Cuộc đời khốn khổ của cô bé hoang dã Genie Wiley: Bị lạm dụng, tra tấn và bỏ rơi rồi trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học

Z. |

'Đứa trẻ hoang dã' Genie Wiley bị trói vào một chiếc ghế trong 13 năm khiến cô không thể nói chuyện hay đi lại bình thường. Điều này đã trở thành một đề tài để nhiều nhà khoa học nghiên cứu.

Sáng ngày 4/11/1970, một người phụ nữ mù và cô con gái suy dinh dưỡng nặng vô tình bước vào một văn phòng dịch vụ xã hội ở Arcadia, California, Hoa Kỳ. 

Điều này đã lật tẩy trường hợp lạm dụng trẻ em tồi tệ nhất trong lịch sử bang này cho đến nay.

Irene Wiley mang theo con gái Susan Wiley, thường được gọi là Genie đến trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, đây lại là một sự nhầm lẫn. 

Ban đầu, bà định tìm kiếm văn phòng cho người khuyết tật, với hy vọng được nhận một khoản trợ cấp, nhưng bà đã vào nhầm tòa nhà.

Cuộc đời khốn khổ của cô bé hoang dã Genie Wiley: Bị lạm dụng, tra tấn và bỏ rơi rồi trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học - Ảnh 1.

Nhân viên bảo trợ xã hội nhận thấy đứa trẻ đứng phía sau lưng mẹ có điều gì đó không bình thường. 

Đứa trẻ không thể giao tiếp bằng mắt, người mỏng như tờ giấy và đi như một chú thỏ con với hai tay đặt trước ngực và chân nhảy lò cò. 

Sau một loạt câu hỏi, đứa trẻ đã được nhân viên Phúc lợi trẻ em đưa đến bệnh viện để thăm khám.

Tại bệnh viện Nhi đồng Los Angeles, các bác sĩ đã có những khám phá đáng kinh ngạc. Ban đầu, các bác sĩ tin rằng Genie không quá 6 hoặc 7 tuổi, nhưng hóa ra cô bé đã gần 14 tuổi. 

Genie được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng nặng, không thể nói và không đi đứng đúng cách. 

Ngay sau khi nhận thông tin, cảnh sát đã bắt bố mẹ cô bé ngay lập tức với tội danh lạm dụng trẻ em và Genie Wiley sau đó đã được đưa đến nhà tình thương.

Cuộc đời khốn khổ của Genie Wiley

Genie, tên khai sinh là Susan M. Wiley. Cô sinh ra vào năm 1957 với cân nặng và kích thước bình thường. Khoảng 4 tháng tuổi, cô được bác sĩ chẩn đoán bị trật khớp háng bẩm sinh, do đó cô không thể nào vận động như một đứa trẻ bình thường.

Ông Clark Wiley, cha của Genine đã kết luận rằng con gái mình bị khuyết tật về mặt phát triển và không bao giờ có thể là một người bình thường. Và sự lạm dụng bắt đầu từ đây.

Genie là một trong 4 người con của ông bà Wiley và là người thứ 2 còn sống sót. Chị gái của Genie đã bị bỏ lại trong nhà xe vì cô khóc quá nhiều và chết vì viêm phổi. Người con thứ hai cũng chết yểu khi mới hai ngày tuổi. Genie là con út.

Cuộc đời khốn khổ của cô bé hoang dã Genie Wiley: Bị lạm dụng, tra tấn và bỏ rơi rồi trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học - Ảnh 2.

Irene Wiley, mẹ của Genie bị mù 90%. Còn Clark Wiley, cha của Genie là một người thiếu sự giáo dục và không có tình yêu từ cha. 

Ông làm thợ máy trên dây chuyền lắp ráp máy bay ở LA trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Mẹ của Clark làm việc trong một nhà thổ, bà đối xử với ông vô cùng tồi tệ nhưng ngược lại, ông vẫn hết lòng vì mẹ mình.

