Nữ hoàng bình dị nhất châu Âu
Nữ hoàng Margrethe Alexandrine Þórhildur Ingrid sinh ngày 16 tháng 4 năm 1940, là con gái đầu lòng của Vua Frederick IX và Hoàng hậu Ingrid. Bà có hai người em gái là Công chúa Benedikte và Công chúa Anne-Marie.
Luật lệ hoàng gia Đan Mạch khi ấy không cho phép vua truyền ngôi cho con gái, và người em trai của vua, Hoàng tử Knud, được dự đoán sẽ lên kế vị.
Tuy nhiên, trong thời gian đương nhiệm của mình, Vua Frederick IX đã chủ động thay đổi luật kế vị. Sau nhiều trở ngại, luật lệ mới được thông qua, và Công chúa Margrethe chính thức được ghi nhận là người nối ngôi vào năm 1953.
Công chúa Margrethe (giữa) từng là một giai nhân khi còn trẻ.
Công chúa Margrethe sớm được vua cha đào tạo để trở thành người nắm giữ ngôi vị trong tương lai. Công chúa theo học tại trường N. Zahle ở Copenhagen, tốt nghiệp năm 1959.
Bà theo học nhiều trường Đại học trong những năm 60, gồm ngành nghiên cứu khảo cổ học thời tiền sử tại Đại học Girton, Cambridge, ngành khoa học chính trị tại Đại học Aarhus, Đại học Sorbonne và Trường Kinh tế London.
Năm 1972, Margrethe chính thức trở thành Nữ hoàng Đan Mạch. Khẩu hiệu của Nữ hoàng là: "Biết ơn Chúa và gìn giữ tình yêu của nhân dân, đó là sức mạnh của Đan Mạch."
Bà luôn xem trọng phúc lợi của dân chúng, lắng nghe và gần gũi họ. Đan Mạch thường được ca ngợi là quốc gia bình yên và có chỉ số hạnh phúc gần như cao nhất thế giới.
Nữ hoàng trẻ tuổi ra mắt công chúng
Hoàng gia Đan Mạch có thu nhập khiêm tốn hơn nhiều nước châu Âu khác. Cung điện chỉ có hơn 100 nhân viên phục vụ, không có cả vệ binh. Bản thân Nữ hoàng Margrethe cũng có lối sống cực kì giản dị và bình dân.
Bà tự thân đi chợ mua đồ, đi máy bay hạng phổ thông, tự thiết kế quần áo cho mình. Người dân bình thường nếu có mong muốn đều có thể đăng kí để gặp mặt, trao đổi với Nữ hoàng. Chính phong thái gần gũi này khiến bà hết sức được lòng người dân của mình.
Nữ hoàng có sở thích tự thiết kế trang phục cho mình
Thay vì dành thời gian vào các buổi tiệc tùng hay những nghi lễ phô trương, rườm rà như nhiều gia đình hoàng gia khác, nữ hoàng tham gia vào nhiều hoạt động xã hội như một công dân bình thường.
Bà là dịch giả và là người vẽ minh họa cho tác phẩm "Chúa tể những chiếc nhẫn" phiên bản Đan Mạch. Bà cũng thiết kế trang phục cho nhiều buổi biểu diễn sân khấu và sáng tác nhiều tác phẩm hội họa.
Bà luôn khiêm nhường vả dễ mến trong mắt người dân
Câu chuyện tình yêu đáng ngưỡng mộ
Trong một bữa tiệc mùa xuân năm 1965, khi đang theo học tại Trường Kinh tế London, Công chúa Margrethe gặp gỡ một nhà ngoại giao Pháp trẻ tuổi, người đang làm thư ký Đại sứ quán Pháp - Henri de Monpezat.
Rất lâu sau này, Nữ hoàng vẫn bồi hồi khi nhớ về chuyện cũ: "Khi ấy tôi không chú ý nhiều đến Henri, ngoài việc anh ấy rất dễ mến. Chúng tôi chỉ là những người vô tình gặp gỡ, và tôi tin rằng anh ấy là người để mắt đến tôi trước, chứ không phải ngược lại".
Nàng công chúa xinh đẹp đã phải lòng chàng nhân viên ngoại giao phong độ
Tuy vậy phải mãi đến một năm sau, hai người mới có dịp gặp lại nhau trong một đám cưới ở Scotland, và đây có vẻ là bước tiến triển đáng kể.
Họ gặp lại nhau trên đường về London và đi ăn tối tại câu lạc bộ Four Hundred. Lúc này, Công chúa Margrethe mới chịu thừa nhận rằng, mình đã phải lòng chàng trai này.
Họ hẹn hò suốt mùa thu năm đó, và đính ước vào tháng 10 năm 1966. Ngày 10 tháng 6 năm 1967, lễ cưới được tổ chức tại Holmens Kirke, Đan Mạch. Henri de Monpezat đã phải từ bỏ rất nhiều thứ, bao gồm sự nghiệp, ngôn ngữ và cả quốc tịch để đến với tình yêu của mình.
Ông cũng tạm biệt tên Pháp Henri của mình để trở thành Hoàng thân Henrik của Đan Mạch, sau khi Nữ hoàng lên ngôi vào năm 1972.
Để đến được với nhau, cả hai người đã phải hi sinh nhiều thứ
Họ đã có một cuộc hôn nhân lâu dài và viên mãn, cho đến khi Hoàng thân Henrik qua đời ở tuổi 83. Trước khi mất, ông còn căn dặn người làm trong hoàng cung dành tặng nữ hoàng một vườn hoa nhân tạo thật đẹp. Ông cũng để lại bài thơ do chính mình viết tặng vợ:
"Anh từ đất nước đầy hoa, bước đến khu vườn này: Những đóa hoa tường vy, hoa mimosa, hoa cúc hoàng điệp và hoa dã quỳ tím mọc ở khắp nơi, trong công viên, bãi cỏ, ven rừng và quanh bờ đê. Nhưng em, em là đóa hoa rạng ngời nhất trong vườn hoa kia."
Lúc nào người ta cũng thấy hai người quấn quýt bên nhau
Những lời trong bài thơ làm Nữ hoàng vô cùng xúc động. Từ ngày tóc xanh đến khi đầu bạc, từ lúc còn vui vầy đến khi cái chết chia xa, chuyện tình của hai người vẫn luôn là niềm ngưỡng mộ đối với người dân đất nước này.
Nguồn: Tổng hợp từ The Guardian, Royal Central và một số nguồn khác