết sức tức giận, yêu cầu sứ giả đem Lưu Hiền về kinh đô Trường An chôn cất. “Thiên hạ đều là của Lưu gia, con của ta chết tại Trường An, thì chôn cất tại Trường An, đưa về nước Ngô làm gì”, Ngô vương Lưu Tỵ uất ức nói.
Kể từ đó, Lưu Tỵ đem lòng căm ghét triều đình, thường xuyên cáo ốm, không một lần đặt chân tới Trường An. Sứ giả triều đình diện kiến, Lưu Tỵ tuyên bố không gặp. Hán Văn Đế nể tình anh em họ, không truy cứu những hành động này của Lưu Tỵ.
Năm 157 TCN, Hán Văn Đế qua đời, thái tử Lưu Khải lên nối ngôi, tự là Hán Cảnh Đế. Cảnh Đế nghe theo lời đại thần, tiếp tục làm giảm thế lực chư hầu.
Ngô vương Lưu Tỵ năm đó 60 tuổi, đã cai quản nước Ngô được 40 năm, thế lực rất mạnh và là cái gai trong mắt Hán Cảnh Đế.
Cuộc nổi loạn của vương thất nhà Hán
Trong lúc triều đình đang bàn bạc chuyện cắt đất của chư hầu, Ngô vương Lưu Tỵ bày tỏ thái độ không bằng lòng, nghĩ rằng cơ nghiệp suốt hàng chục năm sẽ bị Lưu Khải cướp mất. Lưu Tỵ bày kế liên minh với Giao Tây Vương Lưu Ngang, là người nổi tiếng dũng mãnh thiện chiến, nhằm thu hút thêm đồng minh.
Lưu Tỵ, Ngô vương phát động cuộc nổi loạn, là cháu của Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Bất chấp các đại thần can ngăn, Lưu Ngang cho người sang kêu gọi các nước chư hầu khác cùng tham gia nổi loạn, đặt mục tiêu lật đổ Hán Cảnh Đế. Tổng cộng cuộc nổi loạn có 7 tôn thất nhà Hán tham gia. Không lâu sau, lệnh tước đất các chư hầu từ Trường An ban ra. 7 nước chư hầu do Ngô vương Lưu Tỵ khởi binh.
Liên quân 7 nước chủ trương đánh mạnh về phía tây, chiếm trọn các khu vực trung tâm ở Trung Hoa, vây hãm kinh đô Trường An. Ngô vương ra lệnh tổng động viên, huy động được hơn 20 vạn người.
Tế Bắc vương Lưu Chí lúc đầu đồng ý hưởng ứng nổi loạn nhưng đến phút cuối đổi ý, quyết định không tham gia. Hai vương thất khác không kịp điều binh mã theo liên quân tây tiến.
Đối phó lực lượng phản loạn, triều đình nhà Hán chia quân làm 3 đạo. Đạo quân chủ lực do Chu Á Phu thống lĩnh, tấn công phe nổi loạn ở vùng đông nam. Hai đạo quân còn lại đối phó quân Triệu ở phía bắc và quân phản loạn ở bán đảo Liêu Đông.
Ở Trường An, đại thần Viên Áng đòi Hán Cảnh Đế xử tử Tiều Thổ, là người đề ra chủ trương cắt đất của các phiên vương. Nhưng cái chết của Tiều Thổ vẫn không ngăn Ngô vương Lưu Tỵ lui quân.
Viên Áng được giao làm sứ giả truyền tin triều đình đồng ý ngừng tước đất của các vương thất. Nhưng Ngô vương hay tin cười lớn nói: “Ta bây giờ đã là hoàng đế phía đông, chẳng lẽ còn phải lạy người khác hay sao?”
Đến lúc này, quân chủ lực của Ngô Vương đang vây đánh nước Lương của Lương vương Lưu Vũ. Chu Á Phu không đem quân ứng cứu ngay lập tức mà chỉ huy kỵ binh cắt đứt tuyến đường vận lương của quân Ngô. Lưu Tỵ liền quay sang đánh quân triều đình nhưng bị Chu Á Phu phản kích đánh tan tác.
Sau thất bại ở An Huy, quân Ngô gần như tan rã. Lưu Tỵ rút tàn quân trở về Trấn Giang, tỉnh Giang tô ngày nay. Lưu Tỵ bị quân địa phương giết chết, đem đầu về Trường An dâng Hán Cảnh Đế. 6 hoàng tử khác tham gia nổi loạn lần lượt bỏ mạng trên chiến trường, hoặc chọn cách tự sát.
Tế Bắc vương Lưu Chí vì bị bức bách làm phản, đến cuối cùng không xuất quân hưởng ứng nên được miễn tội chết.
Sau khi toàn bộ 7 hoàng tử làm phản bị diệt, Hán Cảnh Đế chủ trương chỉ cấp vùng đất nhỏ cho các vương thất. Con trai của các vương thất chỉ có tước vị, không được cấp đất, đưa nhà Hán bước vào giai đoạn quyền lực tập trung vào tay Hoàng đế.
___________________
Khang Hi dưới thời nhà Thanh là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa. Nhưng việc ông không quyết liệt chọn hoàng tử kế vị dẫn một trong những cuộc tranh giành ngôi báu căng thẳng nhất. Bài dài kỳ xuất bản 10h sáng ngày 16.2 sẽ đề cập đến cuộc cạnh tranh quyền lực này.