Cuộc đua huy động tiền gửi ngày càng "nóng", lãi suất nhóm ngân hàng nhà nước còn vượt cả tư nhân

Diệp Trần |

Kỳ hạn 12 tháng đang là kỳ hạn mà các nhà băng có vốn nhà nước cạnh tranh quyết liệt nhất với ngân hàng tư. Thậm chí, với khoản tiền gửi nhỏ dưới 500 triệu, gửi các ngân hàng tư chưa chắc đã lợi bằng các "ông lớn".

Cuộc đua lãi suất các ngân hàng chưa có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng căng thẳng hơn về cuối năm. Bắt đầu từ những ngân hàng nhỏ trong nhóm tư nhân, đến những ngân hàng lớn hơn và bây giờ các các "ông lớn" cũng tích cực tham gia vào cuộc đua này. Cả 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đã tăng lãi suất. Có ngân hàng thậm chí còn tăng nhiều lần trong 3 tháng qua, tất nhiên, với mức tăng mỗi lần khá nhẹ, không mạnh tay như các nhà băng tư nhân.

Tuy nhiên, cho đến nay, mức lãi suất của nhóm ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước đã bước lên mặt bằng mới, thậm chí một số kỳ hạn còn nhỉnh hơn nhiều ngân hàng tư nhân khác.

Agribank mới đây đã điều chỉnh tăng tất cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, mức tăng khoảng 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của nhà băng này tăng từ mức 4,3%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,3% lên 5,5%/năm.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn dưới 3 tháng của Vietcombank cũng đã tăng 0,1 điểm phần trăm lên 4,4%/năm. Kỳ hạn 3 và 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 4,8%/năm và 5,5%/năm.

Trước 2 ngân hàng này, VietinBank và BIDV đã nhanh hơn trong cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động. Lãi suất của họ thậm chí còn cao hơn một số nhà băng khác ở nhiều kỳ hạn ngắn.

Chẳng hạn, ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất của Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank ở mức từ 4,4%-4,5%/năm, cao hơn LienVietPostBank khi chỉ ở mức 4,3%/năm. Tương tự kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của 4 "ông lớn" là 5,5%/năm, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với LienVietPostBank.

Trên thực tế, LienVietPostBank đang có nhiều lợi thế về mạng lưới điểm giao dịch rộng lớn (chỉ sau Agribank) nhờ tận dụng các điểm giao dịch bưu điện nên việc tiếp cận lượng khách hàng lớn ở vùng sâu vùng xa đã giúp nhà băng này không phải gặp nhiều áp lực trong huy động vốn, nhờ đó lãi suất duy trì ở mức thấp là điều dễ hiểu.

Kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng đang là kỳ hạn mà nhóm 4 ngân hàng vốn Nhà nước cạnh tranh gay gắt nhất với những nhà băng khác. Lãi suất của BIDV ở kỳ hạn 1 năm là 6,9%/năm, bằng Sacombank và cao hơn cả 4 ngân hàng ACB, Eximbank, Techcombank và LienVietPostBank. Vietcombank, Agribank, VietinBank cũng cạnh tranh gay gắt với 4 nhà băng này ở mức 6,8%/năm.

 Cuộc đua huy động tiền gửi ngày càng nóng, lãi suất nhóm ngân hàng nhà nước còn vượt cả tư nhân  - Ảnh 1.

Trên thực tế, với các khoản tiền khá nhỏ dưới 500 triệu, gửi tiết kiệm ở ngân hàng tư chưa hẳn đã lợi hơn so với các "ông lớn". Hiện nay, các ngân hàng cổ phần thường chia nhỏ các mức tiền gửi với các mức lãi suất khác nhau. Ở các khoản tiền tiết kiệm nhỏ, chẳng hạn như tại ACB dưới 200 triệu chỉ được hưởng mức lãi 6,5%/năm (kỳ hạn 1 năm), thấp hơn nhiều so với các ngân hàng có vốn Nhà nước.

Hay tại Techcombank, gửi tiền dưới 1 tỷ cũng chỉ được hưởng lãi suất 6,6%/năm; thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với Vietcombank, Agribank và VietinBank.

Lãi suất tiết kiệm đang là câu chuyện rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Điều này hẳn là tin vui với người gửi tiền song cũng dẫn tới nhiều lo ngại về biểu hiện của thanh khoản eo hẹp và khả năng kéo mặt bằng lãi suất cho vay lên cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều công ty chứng khoán cũng kỳ vọng rằng lãi suất sẽ còn tăng trong ngắn hạn, trước mắt là đầu năm 2019.

Chứng khoán Rồng Việt VDSC cho rằng, lãi suất trong nước sẽ bắt đầu tăng lên từ năm 2019 do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Rủi ro bên ngoài có thể kể đến như FED sẽ tiếp tục kiên định với lộ trình tăng lãi suất, NHTW Chậu Âu sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối năm 2018 trong khi NHTW Nhật Bản (BOJ) có thể xem xét lại mục tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Còn rủi ro nội tại đến từ việc lạm phát gia tăng mạnh mẽ tạo sức ép lớn trên lãi suất.

Một báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR cho rằng, nếu đồng USD tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, việc NHNN phải tiếp tục bán ra ngoại tệ hoặc nâng lãi suất để giữ giá đồng nội tệ có thể sẽ xảy ra, dẫn tới nhiều rủi ro cho khu vực doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại