Vương Dương Minh là nhà nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Trong hàng trăm năm, những suy nghĩ của Vương Dương Minh đã ảnh hưởng đến vô số người. "Truyện Tập Lục" được viết bởi các đệ tử của Vương Dương Minh, ở đó ghi lại các cuộc trò chuyện và thư từ hàng ngày giữa Vương Dương Minh và các học trò của mình. 4 đoạn hội thoại dưới đây sẽ giúp chúng ta phần nào lĩnh hội trí tuệ của các triết gia.
01
Về cảm xúc
Đệ tử hỏi: Cảm xúc không tốt, tức giận oán thù thì nên làm sao?
Vương Dương Minh đáp: thuận theo tự nhiên, đừng để cái chủ quan lấn át, có vậy tâm mới tĩnh.
Tức giận là cảm xúc bình thường, ai cũng đều sẽ có. Nhưng nếu cứ để mặc cảm xúc phát tiết, rất dễ gây ra những tổn thương không thể khắc phục.
Phương pháp mà Vương Dương Minh đưa ra là: bỏ đi cái chủ quan, cố gắng đừng để mình bị cảm xúc nuốt chửng.
Nhìn vấn đề từ góc độ của một người ngoài cuộc, cảm xúc khi đó sẽ yếu đi rất nhiều. Sau khi Mạc Ngôn (nhà văn người Trung Quốc xuất thân từ nông dân, ông đã từng được thế giới biết đến với tác phẩm Cao lương đỏ đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Bộ phim đã được giải Gấu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 1988) giành được giải thưởng, nhiều người đã tấn công ông.
Nhưng Mạc Ngôn không hề để ý. Ông nói: "Người họ mắng không phải tôi, mà là nhà văn "Mạc Ngôn" trong mắt mọi người. Tôi và mọi người cùng nhau quan sát ông "Mạc Ngôn" này."
Sự lạc quan và cách tiếp cận vấn đề từ góc nhìn của một người ngoài cuộc cho phép ông sống một cuộc sống thoải mái và không bị gò bó bất chấp mọi lời gièm pha.
Hãy học cách đứng sang một bên, để bản thân nhảy ra khỏi vấn đề, cuộc sống của bạn mới không bị cảm xúc hay cơn giận dữ chi phối.
02
Về công việc
Học trò nói: Tiên sinh rất thông thái, nhưng bình thường công việc quá bận rộn, không có thời gian học hành, vậy thì phải làm sao?
Vương Dương Minh đáp: Học hành không thể tách rời công việc, mài dũa từ trong công việc mới thực sự là học hành. Nếu thoát ly thực tế, vậy thì mài dũa hay học hành đều chỉ là vô ích.
Nhắc tới công việc, có lẽ nhiều người sẽ chỉ nhớ tới sự nhàm chán, máy móc, mệt mỏi. Nhưng Vương Dương Minh lại cho rằng: công việc chính là sự mài dũa tốt nhất. Biến những phiền não gặp được trong công việc thành cơ hội để mài luyện tâm tính của bản thân.
Coi sự lười biếng trong công việc như một bài kiểm tra để thay đổi thái độ.
Coi sự tức giận và bất bình tại nơi làm việc như cơ hội để rèn luyện cơ bắp cảm xúc, sự kiên nhẫn.
Kazuo Inamori cho rằng: mài dũa trong công việc là cách quan trọng và hiệu quả nhất giúp chúng ta cải thiện tâm trí và bồi dưỡng nhân cách.
Làm việc với tư duy cầu tiến, tâm thái trưởng thành mới là sự tu hành tốt nhất của mỗi người.
03
Về làm việc
Học trò nói: Trước khi làm một việc gì đó, cảm thấy suy nghĩ của bản thân rất rõ ràng, lập kế hoạch rất tốt, nhưng sau khi bắt đầu làm, bỗng thấy mọi việc rất khác với những gì đã nghĩ.
Vương Dương Minh đáp: Chỉ tĩnh tâm mà suy nghĩ là không đủ, rèn luyện bản thân thông qua sự việc, có như vậy mới có thể làm mọi việc một cách chậm rãi và chắc chắn.
Học đi đôi với hành.
Một người học được rất nhiều kỹ năng bơi lội nhưng luôn đứng trên bờ sẽ không bao giờ biết bơi.
Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người rơi vào tình cảnh nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Nghĩ, rất đơn giản nhưng khi thực hiện mới thấy không phải như vậy chút nào. Suy cho cùng thì lý thuyết và thực hành là khác nhau, trong quá trình suy nghĩ, hãy không ngừng thực hành. Tri hành hợp nhất, lấy hành động để điều chỉnh nhận thức, dùng nhận thức để điều chỉnh hành động. Bổ sung cho nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Có như vậy mới thực sự có thể biến suy nghĩ trở thành hiện thực.
04
Về đọc sách
Đệ tử hỏi: Đọc sách nhưng không hiểu, trò phải làm sao?
Vương Dương Minh đáp: Phàm là những chuyện không thể hiểu được, hãy nhìn lại và cảm nhận từ chính bản thân.
Một CEO nói rằng đọc sách có hai phương thức.
Người không biết đọc sách xem sách là núi, khi đi leo núi, điều họ quan tâm trong quá trình đó là, tôi leo được tới đâu của quả núi này.
Những người như vậy dù có đọc được bao nhiêu sách đi chăng nữa, cũng khó có thể biến tri thức trong sách thành chất dinh dưỡng cho mình.
Người biết đọc sách lại xem mình là núi, dùng sách để "leo lên" bản thân. Dùng ngọn đuốc trong sách để soi rọi bản thân, khám phá bản thân, và thắp sáng chính mình.
Điều mà Vương Dương Minh muốn nói tới là loại thứ hai.
Khi chúng ta tìm thấy trong cuốn sách một điều gì đó chạm tới trái tim mình, thì cuốn sách mới thực sự trở thành máu thịt của chính chúng ta.
Sách khi đó mới có thể trở thành ngọn hải đăng soi sáng bản thân và là chuyến đò đưa ta tới tương lai.
Lời kết,
Đường đời rất dài, và mỗi người đều có một con đường riêng.
Cuộc đối thoại giữa Vương Dương Minh và các học trò của mình tuy đã xảy ra cách đây năm trăm năm, nhưng tới tận ngày nay vẫn tồn tại rất nhiều ý nghĩa. Mong rằng bạn sẽ tìm được gợi ý nào đó cho các vấn đề đang gặp phải trong cuộc sống thông qua bài viết này.