"Neil Armstrong là một trong những người hùng vĩ đại nhất mọi thời đại của nước Mỹ. Khi anh ấy và đồng đội của mình lên đường thực hiện sứ mệnh trên phi thuyền Apollo 11 năm 1969, các anh ấy đã mang trên vai trọng trách cũng như khát vọng của dân tộc chúng ta.
Chính họ đã cho thế giới thấy rằng chỉ cần có tinh thần Mỹ, chúng ta có thể làm được những thứ ngoài sức tưởng tượng.", trích phát biểu của Tổng thống Barack Obama (tại nhiệm từ 2009 đến 2017).(Nguồn: Space.com).
Ai đó cũng đã từng nói về Neil Armstrong rằng người hùng vũ trụ ấy là một trong số ít nhân vật vĩ đại của thế kỷ 20 được người đời nhớ đến tận mãi thế kỷ 30 về sau. Điều này không thể phủ định, bởi cách đây 5 thập kỷ, vào ngày 20 /7/1969, nước Mỹ đã làm nên lịch sử với sự kiện đưa người đổ bộ Mặt Trăng thành công đầu tiên trên thế giới.
Khoảnh khắc phi thường đó đã được phi hành gia Neil Armstrong đúc kết sau những bước chân đầu tiên của anh lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất: "Đây là bước chân nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại." Khi đó, 530 triệu người trên Trái Đất hồi hộp dõi theo những bước chân "nhỏ bé" của phi hành gia chỉ huy ấy.
Để đánh dấu kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ Mặt Trăng của phi thuyền Apollo 11 huyền thoại, BBC đã có bài viết "Apollo Moon landing: The 13 minutes that defined a century" (tạm dịch: Cuộc đổ bộ Mặt Trăng của phi thuyền Apollo: 13 phút định nghĩa thế kỷ 20) để kể lại chi tiết về những giây phút hạ cánh nghẹt thở xuống Mặt Trăng và những cống hiến của hàng trăm con người ở phía sau tạc nên khoảnh khắc phi thường đó...
13 phút phi thường "dệt nên" thế kỷ 20
Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins là 3 phi hành gia người Mỹ lên đường thực hiện sứ mệnh chưa từng có trong lịch sử loài người năm 1969 đáng nhớ đó.
Ngày 16/7/1969, tên lửa đẩy Saturn V đã giúp phi thuyền Apollo 11 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (bang Florida) tiến thẳng lên Mặt Trăng. Apollo 11 khi đó gồm 3 bộ phận: Mô-đun Điều khiển - Mô-đun Phục vụ - Mô-đun Mặt Trăng.
Sau hành trình dài 384.400km của 76 giờ bay, phi thuyền Apollo 11 tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng. Ngày 20/7/1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin di chuyển vào Mô-đun Mặt Trăng có mật danh "Eagle - Đại bàng", tách khỏi Mô-đun Điều khiển và hạ cánh tại Biển Tĩnh Lặng (Sea of Tranquility) của Mặt Trăng, chuẩn bị cho việc hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng. Phi hành gia Michael Collins ở lại quỹ đạo Mặt Trăng, tiếp tục lái Mô-đun Điều khiển.
Sau 21,5 tiếng lưu tại Biển Tĩnh Lặng, phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin chuẩn bị cho sứ mệnh khó nhất: Đáp xuống Mặt Trăng.
13 phút cuối cùng trước khi "Đại bàng" chạm xuống bề mặt Mặt Trăng, người Mỹ như nghẹt thở, bởi sứ mệnh đáp xuống vùng đất chưa từng có bước chân con người ấy xảy ra rất nhiều sự cố mà chỉ có phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin mới thấu hiểu tận cùng.
Khi "Đại bàng" cách bề mặt Mặt Trăng 15.240m: Hàng loạt lỗi kỹ thuật xảy ra, liên lạc vô tuyến giữa Mô-đun Mặt Trăng và chỉ huy mặt đất bị ngắt trong vài phút, hệ thống máy tính trên Mô-đun Mặt Trăng hiện lên mã lỗi mà phi hành đoàn và chuyên gia máy tính NASA chưa từng thấy bao giờ.
Trong bản ghi âm về sau được đưa về Trái Đất, người ta có thể nghe thấu sự căng thẳng trong từng đoạn báo cáo, trong mỗi câu chữ và cả khoảng lặng đáng sợ của hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin.
