Công nghệ chatbot đang trở thành trọng tâm cạnh tranh giữa các tập đoàn
Cuộc đua giữa các ông lớn
Theo The New York Times, Công ty Google đang thử nghiệm đối thủ chatbot có tên là Apprentice Bard dựa trên công nghệ hội thoại LaMDA của Google để cung cấp tìm kiếm câu hỏi và câu trả lời. Kể từ tháng 12-2022, công ty đã thuê giám đốc điều hành Sundar Pichai và mời các tài năng công nghệ như Larry Page và Sergey Brin tư vấn về việc đẩy nhanh ra thị trường các công cụ tìm kiếm do AI làm nền tảng. Vào tháng 1, công ty bắt đầu tổ chức lại với việc sa thải hàng loạt nhân viên để phù hợp với các ưu tiên mới.
Microsoft cũng không chịu thua kém khi ngày 23-1 công bố vòng đầu tư thứ ba vào Công ty OpenAI, chủ sở hữu ChatGPT. Trong một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD, gã khổng lồ phần mềm có kế hoạch tích hợp công nghệ AI tổng quát trên nền tảng đám mây Azure và mở rộng các đột phá về siêu máy tính. Công ty cũng đang lên kế hoạch phát hành phiên bản GPT-4 của công cụ tìm kiếm Bing trong vài tuần tới, phiên bản này dự kiến sẽ nhanh hơn và mạnh hơn ChatGPT (đang là GPT-3).
Những công ty khác có kế hoạch phát hành dịch vụ chatbot AI vào tháng 3 bao gồm: gã khổng lồ tìm kiếm internet Trung Quốc Baidu và doanh nghiệp phần mềm có trụ sở tại Thung lũng Silicon C3.AI. Theo Bloomberg, công cụ chatbot của Baidu hiện chưa có tên, sẽ cho phép người dùng nhận kết quả tìm kiếm kiểu hội thoại giống như nền tảng phổ biến của OpenAI. Cổ phiếu của cả Baidu và C3.AI đều tăng sau khi công bố thông tin về chatbot hôm 30-1. Riêng Baidu đã chi hàng tỷ USD để nghiên cứu AI trong nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm tập trung vào công nghệ sâu hơn. Hệ thống Ernie của Baidu, một mô hình máy học quy mô lớn đã được đào tạo về dữ liệu trong nhiều năm, sẽ là nền tảng của công cụ giống như ChatGPT sắp tới của họ.
Ngoài Baidu, một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cũng đang khám phá AI tổng quát và đã thu hút các nhà đầu tư như Sequoia và Sinovation Ventures.
Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất để làm dịu lạm phát, nhiều người coi sự đầu tư vào AI là viên đạn bạc có thể thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn kinh tế bất ổn này. Một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới bao gồm Airbnb, Cruise và Instacart, cũng đã góp vốn vào Công ty OpenAI kể từ khi công ty này được thành lập vào năm 2015.
Liên minh AI
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Saudi Arabia cuối năm 2022, hai bên ký kết hàng chục hợp đồng đối tác lớn giữa các công ty của Saudi Arabia và Trung Quốc về phát triển AI và thành phố thông minh, đào tạo AI, phát triển 5G, điện toán đám mây, fintech, viễn thông, điện toán lượng tử… Các cuộc đàm phán về AI giữa hai nước này trở thành chính sách khi Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Saudi Arabia và người đồng cấp Trung Quốc đã ký một kế hoạch hợp tác chiến lược chung. Kế hoạch bao gồm tất cả các khía cạnh của lĩnh vực AI, từ phát triển công nghệ đến đào tạo thông qua người máy. Saudi Arabia xem AI là chìa khóa để đưa nước này thành cường quốc trong thế kỷ 21, từ nước chỉ có thu nhập từ dầu khí, năng lượng thành một cường quốc kỹ thuật số lớn. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm đầu tư ồ ạt của Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI vào năm 2030 chắc chắn sẽ là một tài sản chiến lược cho Saudi Arabia.
Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ về AI cảnh báo: "Trung Quốc có sức mạnh, tài năng và tham vọng vượt Mỹ trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI trong thập niên tới nếu động lực hiện tại không thay đổi". Do vậy, ủy ban này xem các hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc là biện pháp ngăn cản bước tiến của gã khổng lồ châu Á trong các lĩnh vực chiến lược như AI. Hiện tại, Liên minh châu Âu dường như đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua AI và kỹ thuật số.
Theo tài liệu của CSET (nhóm chính sách công nghệ tại Đại học Georgetown, Mỹ), chính các nhà đầu tư Mỹ như Intel và Qualcomm chiếm gần 1/5 khoản đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc từ năm 2015-2021 với tổng số tiền đầu tư 40,2 tỷ USD. Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ công bố một sắc lệnh hành pháp trong năm nay nhằm hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc, khi phe diều hâu ở Washington đổ lỗi cho các nhà đầu tư Mỹ chuyển vốn và bí quyết có giá trị cho các công ty công nghệ Trung Quốc có thể giúp nâng cao năng lực quân sự của Bắc Kinh.
Một mặt hạn chế đầu tư công nghệ vào Trung Quốc, Mỹ cũng gia tăng liên minh về AI với nhiều nước, nhất là Ấn Độ, một trong những trung tâm tài năng công nghệ hàng đầu thế giới. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval vừa khởi động Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET). Thực chất, iCET được biết tới từ tháng 5-2022, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Thượng đỉnh Bộ Tứ tại Tokyo. Động thái nêu trên được giới chuyên gia đánh giá là nhằm chuyển đổi từ tầm nhìn thành hành động liên quan các cam kết hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia về thiết bị quân sự, chip bán dẫn và AI, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung về lĩnh vực công nghệ ngày càng khó đoán định.
Để đáp ứng nhu cầu cao của người sử dụng, OpenAI vừa ra mắt phiên bản đăng ký giá 20 USD có tên ChatGPT Plus, cung cấp quyền truy cập với tốc độ phản hồi nhanh hơn và quyền truy cập ưu tiên vào các tính năng mới. Công ty cũng đang tiếp tục cung cấp phiên bản miễn phí tại chat.openai.com (một số khu vực trên thế giới chưa thể sử dụng).