Xã hội và công chúng thường biết tới những người nổi tiếng. Nhưng trong đời sống, có khi nhờ cơ duyên, quan hệ thân thuộc, có khi do ngẫu nhiên, chúng ta vẫn gặp và thấy những con người bình dị, nhưng lại có dấu ấn không phai mờ trong ký ức mình. Và người in đậm trong tâm tưởng của tôi là ông Lê Thiêm, một chứng nhân của nhiều giai đoạn lịch sử đáng nhớ.
Ông Lê Thiêm (quê ở Quảng Trị) là con trai cả của danh sĩ Lê Thiếp. Khi cụ Lê Thiếp ra làm tri phủ ở Hà Tĩnh, ông Lê Thiêm đi theo. Khi lĩnh trách nhiệm mở đường từ Hà Tĩnh đi Đèo Ngang, để tăng cường sức dẻo dai cho binh lính, dân phu khi chặt cây, phá núi, đắp đường và chống lại mệt mỏi, phòng vệ trước thú dữ… cụ Lê Thiếp đã đưa môn võ gia truyền “Liên hoa quyền” ra truyền dạy.
Còn ông Lê Thiêm, sinh năm 1896 - năm Bính Thân - cái năm mà theo cách nghĩ của dân gian là người khéo léo, tỉ mỉ, có thể phát triển về nhiều lĩnh vực như hội hoạ, điêu khắc, ngôn ngữ, kinh doanh..., nhưng hàng Can đứng chữ Bính nên không hanh thông, bị tù túng trong khuôn khổ.
Lớn lên, ông được học cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Hán. Ông rất chăm học và sớm biết cách xử thế ở đời. Năm lên 10 tuổi, cha của ông chuẩn bị nhận chức án sát Hà Tĩnh, bận đốc thúc việc mở con đường xuyên qua Đèo Ngang rất vất vả.
Con đường sắp xong thì cụ Lê Thiếp nhuốm bệnh rồi khuất núi. Mẹ ông mới chưa đầy 30 tuổi quyết tâm ở vậy, nuôi con khôn lớn và trụ lại mảnh đất Hà Tĩnh đầy kỷ niệm vui buồn (những người quen biết hay gọi bà là bà Phủ).
Cha mất, đông em, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, Lê Thiêm đành bỏ dở con đường học hành, ở nhà chăm sóc các em để mẹ yên tâm buôn bán thêm. Năm ông 20 tuổi, mẹ hỏi cho ông người vợ kém một tuổi tên là Nguyễn Thị Tuân.
Đó là một thiếu nữ hiền thục, đậm đà, chịu thương chịu khó như bao cô gái vùng Thạch Hà, Hà Tĩnh. Thời gian sau, bà Phủ mua cho 2 vợ chồng trẻ 3 sào vườn ở ngoại ô thị xã Hà Tĩnh.
Lê Thiêm trán phẳng, da dẻ hồng hào; mắt to - nâu rất hiền, khi miệng cười thì mắt cũng cười - thể hiện sự trong sáng trung thực, dễ cảm thông với người khác. Cánh mũi đầy đặn nhưng cằm hơi nhỏ nên ông tự biết rằng niềm vui tinh thần, hoài bão, ý tưởng ít được chung quanh biết và chia sẻ.
Là người ham học, xuất phát từ dòng họ thi thư, quân nhân cao cấp, ông am hiểu nho, y, lý số, phong thủy nhưng do hoàn cảnh và sở trường không thiên võ học, ông chỉ nắm các đòn thế cơ bản của “Liên hoa quyền” gia truyền. Ông tự luyện dùng vũ khí là cây mác dài xấp xỉ một mét. Do luyện lâu năm, từ cách xa 5 - 7 m, ông có thể phóng mác trúng mục tiêu.
