Cuộc nói chuyện riêng với Chu Dung Cơ
Vụ biến động chính trị năm 1989 gần như đã làm đổ vỡ chương trình cải cách thị trường non trẻ của Trung Quốc. Trong khi Mỹ và phương Tây áp cấm vận Bắc Kinh, luồng quan điểm bảo thủ trong nước trỗi dậy mạnh mẽ và chiếm thế chủ đạo trong tư duy chính trị ở Trung Quốc. Khái niệm kinh tế thị trường và đầu tư nước ngoài bị xem là những nỗ lực cản trở quá trình xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa.
Năm 1992, Đặng Tiểu Bình, lúc này đã về hưu, phải đích thân tiến hành một loạt chuyến công tác đến các thành phố ở miền Nam Trung Quốc để cứu vãn chương trình cải cách.
Ngày nay, chuyến "thị sát miền Nam" của Đặng qua các thành phố Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải và Thượng Hải được ghi nhận là bước ngoặt của cuộc cải cách mở cửa. Việc khôi phục chương trình được "dọn đường" mạnh mẽ bằng một loạt bài viết dưới bút danh Hoàng Phủ Bình, xuất bản từ năm 1991 trên tờ Liberation Daily (Nhật báo Giải phóng) - cơ quan của Thành ủy Thượng Hải.
Có rất nhiều thông tin khác nhau nói về nguồn gốc của loạt bài báo trên, nhưng Lưu Cát - cựu Phó trưởng ban tuyên truyền thành ủy Thượng Hải, sau là cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân - đã hé lộ một số nhân vật chủ chốt, cũng như cách Đặng Tiểu Bình trấn áp những luồng quan điểm trái chiều từ sau hậu trường.
Ông Lưu, người nắm thông tin đầu tiên về những bài báo, cho biết Đặng đã đến đón Tết Âm lịch tại Thượng Hải vào năm 1991 và mời bí thư thành ủy Thượng Hải khi đó là ông Chu Dung Cơ đến khách sạn Xijiao để gặp mặt.
"Ông ấy yêu cầu Chu Dung Cơ tới để trao đổi về kinh tế thị trường và cải cách. Đó là cuộc trò chuyện riêng tư, đi sâu và không chính thức. Đó là những suy nghĩ thực [của Đặng Tiểu Bình] - rằng nếu như anh muốn cải cách thì anh buộc phải giới thiệu một nền kinh tế thị trường," Lưu nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Đặng Tiểu Bình tiếp đãi các lãnh đạo chính trị, quân sự Trung Quốc tại tiệc mừng Tết Âm lịch ở Thượng Hải, tháng 2/1991. Tháp tùng Đặng có bí thư Thượng Hải Chu Dung Cơ (trái), con gái Đặng Dung, và chủ tịch Trung Quốc Dương Thượng Côn (thứ hai từ phải). (Ảnh: SCMP)
Theo ông Lưu, ông Chu rất hào hứng với chia sẻ của Đặng Tiẻu Bình. Trên xe từ khách sạn Xijiao trở về, Chu truyền đạt lại câu chuyện với thư ký của mình và Thi Chi Hồng, giám đốc một phòng nghiên cứu thuộc thành ủy Thượng Hải.
Ông Thi sau này trở thành thư ký của cựu phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, và từng có thời gian làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình.
"Ông Thi rất tâm đắc và nêu vấn đề với [bí thư đảng bộ] Châu Thụy Kim của tờ Liberation Daily cùng cây viết Ling He của tờ này," Lưu cho hay.
Thi, Châu và Ling đã thảo luận dàn ý các bài báo. Sau khi Ling và Châu viết bài, tổng biên tập Ding Ximan ký tên phê chuẩn, 3 bài xã luận được xuất bản vào tháng 3, tháng 4/1991 dưới bút danh Hoàng Phủ Bình.
Loạt bài này thách thức quan điểm chủ đạo của nhà chức trách thời điểm đó, rằng cải cách thị trường là hành động theo đuổi chủ nghĩa tư bản và sử dụng nguồn vốn nước ngoài là phá hoại sự tự lực tự cường của Trung Quốc.
