Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro

Mai Hương |

Cuộc đời của Marita Lorenz giống như một cuốn phim dài kỳ đầy kịch tính, lôi cuốn và nghẹt thở.

Marita Lorenz - người phụ nữ với dòng máu điệp viên chảy sẵn trong cơ thể đã có những mối nhân duyên trời định với 2 nhân vật đình đám nhất thế kỷ: Lãnh tụ Cuba Fidel Castro và nhà độc tài Venezuela Marcos Pérez Jiménez.

Trong cuốn hồi ký của chính Marita Lorenz với tựa đề: Người điệp viên yêu Castro: Tôi đã được CIA tuyển mộ để ám sát Fidel Castro như thế nào? xuất bản năm 2017, bà đã kể câu chuyện của

đời mình từ khoảnh khắc biết yêu thuở 19, kế hoạch ám sát hụt và nghi án về cái chết của tổng thống Mỹ F.Kennedy.

1. Cuộc gặp gỡ định mệnh và tình yêu sét đánh với lãnh tụ Fidel Castro

Bà Marita Lorenz sinh ngày 18 tháng 8 năm 1939 ở Bremen (Đức). Cha là Heinrich Lorenz - một thuyền trưởng người Mỹ gốc Đức, mẹ bà - Alice Lofland là một phụ nữ người Mỹ.

Sau thế chiến II, cha bà bị buộc tham gia hải quân, làm chỉ huy một đội tàu còn mẹ bà làm việc cho tình báo Anh. Năm 1944, bà Alice bị bắt vào trại tập trung Bergen-Belsen đầy ác mộng cùng con gái Marita.

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 1.

Trại tập trung Bergen-Belsen với những xác tù nhân chất thành đống mỗi ngày (Ảnh: The Tico Times).

Chính tại nơi đây Marita đã bị một lính Mỹ cưỡng bức khi vừa tròn 7 tuổi.

Ký ức kinh hoàng về những thi thể tù nhân ở trại tập trung, đặc biệt là lần xâm hại tình dục thuở nhỏ đã tạo một rào cản tâm lý tưởng chừng như không thể xóa nhòa giữa bà và người khác giới (theo Ann Louise Bardach, Vanity Fair).

"Tôi biết mình đã lạc trong tình yêu…"

Năm 1959, khi Marita 19 tuổi, bà đã đến Havana trên tàu MS Berlin do chính cha làm thuyền trưởng. Tháng 2 năm đó, bà gặp Fidel Castro - vị Chủ tịch kiêm tổng tư lệnh đất nước Cuba 33 tuổi khi ấy cũng có mặt trong buổi gặp gỡ.

Ông đã vô cùng ấn tượng với cô con gái thuyền trưởng tàu MS Berlin đầy quyến rũ và yêu kiều. Marita cũng không ngoại lệ: "Ông ấy 32 tuổi, đôi mắt sáng ngời tinh anh. Trong khoảnh khắc đó, tôi biết mình đã bị lạc trong tình yêu".

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 2.

Marita Lorenz và người cha thuyền trưởng trong lần gặp gỡ Fidel Castro (Ảnh: Mirroruk).

Khi cả hai nhận ra những xúc cảm ban đầu dành cho nhau thì Lorenz phải trở về New York. Những ngày sau đó, cô liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ Fidel đề nghị cô hãy quay lại Cuba. Với trái tim lần đầu biết rung động vì yêu, Marita đã đồng ý.

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 3.

Cả 2 người đã say đắm nhau từ những phút giây đầu tiên (Ảnh: Movie Pilot).

Bà Marita xúc động nhớ lại: "Tôi chẳng thể nào quên thời khắc đó, một gương mặt bảnh trai, nam tính, nụ cười quyến rũ chết người. Anh ấy tự giới thiệu bằng tiếng Anh: "Tôi là bác sĩ Castro, Fidel. Tôi là người Cuba".

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 4.

Thật khó cưỡng lại nhan sắc ngọt ngào đầy quyến rũ của Marita ở thời điểm 19 tuổi (Ảnh: The Times).

"Tôi giới thiệu con tàu cho Fidel. Tay Fidel chạm vào tay tôi, tôi có cảm giác như có một luồng điện mạnh từ anh ấy truyền khắp cơ thể. Tôi chỉ cho anh khoang ngủ của tôi.

Tôi mở cửa, anh ấy nắm tay tôi trong bàn tay chắc nịch và đẩy tôi vào bên trong. Chẳng có lời lẽ sáo rỗng, cũng không có nghi lễ nào, anh ấy ôm chầm lấy tôi và hôn tôi say đắm. Tôi như rơi vào trong mật ngọt tình yêu vậy".

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 5.

Nồng nhiệt, quyến rũ và hết mình - Đó là tình yêu thuần khiết của Marita dành cho Fidel (Ảnh: Tribunnews).

