Cuộc khủng hoảng năng lượng thay đổi tương lai cả Nga và châu Âu

Hoàng Phạm |

Kết quả của cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ thay đổi sâu sắc tương lai năng lượng cả Nga và châu Âu.

Ảnh: Time

Ảnh: Time

Bước tiến đáng kể của Ukraine trước các lực lượng Nga trong những ngày qua có thể trở thành điểm bước ngoặt trong cuộc xung đột hiện nay. Cách xa cuộc xung đột quân sự, một bối cảnh khác cũng đang thay đổi: kinh tế năng lượng. Kết quả của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ thay đổi sâu sắc cả Nga và châu Âu.

Hiện vẫn chưa rõ Ukraine có thể giành lại thêm bao nhiêu lãnh thổ, liệu họ có tiến về Crimea – bán đảo đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014, và vùng ven biển Azov hay không, hay liệu Nga có đáp trả mạnh mẽ hay không.

Trên “mặt trận” năng lượng, có vẻ như các bên sẽ khó đạt được một giải pháp nhằm khôi phục dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu trong năm tới hoặc Châu Âu sẽ lại tự mãn thêm một lần nữa. Việc Nga dừng cung cấp khí đốt qua Ukraine kéo dài 13 ngày năm 2009 là cảnh báo đầu tiên, việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 là cảnh báo thứ hai.

Tuy nhiên, phải sau ngày 24/2/2022, châu Âu mới kiên quyết phá vỡ sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Việc cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức đã bị đình chỉ cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Dòng chảy qua Ba Lan đã ở mức 0 suốt nhiều tháng, trong khi một phần nhỏ qua Ukraine vẫn được duy trì đủ.

Ba giai đoạn phản ứng của châu Âu

Phản ứng của châu Âu sẽ có 3 giai đoạn. Mùa đông tới sẽ là giai đoạn quan trọng nhất. Đức và Anh, cùng nhiều nước khác đã chuẩn bị các gói tài chính khổng lồ để giảm nhẹ cú sốc cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Gần như tất cả các thành viên EU đều đã đạt mục tiêu lấp đầy 80% các cơ sở dự trữ khí đốt, 2 nhà ga mới phục vụ nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) đã triển khai ở Hà Lan và Đức sẽ triển khai thêm 3 nhà ga tương tự trong thời gian tới. Xa hơn, người châu Âu có lẽ nên cầu mong một mùa đông ấm áp hơn thường lệ.

Giai đoạn thứ hai diễn ra trong vòng 3 năm tới. Hoạt động sản xuất LNG mới sẽ bắt đầu trên khắp thế giới trong giai đoạn này. Có thể sẽ có thêm nhiều khí đốt được vận chuyển bằng đường ống từ Bắc Phi, Trung Đông và Caspi tới châu Âu.

Do đó, việc thay thế nguồn khí đốt của Nga sẽ đòi hỏi giảm tiêu thụ cả ở châu Âu và các nơi khác. Việc triển khai điện tái tạo sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu sẽ đóng cửa, có thể mãi mãi, để chuyển sang các khu vực có khí đốt rẻ hơn. Các ngôi nhà sẽ được cải tạo và thay thế hệ thống sưởi dùng khí đốt bằng hệ thống bơm nhiệt chạy điện để giảm lượng khí đốt tiêu thụ.

Các nước châu Á vốn hy vọng sử dụng LNG để chấm dứt tình trạng thiếu năng lượng cũng như bầu trời đầy khói mù sẽ phải tiếp tục đốt than đá.

Từ năm 2026 trở đi, các dự án LNG mới quy mô lớn ở Qatar, UAE, Mỹ, Australia, Canada và Mozambique sẽ khởi động. Xuất khẩu hydrogen quy mô lớn từ Trung Đông và Bắc Phi có thể bắt đầu nhằm thay thế khí đốt ở châu Âu. Các nhà máy điện hạt nhân sẽ được khôi phục.

Năng lượng Nga sẽ chuyển hướng

Có thể khí đốt Nga sẽ lại chảy về phía Tây, nếu có một giải pháp tình huống chính trị hoàn toàn khác biệt với hiện tại. Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng EU hay Berlin sẽ lại muốn 40% khối lượng khí đốt nhập khẩu đến từ Siberia. Trong khi đó, phản ứng của Nga là chuyển hướng sang Trung Quốc, nước đã mua khoảng 10% lượng khí đốt xuất khẩu của Moscow.

Tuy nhiên, các số liệu của năm nay sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào nước láng giềng ở phía Tây. Doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu tương đương với toàn bộ khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc đang ở vị thế có thể mặc cả với Nga. Doanh số bán hàng ở phía Đông của Gazprom chỉ đem lại lợi nhuận bằng một nửa so với doanh số ở châu Âu trong khi đòi hỏi phải có hệ thống đường ống dẫn dài, quy mô lớn và tốn kém qua địa hình khắc nghiệt. Nếu không có các hợp đồng quốc tế béo bở, khả năng trợ giá khí đốt cho thị trường nội địa của Gazprom sẽ bị cắt giảm.

Về dầu mỏ, ý tưởng của G7 áp trần giá dầu của Nga vẫn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt và lệnh cấm của EU sắp có hiệu lực sẽ hạn chế xuất khẩu của Nga. Ngay cả trước chiến tranh và đại dịch Covid-19, một nghiên cứu từ hai viện năng lượng ở Moscow đã dự đoán sản lượng của Nga giảm 15% vào năm 2040, kèm theo chi phí sản xuất trung bình tăng gần gấp đôi.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự ở Ukraine hiện nay cũng chấm dứt cơ hội của Nga bán hydrogen sang châu Âu - một khu vực mà Nga có thể có lợi thế cạnh tranh.

Ngoài thủy điện, việc sử dụng năng lượng tái tạo của Nga cũng rất hạn chế, chỉ chiếm 0,5% sản lượng điện và bằng một nửa so với Ukraine. Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ thống trị việc nghiên cứu và sản xuất các hệ thống năng lượng mới, từ pin mặt trời đến pin tiên tiến và xe điện. Tuy nhiên, xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân của Rosatom – lĩnh vực thành công của Nga, có triển vọng thay đổi.

Việc chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch sẽ rất khó khăn và lâu dài. Nhưng một mô hình năng lượng được chuyển đổi sau xung đột có thể tốt hơn cho chính Nga và các nước láng giềng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại