Những năm tháng đầu đời vất vả
Sinh ngày 4 tháng 3 năm 1887, tại Claysville, Kentucky, Morgan vốn có xuất thân khiêm tốn. Là con thứ 7 trong gia đình có tới 11 người con, phần lớn quãng thời gian đầu đời của ông dành cho việc học ở trường và làm việc trong trang trại của gia đình, với nguồn lực rất eo hẹp.
Năm 1891, Morgan rời nhà đến Cincinnati để tìm kiếm việc làm. Sau bốn năm, ông chuyển đến Cleveland, nhận công việc quét sàn tại Công ty Roots và McBribe và sau đó tự học cách sửa những chiếc máy may bị hỏng của chính công ty.
Morgan nhanh chóng trở thành một thợ máy và thợ hàn tài năng. Những kỹ năng này cho phép ông tự mở cơ sở kinh doanh của riêng mình: Xưởng may váy Morgan. Ở đó, trong khi người vợ may quần áo, ông chế tạo và bảo trì máy may.
Tình cờ phát minh mặt nạ phòng độc
Cảm hứng ập đến vào một ngày nọ khi Morgan nhìn thấy những người lính cứu hỏa đang vật lộn với tình trạng ngạt khói. Chính Morgan cũng tham gia cứu hộ, đưa những người bị tai nạn ra khỏi hầm. Vào thời điểm ông được gọi vào và đi xuống đường hầm, các thi thể của hai đội cứu hộ trước đó nằm rải rác đầy tang thương. Nhưng 8 người bị nạn vẫn còn sống, và Morgan đã đưa tất cả đến nơi an toàn.
Sau tai nạn đó, Morgan bắt đầu nghiên cứu chế tạo một loại thiết bị chống ngạt khói, được thiết kế để cho phép người mang nó có khả năng “tự cung cấp không khí trong lành theo ý muốn, lấy từ gần mặt đất, đồng thời loại bỏ khói hoặc khí gây hại bao quanh”. Ông đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào tháng 9 năm 1912.
Tuy nhiên, là một người Mỹ gốc Phi da đen, Morgan đã gặp rất nhiều khó khăn khi bán thiết bị của mình cho những người đứng đầu lực lượng cứu hỏa da trắng, vốn dĩ không muốn mua thứ do một nhà phát minh da đen chế tạo.
Để giải quyết vấn đề này, Morgan đã tìm kiếm lời khuyên của doanh nhân nổi tiếng J.P. Morgan, người rất tôn trọng tham vọng của Morgan. Doanh nhân giàu có này đề nghị Morgan lấy tên của chính ông để quảng bá sản phẩm và gọi nó là “Mũ bảo hiểm Morgan”. Ngoài ra, Morgan cũng thuê các diễn viên da trắng để bán sản phẩm tại các hội nghị. Những chiến lược này đã thành công và nhà phát minh Morgan đã có thể bán sản phẩm cho các sở cứu hỏa trên toàn nước Mĩ. Chính chiếc mũ này là tiền thân của mặt nạ phòng độc ngày nay.
Người cải tiến đèn tín hiệu giao thông
Đến những năm 1920, Morgan đã trở thành một doanh nhân thành đạt và trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên mua ô tô ở Cleveland. Một ngày nọ, khi đang lái xe, ông đã chứng kiến một vụ va chạm giữa một chiếc xe ngựa và một chiếc xe khác.
Mặc dù thời đó đèn giao thông đã tồn tại, nhưng tất cả còn rất thô sơ, chỉ hiển thị hai tín hiệu: dừng và đi. Đèn tín hiệu hình chữ T của Morgan có thêm một nhánh đèn tên gọi "cẩn trọng" - tương đương với đèn vàng ngày nay. Đèn tín hiệu điều khiển của Morgan dừng giao thông "ở tất cả các hướng trước khi tín hiệu đi tiếp theo một hướng khác được phát đi", cho phép các phương tiện đã ở trong giao lộ có thể tiếp tục đi qua một cách an toàn mà không bị va chạm.
Ngày 20 tháng 11 năm 1923, Morgan được cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình, và về sau ông đã bán lại bản quyền với giá 40.000 USD cho General Electric để ông này phát triển một phiên bản tín hiệu điện.
Garrett Augustus Morgan qua đời tại Phòng khám Cleveland vào ngày 27 tháng 7 năm 1963, hưởng thọ 87 tuổi, sau một cơn bạo bệnh kéo dài. Nửa thế kỷ sau, phát minh của ông lần đầu tiên được trưng bày tại buổi khai mạc của Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Phi – như một sự tôn vinh dành cho con người lỗi lạc đã liều mình cứu 8 mạng người, và nhờ phát minh của mình, tiếp tục cứu sống vô số người khác.
Garrett Morgan
Trong suốt cuộc đời, Morgan đã phá bỏ các rào cản và là một người ủng hộ mạnh mẽ bình đẳng sắc tộc. Ngoài việc thành lập một trong những cộng đồng da đen đầu tiên trong nước tại Đại học Cleveland’s Case Western Reserve, ông cũng đã kiên cường để vượt qua những năm tháng phân biệt nặng nề nhất trên đất Mỹ. Mọi trở ngại không cản trở Morgan phát huy sự sáng tạo, vươn mình mạnh mẽ để trở thành một doanh nhân thành đạt, và trên hết, một nhà phát minh được các thế hệ sau luôn tưởng nhớ.