Tình yêu đến như một cơn lốc khiến cả 2 đều đê mê và đắm chìm. Không thể chịu đựng cảm giác phải xa nhau, Marita chuyển tới sống với Fidel Castro ở Cuba vào tháng 3 năm 1959.

Lúc đó bà đang là một nữ sinh 19 tuổi, còn Fidel ở tuổi 32. "Khi đó, tôi cảm giác mình như là một nữ hoàng vậy".

Có thể nói, cuộc gặp gỡ trên tàu đã đem đến nhân duyên trời định cho Marita Lorenz và Fidel Castro. Với trái tim nồng nhiệt của những kẻ đang yêu, họ chẳng có lý do gì để từ chối!

2. Trò đùa số phận và cuộc ám sát bất thành

Tháng 5 năm 1959, sau khi chung sống với Fidel 3 tháng thì Marita mang thai. Khi bà thông báo tin mừng cho Fidel, ông tỏ ra rất ngạc nhiên và trở nên trầm tư lạ kỳ. Một ngày sau, Marita đã uống một ly sữa mà ngay lập tức, cơ thể bà trở nên bất thường.

"Tôi cảm thấy người lừ đừ, mê man. Tai tôi vang lên các giọng nói nào đó. Tôi mang máng nhớ ra rằng mình nằm trên một cái cáng và nước mắt cứ lã chã rơi".

Khi tỉnh dậy, bà biết mình đã mất con nhưng không thể nhớ nó đã xảy ra như thế nào. Trong thâm tâm, bà nghĩ rằng Fidel đã đứng sau chuyện này và dần nuôi một nỗi căm hận về ông.

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 6.

Con gái bà Marita khi nói về cuộc tình lịch sử của mẹ trong cuốn tự truyện của mình (Ảnh: Vanity Fair).

Mật vụ Mỹ nhanh chóng "đánh hơi" được chuyện buồn của Marita và bà được mời đến một khách sạn. Vô tình thay, bà Marita trở thành món quà đắt giá của người mật vụ Mỹ này.

Marita Lorenz - Một phụ nữ bị tổn thương tình cảm, lòng tràn đầy thù hận, giận dữ đã tham gia một âm mưu của CIA nhằm chống lại Fidel. Năm 1961, họ thuyết phục Marita thực hiện kế hoạch này.

"Chúa muốn cô ám sát Castro"

Trong mắt CIA, cô gái trẻ trung, biết nhiều thứ tiếng và đã từng quen biết ông Fidel Castro là ứng viên hoàn hảo cho nhiệm vụ ám sát nhà lãnh tụ Cuba. Lorenz bắt đầu phải trải qua những đợt huấn luyện lẫn tẩy não cực kỳ khắc nghiệt.

Theo hồi ký của con gái bà, CIA đã khống chế trí não mẹ bà bằng cách liên tục cho uống thuốc ảo giác, không cho ngủ và dùng âm thanh, hình ảnh để ám thị. "Họ phát đi phát lại câu "Chúa muốn cô giết Castro" và họ nghĩ rằng đã tạo ra được một sát thủ hoàn hảo".

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 7.

Marita Lorenz trở thành mục tiêu hoàn hảo của CIA để chống lại Fidel Castro (Ảnh: Movie Pilot).

Trong cuốn hồi ký của mình, bà Marita nhớ lại: "Họ thuyết phục tôi sử dụng 2 viên thuốc độc, kế hoạch ám sát mà họ nói là nó ‘thích hợp cho một phụ nữ’.

Nhiệm vụ họ giao cho tôi là cố gắng cho viên thuốc độc vào trong thức ăn hay đồ uống của Fidel. Tôi hết sức lo lắng vì có thể bị phát giác. Vì thế, để qua mặt lực lượng an ninh Cuba, tôi đã bọc viên thuốc và giấu trong lọ kem dưỡng da".

"Ông ấy vẫn yêu tôi và tôi vẫn yêu ông ấy".

Trở lại để gặp Fidel Castro lần cuối. "Tôi đã cố gắng thả viên thuốc vào trong cốc nhưng nó dính vào ngón tay. Tôi hoang mang sợ hãi nên lại cố gắng chạy đi vứt nó vào trong nhà vệ sinh, đang loay hoay thì Fidel bước vào". Rất nhanh chóng, ông hiểu được Marita đang có ý định ám sát mình.

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 8.

Ánh nhìn thấu tâm can của Fidel khiến bà rất sợ hãi: "Ông ấy rút khẩu súng ra khỏi bao. Tôi đã nghĩ ông ấy sẽ bắn tôi, nhưng ông ấy chỉ đưa khẩu súng cho tôi và nói: "Em tới đây để định giết tôi à?". "Sau đó ông ấy rút một điếu xì gà ra hút và nhắm mắt lại.