Đứa con thứ 3 của Irene và Clark là John được gửi đến cho bà nội nuôi dưỡng. 

Trong một lần hai bà cháu ghé thăm gia đình, mẹ của Clark đã gặp tai nạn và qua đời. Điều này trở thành một cú sốc tinh thần với Clark. Khi đó, Genie mới chỉ 20 tháng tuổi.

Sau này, ông cô lập cả gia đình. Thế giới bên ngoài đã khiến Clark cảm thấy bản thân cần phải bảo vệ gia đình. Ông ta dần hóa điên và trở thành một con người đáng sợ.

Cuộc đời khốn khổ của cô bé hoang dã Genie Wiley: Bị lạm dụng, tra tấn và bỏ rơi rồi trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học - Ảnh 3.

Suốt 10 năm trời, Genie bị giam cầm trong phòng ngủ. Ban ngày, Genie bị trói vào một chiếc ghế dành cho trẻ em, và ban đêm cô bị nhốt trong một chiếc cũi nhỏ có gắn dây lưới. 

Có một cửa sổ trong phòng nhưng không hề có đồ vật hay đồ chơi gì khác.

Clark cũng cấm Irene và con trai John nói chuyện với Genie. Nếu cô gây ra bất kì tiếng động nào, cô sẽ bị đánh bằng một thanh gỗ được giữ ở cửa. 

Clark ghét tiếng ồn và âm thanh, vì thế trong nhà không hề có TV hay đài phát thanh. Nếu Irene và John nói chuyện quá to, cả hai có thể bị đánh đập dã man.

Rõ ràng, trong tâm trí Clark, ông nghĩ con gái mình bị tâm thần và Genie vô dụng với xã hội. Ông sợ thế giới ngoài kia sẽ khiến Genie bị tổn thương. Thế nhưng, hóa ra chính ông ta lại là người làm tổn thương con gái. 

Nỗi sợ hãi của Clark đã đưa ông đến những nơi tăm tối hơn bất kì điều gì trong trí tưởng tượng. Và Clark sẽ không bao giờ phô bày bản thân mình với thế giới. 

Ông đã tự bắn vào đầu mình vào buổi sáng đầu tiên khi ông phải xuất hiện trước tòa.

Trong thư tuyệt mệnh của Clark Wiley, ông viết: "Thế giới sẽ không bao giờ hiểu được."

Trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học sau khi được giải cứu

Sau khi Genie được giải cứu, đội ngũ bác sĩ nhận thấy cô chỉ có nhận thức như một đứa trẻ 1 hoặc 2 tuổi. Cô có thể nói được vài từ đơn giản nhưng chủ yếu là im lặng. 

Cô đi như một con thỏ và thường đại tiện hoặc tiểu tiện ngay tại chỗ khi bị căng thẳng. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là đứa trẻ bị tổn thương nặng nề nhất mà họ từng thấy.

Cuộc đời khốn khổ của cô bé hoang dã Genie Wiley: Bị lạm dụng, tra tấn và bỏ rơi rồi trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học - Ảnh 4.

Trường hợp của Genie đã thu hút khá nhiều các nhà khoa học và bác sĩ. 

Bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học, nhà ngôn ngữ học và các chuyên gia khác từ khắp Hoa Kỳ đã kiến nghị kiểm tra và điều trị cho cô, vì đây là cơ hội duy nhất để nghiên cứu phát triển trí não và lời nói - cách ngôn ngữ biến chúng ta thành con người. 

Họ nộp đơn xin và được Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cấp cho một khoản trợ cấp để nghiên cứu về cô.

Trong suốt 4 năm từ 1971-1975, Genie trở thành nghiên cứu sống của các nhà khoa học. 

Trong thời gian này, Genie đã phải thực hiện nhiều bài kiểm tra để các bác sĩ khám phá liệu cô thực sự bị khuyết tật phát triển hay chính sự ngược đãi đã dẫn đến khuyết tật trí tuệ này. 