Để hạ cánh lên Mặt Trăng, phi hành đoàn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hệ thống lái tự động của tàu có tên Apollo Guidance Computer (AGC - Máy tính Điều hướng Apollo). Vào thời điểm đó, nó là thiết bị tối tân và phức tạp nhất trên tàu vũ trụ. Khả năng hỗ trợ điều khiển tàu vũ trụ của AGC là vô cùng cần thiết cho sự thành công của sứ mệnh đổ bộ.
Thế nhưng, khi chỉ còn cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 10km, màn hình máy tính hiện lên chuỗi số khó hiểu: 1202.
Sở chỉ huy mặt đất cùng bộ phận kiểm soát sứ mệnh bay, sau khi nhận được liên lạc ngắt quãng của chỉ huy Neil Armstrong về chuỗi số, họ cũng không hiều chuyện gì đang xảy ra.
Hệ thống AGC bị hỏng hóc? Phi hành đoàn sắp phải hủy bỏ cuộc đổ bộ? Tính mạng của Neil Armstrong và Buzz Aldrin có gặp nguy hiểm không?... là tất cả những vấn đề mà những người ở Trái Đất nghĩ đến. Cả sở chi huy im lặng. Vài giây trôi qua tựa như thời gian đặc quánh lại.
Trong khi ấy, Mô-đun Mặt Trăng vẫn lao xuống bề mặt Mặt Trăng bất chấp lý trí phán đoán của phi hành đoàn rằng liệu AGC có còn khả năng điều hướng cả đội hạ cánh an toàn hay không.
Với bản lĩnh của một người chỉ huy, của một phi công đã lái hơn 200 loại máy bay khác nhau, Neil Armstrong vẫn giữ được tinh thần thép. Bởi, đối mặt với tình huống sinh tử, với anh, đâu chỉ có lần này...
Cùng lúc đó, ở dưới mặt đất, một chuyên gia giải mã máy tính trẻ tuổi của NASA tên là Steve Bales hét lên: "Chúng ta sẽ đổ bộ Mặt Trăng!".
Và dĩ nhiên, phần còn lại đã đi vào lịch sử
"Đại bàng hạ cánh thành công" - là thông báo dõng dạc của "vị thuyền trưởng" Neil Armstrong về cho Trung tâm chỉ huy mặt đất ở Houston, bang Texas, Mỹ. Cả nước Mỹ vỡ òa trong sung sướng! Thế giới cũng chia vui khoảnh khắc đi vào lịch sử nhân loại ấy cùng người Mỹ.
Sau tổng 2 giờ 36 phút trên Mặt Trăng, thực hiện các việc đi bộ, khám phá bề mặt Mặt Trăng tại nơi đáp xuống, cắm lá cờ Mỹ, trò chuyện với Tổng thống Richard Nixon qua điện đàm, hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin quay trở lại Mô-đun Điều khiển, cùng Michael Collins trở về Trái Đất an toàn ngày 24/7/1969.
Mô-đun Mặt Trăng, mật danh "Đại bàng". Ảnh do phi công Michael Collins chụp từ Mô-đun Điều khiển. Nguồn: NASA
13 phút trước khi tạc nên dấu mốc không thể quên trong lịch sử du hành vũ trụ, cả Neil Armstrong và Buzz Aldrin, cả Mô-đun Mặt Trăng, NASA và những người chứng kiến cuộc đổ bộ qua truyền hình thực sự đã nghẹt thở. Nghẹt thở cho khoảnh khắc con người lần đầu tiên chạm đến một thế giới chưa từng có dấu chân loài người trong vũ trụ - một thế giới hoàn toàn bí mật.
Giây phút đổ bộ thành công ấy tựa như "quả ngọt nhất" của không chỉ riêng phi hành đoàn Apollo 11 mà đó là nỗ lực phi thường của hơn 400.000 con người, từ kỹ sư, nhà khoa học, kỹ thuật, phi hành gia tài năng, dốc hết tâm sức và trí tuệ cho chương trình chinh phục Mặt Trăng Apollo kéo dài hơn 10 năm, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD của Mỹ.
Khi được hỏi, hàng trăm đồng sự khi ấy đang mong ngóng liên lạc từ "Đại bàng" truyền về Trái Đất, họ xúc động cho biết ngày 20/7/1969 lịch sử đó, khi Neil Arsmtrong đặt những bước chân đầu tiên xuống bề mặt Mặt Trăng, một phần trong số họ cũng có cảm giác hồi hộp và tột định sung sướng như chính mình đặt chân lên đó vậy.
Ai đó đã từng nói về Neil Armstrong rằng người hùng vũ trụ ấy là một trong số ít nhân vật vĩ đại của thế kỷ 20 được người đời nhớ đến tận mãi thế kỷ 30 về sau. Điều này sao có thể phủ định, nhưng công bằng mà nói, anh ấy là mũi nhọn của một chiếc giáo, mà nếu không có hàng trăm con người ở phía sau hỗ trợ, cống hiến hết mình vì một tình yêu thuần khiết với vũ trụ thì có lẽ giấc mộng người Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.
Năm 1969, một năm trước khi thập niên 1960 khép lại, ước nguyện vũ trụ không tưởng của Tổng thống John F. Kennedy đã thành sự thật. Thật một cách huyền thoại!
Nhớ lại những năm đầu thập niên 1960, khi Tổng thống John F. Kennedy dồn nhiều công sức cho đất nước tiến đến Mặt Trăng trong một thập kỷ, NASA đã phải dồn rất nhiều tâm sức để chiêu mộ những tài năng vũ trụ Mỹ phục vụ cho Chương trình Apollo.
Đứng trước sức ép khổng lồ từ thành công không thể phủ nhận của Liên Xô, cộng với áp lực phải hoàn thành sứ mệnh chỉ trong vòng 10 năm ngắn ngủi, NASA đã phải lao động ngày đêm, sáng tạo ngày đêm và tìm đến những tài năng còn trẻ của đất nước.
Họ là những người từ kỹ sư, nhà khoa học, phi hành gia đến kiểm soát sứ mệnh bay từ mặt đất... tất cả đều chỉ trên dưới 26 tuổi, người "già nhất" khi ấy mới chỉ 36 tuổi. Với NASA lúc đó, tuổi trẻ là một tài sản rất đáng trân trọng.
"Không phải là họ (đội ngũ làm việc cho Chương trình Apollo) không hiểu những rủi ro khi tham gia chương trình không gian Mỹ.
Chỉ là họ không biết sợ. Sức trẻ, không sợ hãi và luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ dù khó khăn nhất chính xác là những gì chương trình không gian của Mỹ cần lúc ấy." - Gerry Griffin, kỹ sư hàng không người Mỹ, cựu quan chức NASA, Giám đốc chuyến bay trong Chương trình Apollo nhớ lại.
Hình ảnh tuyệt đẹp khi Apollo 11 tiến lên Mặt Trăng. Ảnh: NASA
Thành công của phi hành đoàn Apollo 11 năm 1969 khi đó, đánh dấu rất nhiều sự kiện đáng nhớ trong lịch sử vũ trụ của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung:
- Là 23 năm Mỹ và Liên Xô bước chân vào cuộc Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989) đầy căng thẳng. Đó là khoảng thời gian của những cuộc chạy đua leo thang từ vũ khí nguyên tử đến công nghệ không gian và khai phá vũ trụ.
- Là 12 năm sau khi Liên Xô mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ với 2 sự kiện khiến Washington choáng váng: Phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 lên quỹ đạo Trái Đất (năm 1957), và đưa người bay ra ngoài vũ trụ đầu tiên (năm 1961 do phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin thực hiện).
- Là 8 năm sau lời kêu gọi của Tổng thống John F. Kennedy (1917-1963) về một nỗ lực của toàn nước Mỹ cho sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng mà ông tha thiết trong phiên họp đặc biệt của Quốc hội Mỹ ngày 25/5/1961.
- Là 1 năm trước những chuyến bay thử, tiền trạm của NASA: Khi Apollo 7 hoàn thành sứ mệnh bay lên quỹ đạo Trái Đất (10/1968); Là khi Apollo 8 trở thành tàu vũ trụ có người lái đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái đất, đến Mặt Trăng, quay xung quanh Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn (21/12/1968).
- Là 2 tháng trước, khi Apollo 9 thử nghiệm Mô-đun đổ bộ Mặt Trăng lần đầu tiên.
Nếu ví Neil Armstrong là mũi nhọn của ngọn giáo thì Chương trình Apollo của NASA là thân ngọn giáo. Để bay tới hồng tâm (ý chỉ Mặt Trăng), ngọn giáo ấy đã phải tôi luyện rất nhiều. Nhờ hàng trăm con người, sức trẻ và sự cống hiến tận tâm của họ thì ngọn giáo ấy mới được vót nhọn đến độ hoàn hảo, rồi cứ thể phi thẳng đến đích đã đề ra.
Tròn 50 năm kể từ khoảnh khắc phi thường đó của nước Mỹ, nhân loại tiếp tục chứng kiến những cuộc đua thực sự nóng ra ngoài không gian của nhiều cường quốc trên thế giới.
Và Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất và lớn nhất của Trái Đất, vẫn là ẩn số cần nhiều lời giải của nhân loại thế kỷ 21.
Chuyển ngữ từ: BBC
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.