Tình huống bỗng trở nên nằm ngoài kế hoạch. Tôi chắc chắn ông ấy đã bị tổn thương, thậm chí bị xúc phạm, nhưng sau cùng ông ấy biết tôi sẽ không làm gì hại ông ấy thêm nữa".

3. Trở thành vợ nhà độc tài và nghi án ám sát tổng thống Mỹ F.Kennedy

Sau khi kế hoạch ám sát người mình yêu không thành, Lorenz quyết định rời xa Cuba và không bao giờ gặp lại Castro nữa.

Vợ của nhà độc tài Venezuela

Tháng 3.1961, Marita nhận lệnh tiếp cận nhà độc tài Marcos Pérez Jiménez của Venezuela (1914 - 2001), lúc đó đang sống lưu vong tại Florida.

Nhiệm vụ của bà là quyến rũ và dụ dỗ ông Jiménez đổ tiền tài trợ cho các nhóm chống Cộng tại Trung và Nam Mỹ. Như một lẽ tất nhiên, từ điệp viên, bà trở thành vợ và có với ông 1 cô con gái.

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 9.

Marita Lorenz và Marcos Pérez Jiménez (Ảnh: The Tico Times).

Tuy nhiên, những rắc rối về chính trị không buông tha Marita. Con gái Marita - Monica Jiménez trả lời tờ The Tico Times hồi tháng 10 vừa qua: “Năm 1964, 2 mẹ con bất ngờ được mời đến Venezuela thăm ông Jiménez đang ngồi tù bằng một máy bay cỡ nhỏ.

Điều họ không thể ngờ là chiếc máy bay bất ngờ hạ cánh giữa rừng rậm Amazon và viên phi công ép cả 2 rời khỏi máy bay. Đây được cho là âm mưu giết hại do những xung đột về mâu thuẫn lợi ích của người chồng, người cha."

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 10.

2 mẹ con Marita Lorenz và Monica Mercedes Pérez Jiménez (Ảnh: The Tico Times).

"Lúc đó tôi mới gần 2 tuổi nhưng còn nhớ rõ xung quanh mình chỉ toàn một màu xanh. Tôi ôm chân mẹ và cảm nhận được rằng bà cũng đang run như cầy sấy", Jiménez - Con gái của Marita kể lại.

Nghi án ám sát tổng thống Mỹ

Ngày 18.11.1963, Lorenz cùng Sturgis, Ozzie và Pedro Diaz Lanz, từng là Tư lệnh Không quân cách mạng Cuba nhưng đào tẩu đến Mỹ vào cuối năm 1959, lái xe xuyên đêm từ Miami đến Dallas.

"Chúng tôi mang theo súng trường và ống nhòm. Sturgis không cho biết rõ về nhiệm vụ mà chỉ nói một đám đàn ông đi với nhau sẽ gây nghi ngờ nên cần có phụ nữ đi theo", Lorenz kể trong cuốn tự truyện.

Hai ngày sau, cả thế giới chấn động khi Tổng thống Kennedy bị bắn chết.

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 11.

Bà Marita Lorenz lên tiếng về nghi án ám sát tổng thống Mỹ năm 1977 (Ảnh: Movie Pilot).

Trả lời phỏng vấn tờ New York Post vào năm 1977, kẻ cùng nhóm là Sturgis đã cáo buộc ngược rằng Lorenz "bị các gián điệp Liên Xô dụ dỗ để vu cáo" và có dính líu đến vụ ám sát tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, đến năm 1979, Sturgis bị bắt với cáo buộc đe dọa Lorenz và sau đó được thả tự do. Về phía Marita, ủy ban của Hạ viện kết luận lời khai của Lorenz không đáng tin và kết thúc điều tra tại đó.

Cuộc đời ly kỳ của Marita Lorenz: Nữ điệp viên, người yêu và cũng là người ám sát hụt lãnh tụ Fidel Castro - Ảnh 12.

Bà Marita của hiện tại (Ảnh: Parismatch).

Kể từ thập niên 1970, gia cảnh nhà Lorenz xuống dốc và vô cùng khó khăn. Con gái Marita - Monica Jiménez phải bỏ học năm 17 tuổi và trải qua nhiều nghề khác nhau trước khi tập trung vào thể dục thể hình.

"Khi đó, mẹ con tôi phải sống dựa vào trợ cấp xã hội, tủi nhục vô cùng mỗi khi đi nhận tiền trợ cấp".

Các thông tin về nữ điệp viên lừng lẫy trở nên thưa thớt dần và ít hẳn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, hiện nay bà Marita Lorenz đã 78 tuổi và đang sống tại Brooklyn (New York) sau cuộc đời đầy sóng gió và truân chuyên.

Tổng hợp từ Daily Mail, CNN, MirrorUK

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại