Cách duy nhất để xem ông Putin nghĩ gì
Hãng tin RBC (Nga) ngày 17/11 đưa tin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 15/11 vừa qua. Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ tháng 12/2022.
Điện Kremlin cho biết, cuộc điện đàm đã kéo dài 1 giờ và Đức là phía đưa ra đề nghị đối thoại.
Trả lời nhật báo Süddeutsche Zeitung (Đức) ngày 15/11, ông Scholz cho biết, "trò chuyện trực tiếp là cách duy nhất để tìm ra Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nghĩ gì về việc bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine".
"Chúng ta sẽ phải tìm ra, bằng cách nói chuyện với ông ấy [Putin] về vấn đề này" – Ông Scholz nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, "sẽ là sai lầm nếu các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga-Mỹ diễn ra sớm, nhưng người đứng đầu một trong những nước quan trọng nhất của châu Âu lại không tham gia", ông Scholz nói, ngụ ý về khả năng ông Putin trao đổi với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho hay, Điện Kremlin coi cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo Nga-Đức như một phép thử để so sánh các quan điểm.
"Động cơ chính trị ở đây là nắm bắt tình hình một cách trực tiếp" – Ông Peskov nói.
Trước khi tiến hành cuộc gọi với ông Putin, ông Scholz đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời thông báo trước một tháng cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cùng Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Ông Zelensky tin rằng Thủ tướng Scholz đã "mở hộp Pandora", làm suy yếu sự cô lập đối với Nga và xây dựng tiền đề để các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng có thể bắt đầu đàm phán với Tổng thống Putin.
Theo hãng tin Reuters (Anh), ông Zelensky đã cố gắng thuyết phục ông Scholz không tiến hành cuộc trò chuyện, nhưng không thành công.
Lời đề nghị Nga rút quân khỏi Ukraine và thái độ của ông Putin
Nội các Đức cho hay, trong cuộc điện đàm ngày 15/11, ông Scholz đã lên án hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, đề nghị ông Putin dừng lại và rút quân. Ông nhấn mạnh tới quyết tâm của Đức trong việc hỗ trợ Kiev "miễn là cần thiết", đồng thời kêu gọi Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine "nhằm mục đích thiết lập một nền hòa bình lâu dài".
Ngoài vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về quan hệ song phương, "mức độ suy thoái chưa từng thấy giữa hai phía", cũng như về vấn đề Trung Đông.
Kết quả cuộc điện đàm không được Nội các Đức đề cập.
Tới ngày 17/11, phát biểu trước các phóng viên tại Berlin trước khi bay tới Brazil để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Scholz xác nhận các thông tin trên. Tuy nhiên, ông thông báo rằng "không thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy lập trường của Moscow về các sự kiện ở Ukraine thay đổi".
"Cuộc trò chuyện rất chi tiết, nhưng nó cho thấy quan điểm của Tổng thống Nga có rất ít sự thay đổi. Đó không phải là tin tốt" – ông Scholz nói.
Thủ tướng Đức đồng thời lưu ý, ông đã "nỗ lực để có một cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga" và điều đó "rất quan trọng".
"Tất cả các bạn đều là nhân chứng của tôi ở đây, bởi trong nhiều cuộc trò chuyện mà các bạn đã ghi âm và đưa tin, tôi đã đề cập rằng mình sẽ sớm trò chuyện lại với Tổng thống Nga. Điều này đã được nêu ra từ lâu, và tôi đã thảo luận về cuộc trò chuyện trong nhiều cuộc đàm phán với nhiều người" – Ông Scholz nói, đề cập tới việc cuộc điện đàm của ông đã bị chỉ trích, đặc biệt là ở Ukraine và Pháp.
Theo ông, một số người tin rằng xung đột ở Ukraine có thể dễ dàng được giải quyết, nhưng thực tế điều này "chỉ có thể xảy ra nếu Moscow từ bỏ các mục tiêu của mình".
"Không có dấu hiệu nào cho thấy điều này" – Ông Scholz tuyên bố, song nhấn mạnh rằng Kiev "có thể tin tưởng vào Berlin trong các vấn đề hỗ trợ" bởi Đức là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine.
"Điều đó (việc hỗ trợ cho Ukraine) vẫn sẽ như vậy", ông Scholz nói, "Chúng tôi sẽ thực hiện những gì đã hứa".
Lập trường của Nga
Trả lời báo giới về cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga-Đức, ông Peskov cho biết, Tổng thống Putin đã nói rõ với Thủ tướng Scholz rằng các thỏa thuận giải quyết vấn đề "phải tính đến lợi ích của Moscow trong lĩnh vực an ninh, dựa trên thực tế lãnh thổ mới và quan trọng nhất là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".
"Cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo mang nhiều tính công việc, diễn ra chi tiết và khá thẳng thắn" - Ông Peskov lưu ý.
Khi phóng viên Tập đoàn Truyền hình và Phát thanh Quốc gia Nga (VGTRK) đặt câu hỏi rằng, tại sao ông Scholz và ông Putin lại quyết định trò chuyện vào lúc này? Liệu có liên quan tới cuộc bầu cử ở Mỹ và tình hình chính trị Đức hay không?, ông Peskov trả lời rằng nhà lãnh đạo Nga "sẵn sàng đối thoại".
"Tình hình có quy luật phát triển riêng và tất cả các yếu tố đang kết hợp lại với nhau theo một cách thức dẫn tới việc các bên có động lực chính trị để nối lại đối thoại" – Ông Peskov nhấn mạnh.
Đề cập thêm tới sự bất đồng giữa ông Putin và ông Scholz về vấn đề Ukraine, ông Peslov nói: "Không thể nói rằng có sự đồng thuận nào về quan điểm ở đây, và tất nhiên, vẫn tồn tại những bất đồng khá sâu sắc, nhưng bản thân việc đối thoại (giữa hai phía) là rất tích cực".
Ông Peskov lưu ý thêm rằng Tổng thống Putin đã trình bày chi tiết với ông Olaf Scholz về lập trường của Nga đối với xung đột ở Ukraine và triển vọng phát triển tình hình, trong khi Thủ tướng Đức cũng nêu rõ lập trường của Đức.