Cuộc đổ bộ lên quần đảo Malvinas

Quân sự |

Từ ngày 20/5/1982, bắt đầu giai đoạn quân Anh đổ bộ lên đảo Malvinas (Falkland) và quân Argentina tổ chức chống trả.

Tối ngày 20/5, sau khi chuẩn bị kỹ càng, quân Anh thừa lúc trời tối đã đổ bộ vào cảng St. Carlos, nơi quân Argentina phòng bị mỏng. Không quân Argentina thiếu khả năng chiến đấu ban đêm, đến khi trời sáng mới bắt đầu hành động, oanh tạc ác liệt vào quân Anh.

Các loại máy bay tối tân của Argentina đồng loạt lao đến. Máy bay tấn công kiểu mới mà Anh mới trang bị có thể cất cánh thẳng từ mẫu hạm và đứng yên trong không trung, có tính cơ động cực kỳ tốt và khả năng bay ở tầm thấp nhất. Trong khi đó, máy bay Argentina là sản phẩm của những năm 60.

Cuộc đổ bộ lên quần đảo Malvinas - Ảnh 1.

Falklands/Malvinas là quần đảo tranh chấp giữa Anh và Argentina.

Chỉ trong vài ngày, máy bay Anh đã bắn rơi 32 chiếc máy bay của Argentina mà chẳng hao tổn một chiếc nào. Đồng thời, bộ binh của Anh liên tục củng cố và mở rộng vùng đổ bộ, dưới sự chi viện của pháo binh và máy bay trực thăng vũ trang, họ tiến thẳng về phía trước, theo sau là đội hình trang bị nặng như xe tăng, đại bác, đạn đạo...

Ngày 25/5 là lễ Quốc khánh nước Argentina, quân Argentina muốn có thành tích chiến đấu mới để đem về cho đất nước. Hôm đó, quân Argentina tập trung binh lực, không tập quy mô lớn vào Anh, một lần nữa tung ra những máy bay tốt nhất của mình. Mục tiêu của họ là phải oanh tạc bằng được chiếc mẫu hạm của quân Anh.

Lúc này, một con tàu có trọng tải khổng lồ lọt vào tầm ngắm radar của máy bay Argentina. Các phi công Argentina không hề do dự, bắn liên tiếp vào mục tiêu. Sau tiếng nổ xé trời, tàu Anh đã bốc khói cuồn cuộn, rồi dần chìm xuống đáy biển.

Cuộc đổ bộ lên quần đảo Malvinas - Ảnh 2.

Tàu Atlantic Conveyor ngày 19/5/1982. Ảnh: Wiki

Sau sự việc đó, quân Argentina mới biết, chiếc tàu họ đánh đắm không phải là mẫu hạm của Anh, mà là chiếc tàu chở hàng "Người vận chuyển của Đại Tây Dương" (Atlantic Conveyor), trọng tải của con tàu này cũng tương tự như hàng không mẫu hạm.

14 chiếc máy bay chim ưng đang đậu ở trên vội vã cất cánh, còn những chiếc trực thăng, nhu yếu phẩm, cung cấp chiến trường và các thiết bị khác đều bị chôn vùi dưới đáy biển.

Ngày 27/5, quân đổ bộ của Anh bắt đầu tấn công, chiếm được cảng Darwin chiến lược, tiêu diệt 250 quân Argentina, bắt sống 1.400 người, đồng thời chiếm được số lượng lớn đạn dược và quân nhu. Trong vài ngày sau đó, quân Argentina liên tục rút lui.

Ngày 8/6, để cứu vãn quân trấn thủ trên đảo, Tổng thống Argentina khi đó ra lệnh tập trung lực lượng không quân còn lại tấn công quy mô lớn vào Anh, kết quả tiêu diệt được hơn 180 quân Anh, đánh đắm chiếc tàu đổ bộ của Anh. Nhưng điều này cũng không thể thay đổi toàn bộ cục diện cuộc chiến.

Tối đó, lại có thêm 3.000 quân Anh đổ bộ lên đảo Malvinas, tăng cường thêm 30 khẩu đại bác và 20 chiếc xe tăng. Ngày 11/6, quân Anh bắt đầu tấn công, đến trưa ngày 14, quân Anh đã tiến về nơi cách thủ phủ đảo Malvinas 4km.

Lúc này, lực lượng không quân ở cảng Stanly đã treo cờ trắng. Quân Argentina trên đảo Malvinas đầu hàng quân Anh. Cuộc chiến trên quần đảo Malvinas 74 ngày đã kết thúc.

(Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn "100 cuộc chiến lẫy lừng trong lịch sử thế giới" - NXB Thời Đại)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại