Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự cuộc gặp cấp cao năm nay của G20 (Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu) ở Indonesia vào giữa tháng 11 này làm cho xung đột Nga - Ukraine mất bớt tính thời sự và mức độ ưu tiên trên chương trình nghị sự.
Thay vào đấy, cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuy chỉ là sự kiện bên lề nhưng trên thực tế làm lu mờ cả sự kiện lớn của G20.
Có 3 lý do khiến cho cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình được nhìn nhận đặc biệt.
Thứ nhất , cuộc gặp ở Bali sắp tới sẽ là lần đầu tiên ông Biden trực tiếp gặp ông Tập Cận Bình trên cương vị là tổng thống Mỹ.
Từ diễn biến và kết cục của cuộc gặp có thể thấy được chiều hướng diễn biến của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại của đương kim tổng thống Mỹ.
Thứ hai , cả hai người đều có vị thế quyền lực mới vững vàng ở hai nước. Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ở Mỹ, Đảng Dân chủ của ông Biden tại cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ đã không để cho phía Đảng Cộng hòa và cá nhân cựu tổng thống Donald Trump giành về thắng cử vang dội như phe này đã mong đợi, đã chắc chắn và như đã được đồn đoán trước đó.
Cuộc gặp ở Bali dự kiến vào ngày 14-11 sẽ là lần đầu tiên ông Joe Biden trực tiếp gặp ông Tập Cận Bình trên cương vị là tổng thống Mỹ. Ảnh: REUTERS
Kết quả bầu cử không khiến ông Biden quá khó khăn trong cầm quyền nửa nhiệm kỳ còn lại và chiếm lợi thế nổi trội trong việc quyết định có tái ứng cử cho cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ hay không.
Với vị thế quyền lực như thế, ông Biden và ông Tập Cận Bình có thể dễ dàng xử lý chuyện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà không cần phải bận tâm nhiều và bị hạn chế lớn bởi đối nội.
Thứ ba, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian vừa qua không được êm đẹp, làm ảnh hưởng cả thế giới về nhiều phương diện.
Nó tác động rất mạnh mẽ, nếu như không muốn nói là quyết định tới diễn tiến và kết cục của mọi đại sự của thế giới hiện tại. Cặp quan hệ song phương này có thể chi phối cả tương lai của chính nhóm G20.
Sự kiện của G20 ở Bali tạo cơ hội thuận lợi cho ông Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau trực tiếp đầu tiên mà bên nào cũng giữ được thể diện và không bị coi là thất thế. Gặp nhau bên lề sự kiện nào đấy giúp họ tránh được áp lực phải thành công của các dạng gặp nhau trực tiếp khác.
Thực trạng quan hệ song phương không tốt đẹp, chủ yếu đối phó nhau và thiếu vắng sự tin cậy lẫn nhau nên cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tới đây ở Bali khá khiên cưỡng và nặng về hình thức mà ít khả năng đưa lại cải thiện đột phá.
Hai bên cần cuộc gặp này để cùng kiểm soát diễn biến quan hệ song phương, để bảo đảm lợi ích và duy trì vai trò riêng nổi bật trong các chuyện thời sự chính trị thế giới. Ở quan hệ giữa hai nước này, nhân tố tình cảm luôn rất nặng nề nhưng cũng luôn bị nhân tố lý trí khắc chế.