Cuộc đời thầy Nguyễn Ngọc Ký - nhà giáo Việt Nam đầu tiên dùng chân để viết

VY VY |

Thầy Nguyễn Ngọc Ký - nhà giáo ưu tú Việt Nam vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân - qua đời lúc 2h05 ngày 28/9, hưởng thọ 76 tuổi. Cả cuộc đời mình, thầy giáo Ký đã viết lên những câu chuyện có sức hút lạ kỳ, truyền lửa cho nhiều thế hệ học sinh.

Cuộc đời thầy Nguyễn Ngọc Ký - nhà giáo Việt Nam đầu tiên dùng chân để viết - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Từ nhỏ, số phận đã không mỉm cười với thầy Nguyễn Ngọc Ký. Cơn sốt ác tính năm lên 4 tuổi cướp đi đôi tay của cậu bé Ký. Nhưng với tinh thần hiếu học và khát khao hòa nhập cùng bạn bè trang lứa, cậu bé Ký khi ấy vẫn quyết tâm đến trường và tập viết bằng chân. Sau 2 năm học vỡ lòng cùng quá trình khổ luyện, cậu mới dần quen với việc viết bằng chân.

Năm lên 9 tuổi, cậu vào lớp 1 (theo chương trình giáo dục hệ 10 năm ở miền Bắc trước đây). Đến năm lớp 7, cậu đoạt giải năm cuộc thi giỏi toán toàn miền Bắc lúc đó.

Trong hai năm liên tiếp (1962 - 1963), Nguyễn Ngọc Ký vinh dự được Bác Hồ hai lần tặng thưởng huy hiệu. Không những vậy, cậu còn luôn là học sinh giỏi ở cấp I, cấp II, cấp III.

Bước vào cấp ba, cậu bị hút hồn bởi nhân vật Paven Coocsaghin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, hiện thân của tác giả Nikolai A.Ostrovsky, nên đã chuyển mộng từ toán qua văn chương.

Từ năm 1966 đến 1970, Nguyễn Ngọc Ký học Ngữ văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giảng viên. Năm 1992, ông nhận danh hiệu "Nhà giáo ưu tú".

Từ năm 1994, ông chuyển vào sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM và từ đó đến năm 2005, ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên cấp 2, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết".

Với việc viết lách, thầy Ký tự nhận đây cũng là sự nghiệp gian khổ. Bắt đầu từ năm học lớp 8 cho đến hết lớp 10, ông đã viết hàng trăm bài thơ, bài văn nhưng không có báo nào đăng.

Mãi đến khi bước vào đại học năm thứ nhất, bài thơ đầu tiên của ông là Núi bắt phi công mới được đăng. Ông vô cùng sung sướng, bắt đầu đặt bút viết quyển tự truyện đầu tiên mang tên Những năm tháng không quên, sau này đổi tên thành Tôi đi học.

Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho vào những trang sách giáo khoa như một lời động viên, khích lệ rằng mỗi người cần có ý chí nghị lực, quyết tâm cũng như hãy tin vào chính mình.

Ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. Không những thế, thầy Ký còn miệt mài tham gia vào các hoạt động khác của đời sống, như các chương trình từ thiện, các cuộc nói chuyện với học sinh sinh viên trên mọi miền Tổ quốc, và là tư vấn viên tổng đài 1080.

Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương "Hạt giống tâm hồn" của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm Hội nghị White Palace (Thành phố Hồ Chí Minh).

Cuộc đời thầy giáo Ký đã được ghi lại trong 3 cuốn hồi ký nổi tiếng: Tôi đi học (1970), Tôi học đại học (2013) và Tâm huyết trao đời (2017). Ông đã xuất bản hơn 30 đầu sách, ấn hành và tái bản nhiều lần cuốn tự truyện đầu tiên Tôi đi học. Thầy Ký cũng đã sáng tác 1.500 câu thơ đố, bài thơ đố in thành 16 tập. Cùng với đó là xuất bản sách chuyên đề Giáo dục với những vấn đề tâm huyết cho nền giáo dục nước nhà.

Theo thông tin từ gia đình, sau hơn 29 năm chiến đấu với bệnh suy thận, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký từ trần tại nhà riêng. Tang lễ của ông được tổ chức ở nhà riêng tại phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, TP.HCM từ 8h sáng ngày 28/9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại