Nhưng những đợt rải thảm mạn Yên Viên, Đông Anh từ hồi chặp tối gây nên những cơn địa chấn. Thứ sóng xung kích khủng khiếp lan vào tận những con phố nội thành. Những bức tường lở lói rêu phong giật mình cùng những cột kèo tuổi tác vặn mình răng rắc.
Mà cũng lạ, lệnh sơ tán đã triệt để là thế nhưng chả phải tất tật người Hà Nội ra đi. Có người vẫn ở lại.
Chả biết họ hẹn nhau như nào, nhưng một ông người đầm đậm, một ông gày gò đều tùm hum sù sụ áo ấm. Họ không tìm lối ra ngoại ô để đi sơ tán mà cùng lần tìm đến con phố cổ Thuốc Bắc, nơi đó có nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái .
Ông Phái ơi ông Phái…
Chả phải đợi lâu. Thì ra chủ nhân đâu có ngủ. Chong chong từ chặp tối. Cứ vẩn vơ những lo lắng, giật thột. Và cả những hoang mang trong lòng căn nhà chật chội. Chả nhẽ chúng san phẳng Hà thành?
Chủ nhân đã nhận ra người quen
Gớm các ông, bom đạn này mà.
Tiếng kéo ghế hơi bạo.
Bật đèn lên.
Điện cắt ngóm mấy bữa nay rồi mà. Có tiếng cười khẽ. Giọng chủ nhân như thở hắt ra.
May quá có cọc nến đây.
Chất giọng thong thả, trầm ấm quen thuộc phát ra từ một người vóc đậm đi đứng đường, bệ khoan thai là ông Đức Minh. Giọng khàn rè góc kia của người đang xòe diêm châm nến chính là ông Bổng Hàng Buồm.
Chủ nhân Bùi Xuân Phái trong ánh nến như bức tượng vạc vội. Tay chống cằm, ông lặng lẽ ngó động thái mau mắn của ông Bổng lôi từ góc ra một bức tranh . Trong ánh nến chập chờn, phải là người quá quen thuộc chốn này như ông Bổng thì mới có cử chỉ chính xác mau lẹ vậy?
Oàng! Ùng! Những tiếng nổ của bom dây, bom lẻ xa gần như xé ngang cuộc trao đổi. Giọng ông Bổng thảng thốt nhắc lại trận bom năm 1967 xuống phố Thuốc Bắc làm tanh bành một phần nhà của chủ nhân.
Ánh nến chập chờn, run rẩy rồi tắt phụt. Trong màn đêm kín bưng, tiếng chủ nhân “Thôi để khi khác”. Một lúc lâu, không gian khu phố cổ tự dưng yên tĩnh. Hai cây nến lại được ông Bổng châm lên.
Cuộc trao đổi giữa bộ ba ấy gồm chủ nhân Bùi Xuân Phái và hai nhà sưu tập Đức Minh, ông Bổng Hàng Buồm khi đứt khi nối…
Gần 2 giờ đồng hồ, những mắt kính nhập nhoáng trong chập chờn nến. Cũng chập chờn đứt nối các cung bậc trao đổi lúc đứt khi nối.
Đại để, ông Bổng, như mọi khi, hơi dài dòng lẫn rậm lời với ông Đức Minh về một bức tranh mà ông Bổng đang rất kết. Ông Đức Minh thì muốn có bức Kiều của Nguyễn Tư Nghiêm mà ông Bổng đang giữ. Còn ông Bổng muốn ông Đức Minh mua bức tranh của Bùi Xuân Phải để trao đổi lấy bức Kiều.
Cuộc trao đổi chỉ có thế. Vậy mà phải nối hai lần nến. Rồi cũng xong.
*
*. *
Người chứng kiến cuộc trao đổi, cuộc mặc cả thương lượng tại nhà Bùi Xuân Phái ở phố Thuốc Bắc trong đêm bom B.52 tháng 12/1972 ấy là Bùi Thanh Phương , con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái . Đó là chàng trai trong bức hình đen trắng in kèm bài này (ngoài cùng bên trái. Ảnh chụp năm 1977, sau cái đêm trao đổi thương lượng ấy đúng 5 năm). Trong hồi ức của mình với bạn bè, Bùi Thanh Phương khi nhắc cái đêm cùng sự kiện ấy cứ băn khoăn thán phục rằng, nếu không được chứng kiến tận mắt hình ảnh đó, người ta sẽ cho rằng hình như na ná kịch bản cho một bộ phim?
Khó ai có một cự ly mật thiết hơn người con trai cụ “Phố Phái” Bùi Thanh Phương với nhà sưu tập có tên Bổng Hàng Buồm.
