Trung Quốc mới đây công bố về một thay đổi trong kế hoạch cho tên lửa Trường Chinh 9 thế hệ mới. Theo đó, tên lửa đẩy siêu nặng được dùng để phóng các sứ mệnh vào không gian sâu sẽ không còn là loại dùng một lần nữa. Thay vào đó, giống như Starship của SpaceX, Trường Chinh 9 sẽ là tên lửa tái sử dụng đầy đủ. Điều này giúp giảm chi phí cho các nhiệm vụ liên tiếp.
Tuy nhiên, thông báo về Trường Chinh 9 của Trung Quốc giờ đây sẽ được tái sử dụng có phần bị "lu mờ", vì vụ phóng đầu tiên thành công mặc dù bị phát nổ của tên lửa Starship của SpaceX. Cụ thể, thông báo này được đưa ra vào cuối tháng 4 vừa qua, ngay trong ngày vũ trụ quốc gia của Trung Quốc tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, chỉ mấy ngày sau khi tên lửa Starship cất cánh trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 20/4.
Tên lửa Trường Chinh 9 (trái) và hệ thống phóng Starship (phải). Ảnh: Interestingengineering
Trên thực tế, tên lửa Trường Chinh 9 đang được Viện Hàn lâm Công nghệ phương tiện phóng Trung Quốc (CALT). Trường Chinh 9 sẽ là tên lửa ba tầng được cung cấp năng lượng nhờ một số động cơ methan đốt theo giai đoạn toàn vòng được gắn với tầng đầu tiên.
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng với kế hoạch, CALT cũng đặt mục tiêu chế tạo một phiên bản hai tầng của Trường Chinh 9 dành cho những nhiệm vụ lên quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO).
Điều này được coi là một sự chuyển hướng lớn so với kế hoạch trước đây của Trung Quốc nhằm chế tạo tên lửa Trường Chinh 9 chỉ dùng một lần với trang bị động cơ đẩy 500 tấn chạy bằng oxy lỏng và dầu kerosene.
Theo dự kiến ban đầu, mẫu tên lửa trên sẽ bay vào khoảng năm 2028 – 2030. Tuy nhiên, với phiên bản tên lửa Trường Chinh 9 giống với Starship sẽ mất thêm vài năm nữa để phát triển.
Trên thực tế, cả Trung Quốc và thế giới đều đang theo dõi sát sao quá trình phát triển của hệ thống phóng Starship có thể tái sử dụng hoàn toàn. Mặt khác, CATL mới đây cũng công bố kết quả video phân tích vụ phóng theo từng khung hình.
Đầu năm 2023, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng đã công bố một báo cáo nhấn mạnh rằng, châu Âu cần phải đầu tư thêm ngân sách vào ngành công nghiệp vũ trụ nếu không muốn bị tụt hậu.
Vậy, Trường Chinh 9 có mạnh hơn Starship?
Tên lửa Trường Chinh 9 của Trung Quốc. Ảnh: Sina
Khi so sánh Trường Chinh 9 và Starship, việc quan trọng nhất để so sánh là những con số có liên quan đến các mốc thời gian phát triển của từng hệ thống tên lửa.
Việc phóng Starship có thể đã bị trì hoàn nhiều lần nhưng thực tế SpaceX vẫn đang đi đầu và tạo ra những bước đột phá mới nhằm mang lại những khả năng chưa từng có cho ngành vũ trụ.
Mặc dù SpaceX có thể phải chờ đợi một thời gian trước khi được Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép cho việc thử nghiệm phóng lần thứ hai, nhưng công ty này đã sử dụng phương pháp "thất bại là mẹ của thành công" nhằm nhanh chóng cải tiến thiết kế của Starship.
Tên lửa Starship phát nổ trên bầu trời Texas không lâu sau khi rời khỏi bệ phóng vào ngày 20/4. Ảnh: SpaceX
Chính vì vậy, Starship được kỳ vọng sẽ sớm đưa phi hành đoàn vào không gian. Dù ngày phóng có thể thay đổi liên tục nhưng Starship đã nhận được đặt hàng cho sứ mệnh đặt chân tới Mặt Trăng vào cuối năm 2023, cũng như các cuộc đổ bộ lên hành tinh này trong sứ mệnh Artemis III của NASA vào năm 2025 hoặc năm 2026.
Trong khi đó, Trung Quốc lại hướng tới mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên của Trường Chinh 9 vào năm 2033. Tuy nhiên, quốc gia này sẽ tiến hành chế tạo một vài phiên bản và mẫu tên lửa đầu tiên sẽ chỉ có tầng thứ nhất có thể tái sử dụng được và chở 35 tấn tới quỹ đạo chuyển tiếp của Mặt Trăng.
Mặt khác, phiên bản tái sử dụng hoàn toàn của Trường Chinh 9 có thể cất cánh vào năm 2040. Phiên bản này có khả năng chở được 80 tấn tới LEO.
Trong khi đó, về tải trọng, Starship dự kiến sẽ chở được từ 100 – 150 tấn tới LEO khi nó đi vào hoạt động đầy đủ trong tương lai gần.
Theo các chuyên gia, phiên bản ban đầu của tên lửa Trường Chinh 9 sẽ cao 114 m và có khả năng tạo ra lực đẩy 6.100 tấn. Trong khi đó, hệ thống tên lửa Starship cao 120 m và tạo ra lực đẩy lên tới 7.590 tấn khi cất cánh. Sức mạnh của hệ thống phóng Starship vượt trội hơn Trường Chinh 9 một phần nhờ vào động cơ Raptor thế hệ mới. Cụ thể, tầng đầu tiên của Starship mang tên Super Heavy, có sử dụng 33 động cơ Raptor để tạo ra lực đẩy cực lớn.
Như vậy, rõ ràng, Starship của SpaceX đang có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với Trường Chinh 9.
Quyết định thay đổi thiết kế của Trường Chinh 9 có thể khiến Trung Quốc bị chậm kế hoạch phóng Trạm vũ trụ nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế nhằm cạnh tranh với dự án trạm Gateway của NASA. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phát triển tên lửa Trường Chinh 10, dự kiến có thể bay lần đầu vào năm 2027. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch với Trường Chinh 10, quốc gia này hy vọng có thể đưa một phi hành đoàn lên bề mặt Mặt Trăng vào trước năm 2030.
Bài viết tham khảo nguồn: SpaceX, Interesting Engineering