Các bài viết cũng chỉ trích "sự trì trệ mới trong tư duy" và cảnh báo Trung Quốc có thể để tuột cơ hội tốt nhất cho phát triển kinh tế nếu vẫn sa lầy trong những tranh cãi về ý thức hệ.
Ông Lưu Cát tiết lộ Đặng Tiểu Bình hoạt động hậu trường để loại bỏ những chỉ trích nhằm vào cải cách mở cửa (Ảnh: CNS)
Sóng gió từ Bắc Kinh và cú "lội ngược dòng" của Đặng Tiểu Bình
Lưu Cát kể lại, loạt bài của Liberation Daily đã khiến hàng loạt cái tên "nặng ký" trong chính trường ở Bắc Kinh phải nhướn mày. Thành ủy Thượng Hải đã nhận nhiều cuộc điện thoại từ Trưởng ban tuyên truyền trung ương Vương Nhẫn Chi, thủ tướng Lý Bằng và Ủy viên Bộ chính trị Tống Bình.
"Tống Bình gọi điện cho [phó bí thư thành ủy Thượng Hải] Ngô Bang Quốc để hỏi xem tác giả loạt bài về cải cách mở cửa có bất kỳ bối cảnh đặc biệt nào không. Ngô đáp rằng ông không cho là như vậy, và truyền thông Bắc Kinh sau đó mở màn chiến dịch phê phán loạt bài."
Cơn bão truyền thông từ Bắc Kinh duy trì trong nhiều tháng, cho đến khi Lưu Cát tranh thủ được sự trợ giúp từ bà Đặng Nam, con gái thứ của Đặng Tiểu Bình.
"Tôi mời bà ấy dùng bữa và kể về những công kích nhằm vào các bài viết của Hoàng Phủ Bình. Tôi nói rằng đó là những quan điểm của cha bà, và giờ thì chúng tôi đang hứng chỉ trích, liệu bà có thể nói chuyện với cha mình được không?"
Hội nghị toàn thể trung ương 3 của đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 12/1978, nơi Đặng Tiểu Bình khởi xướng chương trình cải cách mở cửa làm hướng đi mới cho Trung Quốc sau Cách mạng văn hóa (1966-1976) (Ảnh: SCMP)
Ngày hôm sau, Đặng Nam liên hệ lại với Lưu Cát để xin bản sao các bài viết. Lưu hiểu rằng những văn bản này sẽ được đưa tới cho Đặng Tiểu Bình. Trước đó, Đặng chưa hề đọc các bài báo.
Sau khi đọc loạt bài, Đặng Tiểu Bình trao chúng cho chủ tịch Trung Quốc Dương Thượng Côn, và để ông Dương nhận phần việc đứng ra công khai ủng hộ nội dung đã xuất bản.
"Vậy là ông Dương nhận trả lời phỏng vấn của Liberation Daily. Trong đó, ông nói rằng các bài báo [của Hoàng Phủ Bình] rất tốt và hoàn toàn phù hợp với tinh thần của ban lãnh đạo trung ương," Lưu Cát cho hay. "Một khi ông ấy đã lên tiếng như vậy, sóng gió ở Bắc Kinh nhanh chóng bình lặng. Truyền thông Bắc Kinh không dám nói thêm chuyện gì và những phê phán ngừng lại."
"Chính vì vậy tôi tin rằng ở Trung Quốc, tất cả cải cách và tất cả chính sách đều có liên quan đến Đặng Tiểu Bình. Chúng tôi đã viết rất nhiều bài báo, tất cả nhờ chúng tôi được Đặng Tiểu Bình ủng hộ."
Ngay khi lộ trình cải cách mở cửa của Trung Quốc được đưa trở lại quỹ đạo, ông Chu Dung Cơ nhanh chóng được tiến cử trở thành phó thủ tướng Trung Quốc vào năm 1993, và trở thành thủ tướng năm 1998.