Hồi ức ấy đã thành những con chữ trên FB của Bùi Thanh Phương. Có thể mai này sẽ chĩnh chện trong hồi ký?
…
Ông Bổng Hàng Buồm sau nhiều chục năm gom góp, năng nhặt chặt bị đã có một bộ sưu tập đáng nể, phong phú, đa dạng về các loại hình văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Họa sĩ mà ông Bổng Hàng Buồm có nhiều tranh nhất vẫn là Bùi Xuân Phái.
Giữa những năm 60, ông Bổng cùng gia đình chuyển từ quê về Hà Nội, trong căn gác 2 ở ngõ 93 phố Hàng Buồm. Căn phòng chỉ vẻn vẹn 20m2, cũ kỹ, ẩm tối.
Giới sưu tập tranh ở Việt Nam khi tiếp xúc và học hỏi ở giới họa sĩ, nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia với con mắt xem tranh thực sự chuẩn xác. Những người cùng thời với Bổng Hàng Buồm phải kể đến Đức Minh, Bá Đạm, Lâm Toét, Trần Thịnh, Huệ Tóc Bạc, Tô Ninh...
Họ có công rất lớn, góp phần tạo ra những sinh khí, hào hứng, cốt cách và tinh thần cho các họa sĩ. Họ chính là những người cổ vũ, là công chúng xem tranh và bình chọn ngôi thứ trong làng hội họa một cách chuẩn xác, vô tư nhất. Kiến thức hội họa của họ đáng để cho thế hệ mới học hỏi. Các nhà sưu tập thế hệ đầu tiên ấy, chất lượng hơn và khác hẳn với giới sưu tập bát nháo hiện nay.
Ông Bổng Hàng Buồm với Bùi Xuân Phái được bắt nguồn từ sự chân thành dẫn tới sự cảm động. Ông Bổng đến với Bùi Xuân Phái với quan điểm “đi không về có” và “đi nhẹ về nặng”.
Hầu như các tối, Bổng Hàng Buồm thường có mặt tại nhà Bùi Xuân Phái để đăng ký cái sọt đựng giấy. Cái sọt đựng giấy, rác ấy là nơi Bùi Xuân Phái vứt vào đấy những bức tranh vẽ mà ông không vừa ý. Thường là tranh vẽ trên giấy, Bùi Xuân Phái có thói quen là khi thấy bức vẽ đó chưa hay, ông vo tròn bức tranh lại như một quả bóng nhỏ và từ xa khoảng 4 mét, ông luôn ném trúng vào chiếc sọt giấy để trong góc nhà. Mỗi lần như thế, Bổng Hàng Buồm lại vỗ tay vang và khen Bùi Xuân Phái là một quán quân xuất sắc của môn bóng rổ. Mỗi tối, ông Bổng thường nhặt được 2 hoặc 3 “quả bóng” như thế. Sau đó, ông Bổng đem những “chiến lợi phẩm” đó về nhà, duỗi thẳng ra và dùng bàn là ép cho thật phẳng. Công đoạn cuối là quay trở lại nhà Bùi Xuân Phái để xin tác giả chữ ký. Những bức tranh từng là “quả bóng” ấy tuy chỉ là kích cỡ nhỏ và được vẽ trên giấy, nhưng sau khi Bùi Xuân Phái mất, các nhà sưu tập ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phải mua của ông Bổng với giá nhẹ nhàng nhất cũng là 1.000 USD cho một "quả bóng” ấy.
(hết trích)
Cũng đúng 5 năm sau vụ mặc cả cái đêm B. 52 ở phố Thuốc Bắc ấy, tôi được đích mục sở thị cái người vóc đầm đậm có dáng đi bệ vệ trong hồi ức của Bùi Thanh Phương. Đơn giản là năm 1977, khi tôi về làm ở báo Tiền Phong thì tư dinh ông Đức Minh, nhà sưu tập danh giá ở ngay xế bên cửa Tòa soạn phố Hồ Xuân Hương.
Hầu như chiều nào cũng thấp thoáng cái dáng đủng đỉnh viên mãn của con người thành đạt với bộ ria xén tỉa và mái tóc muối tiêu cắt bốc. Có dạo ông để tóc dài. Thấy là lạ cùng một khoảng cách, bên nhà hàng xóm ấy, ông Đức Minh có một người con trai môi son má phấn.
Những thân gần đi lại cùng họa sĩ Việt Tuấn, con trai út cụ Kim Lân , nên tôi quen họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn. Lần ấy, ngồi chuyện về một quá vãng Hà thành, cụ Kim Lân có hé ra chi tiết là nhà sưu tập Đức Minh đã từng mua tranh của chị Hiền.