Bác sĩ Curtiss nhận thấy rằng cứ mỗi năm Genie thêm một tuổi, cô lại tiến bộ hơn trong việc học. Genie đã học cách chơi, nhai, mặc quần áo và thưởng thức âm nhạc. 

Cô mở rộng vốn từ vựng của mình và phác thảo hình ảnh để truyền đạt những từ không thể. Cô thực hiện tốt bài kiểm tra trí thông minh.

Nhưng cũng trong bốn năm đó, Genie trở thành một đối tượng thí nghiệm của các nhà khoa học. Cô đến sống với nhiều thành viên trong nhóm các nhà khoa học, những người đem cô ra quan sát và nghiên cứu.

Cuộc đời khốn khổ của cô bé hoang dã Genie Wiley: Bị lạm dụng, tra tấn và bỏ rơi rồi trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học - Ảnh 5.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhóm Genie là muốn biết sự chậm phát triển của Genie Wiley là một triệu chứng từ sự lạm dụng hay Wiley sinh ra đã mang khuyết tật bẩm sinh. 

Làm thế nào để một đứa trẻ phát triển nếu chúng không tiếp xúc với ngôn ngữ, xã hội hoặc văn hóa?

Cho đến cuối thập kỉ 60, phần lớn các nhà ngôn ngữ học tin rằng trẻ em không thể học ngôn ngữ sau tuổi dậy thì. 

Nhưng Genie đã chứng minh điều ngược lại. 

Cô khát khao được học hỏi và các nhà nghiên cứu nhìn thấy cô có khả năng giao tiếp. 

Genie có thể xây dựng các cụm từ đơn giản để truyền đạt những gì cô ấy muốn hoặc đang nghĩ, nhưng với những câu có cấu trúc phức tạp thì nằm ngoài tầm khả năng của cô. Điều này chứng tỏ rằng ngôn ngữ khác với suy nghĩ.

Bác sĩ Curtiss giải thích rằng, đối với nhiều người trong chúng ta, suy nghĩ sẽ được mã hóa bằng lời nói. 

Đối với Genie, suy nghĩ của cô hầu như không bao giờ được mã hóa bằng lời nói, nhưng nó có nhiều cách khác để diễn đạt.

Cuộc đời khốn khổ của cô bé hoang dã Genie Wiley: Bị lạm dụng, tra tấn và bỏ rơi rồi trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học - Ảnh 6.

Các nhà khoa học cho rằng Genie là một chuyên gia về giao tiếp phi ngôn ngữ và cô có cách bày tỏ suy nghĩ của mình với mọi người ngay cả khi cô không thể nói chuyện với họ. 

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ của cô, nhà tài trợ đã kết thúc nghiên cứu của Nhóm Genie vào năm 1975. Sau đó, Genie đến sống với mẹ mình trong một thời gian ngắn.

Năm 1979, bà Irene Wiley đệ đơn kiện bệnh viện và những người được ủy quyền chăm sóc con gái bà, bao gồm các nhà khoa học trong Nhóm Genie với cáo buộc khai thác Genie vì uy tín và lợi nhuận. 

Vụ kiện được đem ra xem xét vào năm 1984 nhưng không được giải quyết do không thể liên lạc với những nhà nghiên cứu đã từng tham gia nghiên cứu Genie.

Cuối cùng, Genie được đưa vào một số nhà tình thương. Cô tiếp tục bị lạm dụng khi ở trong một số nơi. Tại đó, Genie được cho là bị đánh vì nôn mửa. Cô đã không bao giờ có thể có lại được những tiến bộ mà cô đạt được trước kia.

Cuộc sống hiện tại của Genie Wiley ít được biết đến. Khi mẹ cô dành được quyền nuôi con, bà từ chối để con gái mình trở thành đối tượng của bất kì nghiên cứu nào. 

Sau khi bà Irene mất năm 2003, chẳng còn bất kì ai biết thông tin về Genie nữa, kể cả anh trai John của cô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại