Nghệ sĩ Mạnh Tràng sinh năm 1966 tại Long An. Năm 1986, ông lên Sài Gòn theo học trường Nghệ thuật Sân khấu 2 nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM và tốt nghiệp năm 1990.
Vì không có vóc dáng cao và gương mặt đẹp nên ngay từ lúc học diễn viên, nhiều đồng nghiệp đã khuyên Mạnh Tràng làm nghề khác. Dù một thời gian dài lận đận nhưng Mạnh Tràng vẫn kiên trì bám trụ với nghề.
Nhớ về những năm tháng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp trường sân khấu, nghệ sĩ Mạnh Tràng từng chia sẻ rằng, để có cơm ăn, ông phải làm công việc vá xe đạp ở lề đường.
Nhờ sự giúp đỡ của đạo diễn Hữu Luân mà Mạnh Tràng được quay trở lại sân khấu kịch và khởi điểm lập nhóm hài Tuổi Đôi Mươi cùng nghệ sĩ Hoàng Sơn, Phước Sang, Mai Dũng…
Nghệ sĩ Mạnh Tràng trên sân khấu.
Với niềm đam mê diễn xuất, Mạnh Tràng đã biến những điểm bất lợi về hình thể thành ưu thế trên sân khấu. Mạnh Tràng cũng không ngừng học hỏi, không ngừng trau dồi nghề nghiệp, học hỏi từ các đàn anh đàn chị đi trước thậm chí cả những lứa diễn viên trẻ sau này để làm "tươi mới" bản thân trong từng vai diễn.
Từ một anh chàng có ngoại hình kém hấp dẫn, Mạnh Tràng dần khẳng định tài năng và cá tính riêng qua nhiều vở diễn ở sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng và sau này là Sân khấu kịch Sài Gòn.
Trong sự nghiệp của mình, Mạnh Tràng để lại dấu ấn qua nhiều vai diễn như: Hồn ma báo oán, Hồn trinh nữ, Ác báo, Tử hình, Cứu em, Tỷ phú, Quỷ ám, Ai điên?, Lặng lẽ khóc cười, Quả bom điếc, Bến đục bến trong, Tứ quái huynh đệ, Ông già nhiều con…
Bên cạnh đó, Mạnh Tràng còn tham gia nhiều phim truyền hình, điện ảnh như: Xóm nước đen, Kỳ phùng địch thủ, Thẩm mỹ viện, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Kỳ phùng địch thủ, Hello cô Ba…
Tấn Beo, Mạnh Tràng và Phương Bình trong ngày cưới của con trai Mạnh Tràng.
Nghệ sĩ Mạnh Tràng tiếp quản Sân khấu Kịch Sài Gòn từ ông bầu Phước Sang. Gần 10 năm gắn với sân khấu, dù trong người mang bệnh nan y phải điều trị dài hạn, dù bệnh tật tàn phá cơ thể, sức khỏe suy giảm nhưng chưa bao giờ, Mạnh Tràng rời sàn diễn.
Ngay cả khi bệnh trở nặng, nghệ sĩ Mạnh Tràng vẫn gắng gượng với những vai diễn cuối đời. Niềm đam mê diễn xuất, sự tận tâm của ông với Sân khấu kịch Sài Gòn khiến nhiều người kính nể và trân trọng, trong đó có cả những khán giả của sân khấu này. Họ biết anh bệnh nên sau những suất diễn, họ vào hậu trường thăm hỏi, động viên.
Sự hy sinh của ông với nghệ thuật cũng được đồng nghiệp và nhà nước ghi nhận, vinh danh. Ông từng đoạt giải Mai Vàng năm 2008, Huy chương vàng liên hoan kịch nói toàn quốc 2012 và 2015.
Mạnh Tràng (bên trái) và đồng nghiệp.
Ngày 7/1/2019, nghệ sĩ Mạnh Tràng qua đời vì ung thư gan khi mới 53 tuổi. Sự ra đi của nghệ sĩ Mạnh Tràng khiến nhiều người thương xót. Tang lễ của nghệ sĩ hài Mạnh Tràng được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm, sau đó được hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Cùng năm, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho cố nghệ sĩ Mạnh Tràng, ghi nhận những đóng góp, cống hiến của nam nghệ sĩ cho nền nghệ thuật nước nhà.