Nhà văn Kim Lân có kể tôi nghe chuyện nhà sưu tập tranh Đức Minh. Ông tên thật là Bùi Đình Thản, từng là chủ của 7 tiệm kim hoàn và mĩ nghệ tại Hà Nội trước năm 1954, làm ăn rất phát đạt. Nhà Gô-đa (nay là Tràng Tiền Plaza) là một trong các địa chỉ cũ của gia đình ông. Ông phải hiến tặng phần lớn tài sản (trừ bộ sưu tập tranh) khi bị cải tạo tư sản.
Cụ thể chuyện mua tranh ấy, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại khá thú vị:
Bác Đức Minh đến tận nhà tìm tôi. Bác nói đã xem triển lãm và thích tranh của tôi. Sau khi đi một vòng quanh nhà xem tranh, bác chọn mua 2 bức. Sáng hôm sau, bác còn mời hai bố con tôi đến phố Tạ Hiện ăn cháo cá.
Dù, đã dự không biết bao nhiêu bữa sáng và sau này nhiều nước trên thế giới, tôi vẫn không quên được bữa ăn sáng cháo cá hôm đó với nhà sưu tập đồ cổ và tranh lớn nhất Miền Bắc lúc bấy giờ. Tôi cùng bố tôi đã đến nhà bác nhiều lần xem bộ sưu tập tranh đồ sộ của bác. Từ tranh của các họa sỹ Đông Dương đến tranh của các họa sỹ Nguyễn Gia Trí! Rồi những Nghiêm, Liên, Sáng, Phái… Ông Đức Minh là người có cái nhìn đi trước thời đại. Trong bộ sưu tập có bức tranh sơn mài “Thiếu nữ bên cây phù dung” của họa sỹ Nguyễn Gia Trí. Con mắt sõi đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh dịp tiếp đoàn đại biểu Pháp lúc mới giải phóng thủ đô đã mượn bức tranh đó để treo ở Phủ Chủ tịch.
Qua chị Hiền, tôi mới biết nhiều chuyện về nhà sưu tập nổi tiếng này. Trước năm 1975, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam nhiều lần đến mượn một phần sưu tập của ông Đức Minh để triển lãm đối nội và đối ngoại tại Liên Xô, các nước Đông Âu… Năm 1983, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức một triển lãm đặc biệt, giới thiệu các nhà sưu tập gần như thế hệ đầu tại Hà Nội, gồm Tô Ninh, Nguyễn Văn Lâm (Lâm Cà phê), Trần Thịnh, Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Viết Châu. Trong kế hoạch có mời cả Đức Minh, lúc này đã định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông đột ngột qua đời năm 1983.
Năm 1965, ông Đức Minh có nguyện vọng hiến toàn bộ ngôi biệt thự đang lưu giữ hơn 2000 bức tranh sưu tầm qua nhiều năm cho Nhà nước. Cả nhà cả tranh. Chỉ muốn ngôi nhà trở thành bảo tàng mang tên Đức Minh. Nhưng nguyện vọng của ông đã không được chấp nhận.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền khá có duyên với các nhà sưu tập tranh. Bằng mối quan hệ rộng thân tình đã khéo léo vận động người con trai của ông Đức Minh là Bùi Đức Trí lấy cái tên Gallery Đức Minh thay cho bảo tàng tranh tư nhân Gallery Phương Thảo (tên con của Bùi Đức Trí) phần nào đáp ứng di nguyện của người cha Đức Minh thời trước từng hằng tâm hằng sản với quốc gia.
Rồi chuyện chị can dự hơi bị khéo léo sao đó khiến nhà sưu tập tranh nổi tiếng khác là Lâm Cà phê - Lâm Toét dừng ý định đập bỏ ngôi nhà ở phố Nguyễn Hữu Huân từng lưu lại nhiều dấu ấn kỷ niệm với các họa sĩ để xây nhà mới.
Còn họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái, đã sớm vượt thoát khỏi bóng cớm rợp của thứ “con nhà”. Phương hình như không trùng dẵm phải những nốt vết “phố Phái” của một ông bố lẫy lừng mà lánh, tách sang một ngả khác. Kể cũng kha khá những vật vã, khó khăn. Nhưng Bùi con đã sớm chững chạc định hình một “xì tai” một phong cách lối sáng tác riêng.
Trong bộ sưu tập của mình, ông Đức Minh có nhiều tranh Phố Phái. Và cũng may mắn như con gái nhà văn Kim Lân, nhà sưu tập Đức Minh cũng đã mua 2 bức tranh của họa sĩ Bùi Thanh Phương.