“Cuộc đua song mã” Nga, Mỹ tại thị trường vũ khí Ấn Độ

TUẤN SƠN (tổng hợp) |

Washington và New Delhi đang hoàn tất những giai đoạn cuối cùng của vòng đàm phán “2+2” cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao dự kiến diễn ra vào tháng 7-2018.

Giới chuyên gia đánh giá, Mỹ đang muốn thông qua vòng đàm phán trên gây sức ép với phía Ấn Độ liên quan tới việc New Delhi tiếp tục mở rộng quan hệ quốc phòng với Moscow sẽ gây tổn hại tới hợp tác với Washington. Thậm chí, Mỹ có thể xem xét áp đặt lệnh trừng phạt trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng với Ấn Độ.

Giới chuyên gia đánh giá, Mỹ đang muốn dùng quyền lực mềm để phá vỡ các hợp đồng vũ khí lớn giữa Nga và Ấn Độ.

Mỹ - đối tác quan trọng, nhưng không phải là nhất

Đánh giá về tiềm năng của vòng đàm phán "2+2" sắp tới giữa Mỹ và Ấn Độ, nhiều học giả Ấn Độ, cũng như quốc tế có chung nhận định, Nga vẫn đang là đối tác quốc phòng hàng đầu của quốc gia Nam Á này và Mỹ đang thử nhiều cách để phá vỡ mối liên kết này, trong đó có việc sử dụng sức mạnh của tiền tệ.

Vòng đàm phán "2+2" là hoạt động ngoại giao quân sự nối tiếp theo chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington. Trong chuyến thăm, Mỹ và Ấn Độ đã đạt nhiều thỏa thuận đột phá trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, trong đó đáng kể nhất là việc Mỹ sẵn sàng chia sẻ những công nghệ quân sự hiện đại nhất cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, phía Ấn Độ đánh giá, vòng đàm phán "2+2" đang bị lợi dụng để Mỹ gây sức ép lên quan hệ hợp tác quốc phòng truyền thống Nga, Ấn Độ.

“Cuộc đua song mã” Nga, Mỹ tại thị trường vũ khí Ấn Độ - Ảnh 1.

Ấn Độ đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội với xu hướng chủ đạo là đa dạng hóa nguồn cung trang bị, kỹ thuật quân sự từ các cường quốc, trong đó có Nga và Mỹ. Ảnh: Getty.

Điển hình nhất cho vấn đề này là những tuyên bố thiếu tính xây dựng của giới chức Mỹ. Cuối tháng 5-2018, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Mỹ, William Thornberry tuyên bố, hợp đồng mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf trị giá tới 6 tỷ USD giữa Ấn Độ và Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác giữa Washington và New Delhi:

"Cả chính phủ và Quốc hội Mỹ đều rất quan ngại về vấn đề này. Không chỉ có Ấn Độ, mà bất kỳ quốc gia nào muốn sở hữu S-400 đều có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực với phía Mỹ".

Tuy nhiên, phía Mỹ hiểu rõ tiềm năng to lớn trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng với Ấn Độ và không muốn phá hỏng nó.

"Chính quyền của Tổng thống Donald Trump không muốn làm tổn hại những thỏa thuận đã đạt được giữa Mỹ và Ấn Độ. Tuy nhiên, vấn đề này lại không do Washington quyết định, mà còn phụ thuộc vào giới lập pháp Mỹ", Giám đốc Viện phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, Ruslan Pukhov nhận định.

Hồi tháng 1-2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật CAATSA cho phép áp đặt lệnh trừng phạt các công ty nước ngoài có hợp tác với Nga, Iran và Triều Tiên trong lĩnh vực quốc phòng.

Theo đánh giá của chuyên gia Ruslan Pukhov, một trong vấn đề chính sẽ được phía Ấn Độ đưa ra trong vòng đàm phán "2+2" sắp tới là việc tại sao lại liên đới giữa việc New Delhi tăng cường sức mạnh phòng thủ quốc gia bằng S-400 lại có liên quan tới các vấn đề chính trị?

Tại sao việc này gây tổn hại tới quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn? Tại sao vấn đề lại được thổi phồng chỉ với S-400, mà không phải là PAC-3 Patriot của Mỹ?

Thực tế, việc Mỹ gây sức ép lên Ấn Độ liên quan tới hợp tác quốc phòng Nga-Ấn đã có từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề này gần đây lại một lần nữa được làm nóng sau cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi trong cuối tháng 5-2018.

Trong lần gặp gỡ này, hai nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về thỏa thuận cung cấp tổ hợp S-400 và hợp đồng sẽ được ký trong năm 2018. Ngay sau đó, phía Mỹ đã có phản ứng.

Ấn Độ cần Nga không chỉ vì vũ khí hiện đại

Đánh giá về những phản ứng của phía Mỹ liên quan tới hợp tác quốc phòng Nga-Ấn, Phó chủ tịch tổ chức Observer Research Foundation của Ấn Độ, Nandan Unnikrishnan nhận định, vòng đàm phán "2+2" sắp tới rất quan trọng với Ấn Độ, nhưng không vì thế mà New Delhi thay đổi chính sách nhất quán không nhượng bộ về các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia.

“Cuộc đua song mã” Nga, Mỹ tại thị trường vũ khí Ấn Độ - Ảnh 2.

S-400 chỉ là một điểm nhấn nhỏ trong bức tranh hợp tác quân sự, quốc phòng Nga-Ấn. Ảnh: Defense News.

Chuyên gia Nandan Unnikrishnan nhấn mạnh, khả năng Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt với Ấn Độ là rất thấp. Mặt khác, Ấn Độ vẫn cần Nga để duy trì và nâng cấp phần lớn trang bị, khí tài quân sự hiện có.

Không chỉ có thế, Ấn Độ cũng muốn sử dụng hợp tác quốc phòng Nga-Ấn để Moscow không xoay trục sang hợp tác với Pakistan. Nếu điều này xảy ra sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Ngoài ra, lời đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Bỏ qua những cảnh báo từ phía Mỹ, Indonesia vẫn quyết định mua máy bay chiến đấu Su-35 hay Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua S-400.

Không chỉ từ phía Ấn Độ, về vấn đề hợp tác quốc phòng Nga-Ấn chịu sức ép từ Mỹ, giới chức quốc phòng Nga cho rằng, hợp tác hai bên đã có truyền thống và hợp đồng cung cấp S-400 "đã được quyết định".

Khi các đối thủ của Ấn Độ đã có S-400, New Delhi cần loại vũ khí tương đương. Trong khi đó, tổ hợp Patriot của Mỹ lại không đáp ứng yêu cầu.

Moscow cho rằng, khả năng Mỹ gây ảnh hưởng lớn nhất tới quan hệ hợp tác quốc phòng Nga-Ấn là thông qua phương thức thanh toán.

Hiện tại, các hợp đồng quân sự giữa hai bên vẫn được thanh toán bằng USD và việc chuyển khoản thông qua các ngân hàng quốc tế có thể chịu sự ngăn cản từ phía Mỹ.

Đã có tiền lệ về việc hơn 2 tỷ USD tiền thanh toán các hợp đồng vũ khí với Nga của Ấn Độ đã bị "gây khó dễ" khi chuyển tới Moscow. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết khi hai bên chuyển sang thanh toán các hợp đồng quân sự bằng đồng rúp, rupee hay thông qua ngoại tệ trung gian là đồng tiền Singapore – SGD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại