Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương (1931 - 2011) tại Bình Định.
Ông là điển hình cho nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của dân tộc, một nền văn học nghệ thuật toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc và của Nhân dân.
Hội Thảo “Cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương”.
Sinh thời, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương là một cán bộ văn hóa khiêm nhường, một nghệ sĩ đa tài lặng lẽ sống ở mảnh đất Bình Trị Thiên gần như trọn đời qua hai cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Cả cuộc đời cống hiến cho Đất nước, ông đã để lại cho thế hệ sau một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm: 128 ca khúc, gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới, 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài, dân ca kịch tới tiểu phẩm sân khấu và 6 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian, tiêu biểu trong đó phải kể đến tuyển tập tác phẩm đồ sộ mang tên “Rừng hát” của ông do NXB Văn học công bố năm 2015 với gần 1400 trang.
Phát biểu tại hội thảo, con trai của Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương, ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên TƯ Đảng, Phó ban Tuyên Giáo TƯ, Bộ trưởng Bộ Thông Tin & Tuyền thông chia sẻ: "Khi bắt đầu công tác tại mặt trận nghệ thuật, bố tôi luôn tâm niệm một câu nói của Bác Hồ: “Văn hóa là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, cây bút trang giấy chính là vũ khí chiến đấu”, và vì vậy trong các tác phẩm của ông đều dành trọn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc.
Ông hoạt động trong những năm tháng ác liệt nhất ở vùng đất Bình Trị Thiên đầy bom đạn, có lúc tưởng chừng như đã hi sinh, nhưng trong lòng ông luôn luôn động viên gia đình sao cho bản thân mình có thể an tâm công tác phục vụ đất nước.
Ngày hôm nay, có mặt tại đây, với tư cách là con trai của ông, tôi hết sức xúc động và muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới BTC cuộc hội thảo, cùng toàn bộ cán bộ, anh chị em nghệ sĩ đã tưởng nhớ và có một buổi tri ân đầy ý nghĩa này tới bố tôi”.
Hội thảo Cuộc đời, sự nghiệp nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương diễn ra đúng vào khoảng thời gian kỉ niệm 85 năm ngày sinh và 5 năm ngày mất của ông.
Với sự nghiệp hoạt động nghệ thuật cách mạng của mình, ông đã được trao “giải thưởng Đào Tấn – một giải thưởng danh giá cho những cá nhân có những thành tựu trong việc phát huy và gìn giữ văn hóa dân tộc Việt Nam” ngay tại buổi hội thảo.
“Nhạc sĩ - Nhà viết kịch Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình.
Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…”, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ.
Buổi tối trước ngày đám cưới, Trấn Thành vẫn tất bật chạy show