Tự nghiên cứu tướng pháp, nhân dạng, ông còn nhận ra mình có lưng nhỏ, mình mỏng, cổ nhỏ nên sức khoẻ không tốt, dễ yếu phổi. Vì thế sau này ông say sưa nghiên cứu Đông y để bồi bổ sức khoẻ bản thân và giúp đỡ bà con xa gần chữa bệnh. Ông vẫn tiếp tục hoàn thiện học vấn của mình bằng con đường tự học nên trở thành một người hiểu biết rộng, thấu đáo lẽ đời.
Lúc bấy giờ nhiều phong trào yêu nước nổ ra ở khắp nơi. Ông Lê Thiêm tự giác tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và quyết tâm đóng góp sức mình bằng cách dạy học miễn phí cho những thanh niên tâm huyết.
Học trò ông có nhiều người sau này trở thành cốt cán của Nhà nước như các ông Đinh Nho Liêm, Hà Xuân Trường… Tới đầu những năm 1960, có một người thỉnh thoảng vẫn đến thăm thầy học, đó là cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.
Giống như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình ông Lê Thiêm trải qua nhiều biến động lịch sử. Điều đáng nói là tuy nhà nghèo hoàn cảnh khó khăn, nhưng các con ông đều vươn lên: Một người đi bộ đội, những người khác phải vất vả kiếm sống từ nhỏ nhưng cuối cùng tất cả đều tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư, bác sĩ, có vị trí trong xã hội. Sau ngày hoà bình lập lại, ông Lê Thiêm đi làm ở thư viện của tỉnh vì yêu quý sách, được mấy năm thì về nghỉ tại gia.
Căn nhà 3 gian cùng hơn 3 sào vườn ở ngoại ô thị xã Hà Tĩnh đã có nhiều thời gian là tổ ấm đầy tình thương và mến khách. Nhà ông Lê Thiêm có thêm mấy đứa cháu nội khiến cho nhà cửa thêm vui.
Ông Lê Thiêm bắt đầu dạy cháu đọc, viết, hướng các cháu vào yêu quý sách vở và tri thức xã hội. Khi rảnh rỗi, ông cho các cháu ra vườn chăm bón cây cối, nuôi chim cu gáy, chào mào và đôi khi ông còn đi câu cá như một thú rèn luyện kết hợp thư giãn…
Từ cuối năm 1964 - 1968, máy bay Mỹ ném bom ác liệt Hà Tĩnh và nhiều tỉnh miền Trung. Ông Lê Thiêm cùng mấy cháu phải đi sơ tán, khi ngớt bom đạn mới về nhà. Thỉnh thoảng, tiếng đàn bầu trong vắt lại ngân lên trong tay ông.
Ông thường nói hỏm hỉnh: Con người ta ngoài nghề nghiệp phục vụ xã hội và kiếm sống, nên có những thú vui văn hoá, đó là những “trò chơi” có tính riêng tư, “trò chơi” là “trời cho”, cần phải say mê, hào hứng, trân trọng những thứ tạo hoá đã ban cho.
Cuối năm 1968, ông Lê Thiêm đi bộ suốt 3 tháng ra Hà Nội thăm con cháu. Đây là hành trình cuối cùng của ông. Năm 1972, vào một ngày đầu Đông lạnh giá, ông bị cảm rồi ra đi mãi mãi.
Trước đó ít lâu, ông tâm sự với con cháu rằng: “Cái đáng quý và bền lâu của mỗi con người trong cuộc đời này là sự trung thực, cao thượng và bao dung.
Đời người rất ngắn, nhưng mỗi con người dù là người bình thường nhất biết tin vào những giá trị đích thực, biết vun đắp bằng sức lực tinh thần của liên tiếp các thế hệ thì có ngày sẽ ra hoa, kết trái phát triển, biểu hiện ở những cá nhân, dòng họ ngày càng hoàn thiện, có ích cho xã hội, làm đẹp chính họ và góp phần làm đẹp cuộc sống xung quanh mình”.