Cuộc cứu hộ chưa có tiền lệ của Công binh Việt Nam

NGUYỄN MINH - VIẾT HÀ |

“Chứng kiến thực tế động đất sập nhà hoàn toàn mới thấy được mức độ khủng khiếp. Ở Việt Nam chưa có công trình nào đổ sập lớn như thế nên chúng tôi rất xót xa trước sự mất mát của người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, Thiếu tá Lê Đức Tài - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 93 hồi tưởng lại những ngày làm nhiệm vụ tại tâm chấn vụ động đất kinh hoàng.

Đầu tháng 2/2023, thảm họa động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ (TNK), khiến hàng nghìn người thương vong và gây thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất. Cùng với lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, những người lính Công binh Việt Nam trong đội hình Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã cấp tốc hành quân tới TNK để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt chưa có tiền lệ này.

Cuộc cứu hộ chưa có tiền lệ của Công binh Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương kiểm tra các trang thiết bị chuyên dụng của lực lượng Công binh trước khi bay sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ quốc tế. ẢNH: NGUYỄN MINH

Đoàn công tác của QĐND Việt Nam đi thực hiện sứ mệnh nhân đạo quốc tế cao cả này gồm 76 quân nhân. Trong đó, đội cứu sập thuộc Binh chủng Công binh gồm 30 người; đội quân y thuộc Tổng cục Hậu cần có quân số 30 người; đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng có 9 cán bộ, huấn luyện viên và 6 chó nghiệp vụ; bộ phận chỉ huy và cơ quan gồm 7 người.

Tổng chỉ huy các lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại TNK là Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn thuộc Bộ Tổng tham mưu. Đồng thời, Bộ Quốc phòng chỉ đạo chuẩn bị 42 tấn hàng hóa cứu trợ và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chuyên môn của đoàn. Tối 12/2, Tổng Tham mưu trưởng - Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đã ra sân bay Nội Bài tiễn đoàn công tác của QĐND Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay TK165 của hãng hàng không TNK.

Quyết tâm thư tới Thổ Nhĩ Kỳ

Là đội trưởng của đội Công binh gồm những quân nhân tinh nhuệ tham gia đoàn công tác sang chi viện giúp đất nước TNK, Thiếu tá Lê Đức Tài - Phó Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Tiểu đoàn Công binh 93 thuộc Bộ Tham mưu Binh chủng Công binh, cho biết, khi có thông tin về trận động đất với sức tàn phá khủng khiếp xảy ra ở TNK, dù Tiểu đoàn 93 chưa từng tham gia cứu hộ cứu nạn bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng Ban chỉ huy tiểu đoàn đã dự cảm đơn vị mình sẽ lên đường tới đất nước xa xôi này.

Quả vậy, chỉ ít ngày sau, Binh chủng Công binh đã truyền đạt thông báo của Bộ Quốc phòng về việc đội cứu sập 30 người của tiểu đoàn gấp rút chuẩn bị hành quân tới TNK.

"Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh người dân và lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt tay lên ngực trái mỗi khi đoàn chúng tôi và lực lượng cứu hộ quốc tế đi qua. Họ như muốn nói lời cảm ơn bằng tất cả trái tim của mình".

Thiếu tá LÊ ĐỨC TÀI - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh 93

Trong thời gian gấp, toàn đội đã chủ động cập nhật diễn biến tình hình qua phương tiện thông tin đại chúng nhằm nắm chắc điều kiện địa hình, thời tiết, mức độ thiệt hại, phong tục tập quán nơi xảy ra động đất ở TNK để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đồng thời, nhanh chóng tính toán vật chất, hậu cần bảo đảm ăn, ở trong vòng 1 tháng, kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật, tổ chức huấn luyện bổ sung để nâng cao kỹ năng xử trí các tình huống xảy ra. Cùng với đó là tiếp nhận quân tư trang cá nhân bổ sung để giữ ấm cơ thể do thời tiết khắc nghiệt như áo bông, mũ bông, áo giữ nhiệt, túi ngủ, lều bạt cá nhân.

Đặc biệt, Tiểu đoàn 93 đã phát động thi đua với chủ đề “Viết tiếp chiến công, tô hồng truyền thống” và các quân nhân đều viết quyết tâm thư tình nguyện lên đường…

Sau nhiều chặng di chuyển bằng các phương tiện khác nhau, ngày 13/2, đoàn đến tỉnh Hatay của TNK nằm giáp với Syria, sau đó di chuyển đường bộ khoảng hơn 200km đến nơi triển khai nhiệm vụ tại một xã thuộc Antakya (thủ phủ của tỉnh Hatay). Đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất và dư chấn, đến ngày 20/2 lại tiếp tục xảy ra 2 trận động đất dư chấn mạnh 6,3 và 5,8 độ richter.

“10 giờ tối chúng tôi mới đến được điểm tập kết do giao thông lúc này rất khó khăn, dọc hai bên đường là khung cảnh đổ nát hoang tàn khủng khiếp và vắng lặng. Mặt khác, do trục trặc trong việc vận chuyển vật chất hậu cần vì tình hình khá hỗn loạn nên thất lạc nhiều lều bạt, dụng cụ cấp dưỡng. Số vật chất này do Tổng cục Hậu cần và chúng tôi chuẩn bị, cần tới 3 xe hàng mới chở hết.

Phải đến 2 giờ sáng hôm sau thì chuyến hàng đầu tiên mới tới. 3 ngày đầu tiên anh em phải ăn mì tôm, thịt hộp, rau (khoai tây, bí xanh, bắp cải) là chính”, Thiếu tá Tài nhớ lại.

Không ngại hiểm nguy

Vừa tạm ổn định đội hình sau chặng hành trình mệt mỏi, những người lính Việt Nam bắt tay thực hiện nhiệm vụ ngay. Lực lượng Quân y có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân động đất và cứu chữa lực lượng cứu hộ nếu xảy ra sự cố. Lực lượng Công binh với các thiết bị chuyên dụng song hành cùng lực lượng Biên phòng sử dụng chó nghiệp vụ để hỗ trợ nhau làm việc.

Có thời điểm chó nghiệp vụ Biên phòng đánh hơi phát hiện được nơi vùi lấp nạn nhân dưới độ sâu hàng mét, khi thì Công binh phải sử dụng thiết bị soi chiếu chuyên dụng và radar xuyên đất (tối đa gần 20m) hoặc bộ dò tìm tổng hợp bằng âm thanh và hình ảnh để đưa vào các ngóc ngách những tòa nhà cao tầng sụp đổ để tìm kiếm nạn nhân.

Là một trong 7 quân nhân trẻ của đội Công binh được T.Ư Đoàn tặng Bằng khen sau khi trở về từ TNK, Thượng úy Nguyễn Đức Nhất (SN 1993) - Trung đội trưởng Trung đội 11 thuộc Tiểu đoàn Công binh 93, cho biết, quá trình cứu hộ tại hiện trường lần này có rất ít lối thoát ra, thậm chí chỉ có một lối.

Trước khi vào làm nhiệm vụ, anh và đồng đội phải dọn đường trước, phòng trường hợp nếu sập đổ xuống tiếp thì có đường thoát kịp thời. Đồng thời luôn có đồng đội đứng phía ngoài quan sát, khi có động kịp thời hô to để anh em thoát ra, thậm chí phải có 2 đến 3 người cảnh giới các hướng của tòa nhà sập đổ.

Cuộc cứu hộ chưa có tiền lệ của Công binh Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Thiếu tá Lê Đức Tài và các đồng đội. ẢNH: NGUYỄN MINH

Năng lực cứu hộ cứu nạn của Công binh Việt Nam trong nhiệm vụ đặc biệt này đã được ghi nhận và chứng minh bằng những kết quả tích cực mà điển hình là việc tìm thấy 2 nạn nhân còn sống sót vào ngày 16/2. Theo hiệp đồng với cơ quan điều phối, từ buổi sáng, lực lượng Công binh và chó nghiệp vụ Biên phòng Việt Nam dưới sự chỉ huy của Tổng chỉ huy - Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ đã thực hiện tìm kiếm tại 3 điểm với 6 vị trí.

Những điểm này đều nằm tại những tòa nhà cao tầng bị đổ, sập nghiêm trọng. Tại mỗi vị trí, sau khi thống nhất với lực lượng cứu hộ địa phương, Công binh sử dụng kìm thủy lực cắt sắt mở đường, sau đó đưa chó nghiệp vụ luồn sâu để đánh hơi và kiểm tra chéo, cuối cùng đội Công binh dùng thiết bị dò tìm để đánh giá chính xác tình hình.

Chiều 16/2, sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, hai vị trí có nạn nhân vẫn còn dấu hiệu sự sống đã được phát hiện và bàn giao cho lực lượng cứu hộ nước chủ nhà tiếp tục công tác cứu nạn.

Cuộc cứu hộ chưa có tiền lệ của Công binh Việt Nam - Ảnh 4.
Cuộc cứu hộ chưa có tiền lệ của Công binh Việt Nam - Ảnh 5.

Lực lượng Công binh Việt Nam dùng thiết bị chuyên dụng tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2/2023. ẢNH: PV

Nỗ lực hết mình

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tại TNK, nhiều tình huống thương tâm đã hằn sâu trong ký ức Phó Tiểu đoàn trưởng Lê Đức Tài và đồng đội. Anh kể: Tại hiện trường tìm kiếm, người thân của một cậu bé 11 tuổi bị vùi lấp nhiều ngày trong đống đổ nát vẫn ngày ngày tìm con trong vô vọng, họ liên tục dùng dụng cụ gõ từng vị trí trong ngôi nhà sập với hy vọng mong manh. Thiếu tá Tài vào tìm và dùng máy soi chiếu thì thấy vị trí cậu bé ở cách mặt đất 2m, toàn bộ phần lan can của tòa nhà 7 tầng đè xuống khiến cậu bé không thể chạy thoát khi động đất xảy ra và khuôn mặt bị biến dạng bởi sức ép quá lớn.

“Lúc này, lực lượng cứu hộ của nước chủ nhà cũng đang tìm kiếm ở đó nhưng không phát hiện ra vì họ sử dụng máy xúc và thiết bị cầm tay là chính nên việc tìm kiếm khá hạn chế. Khi nhìn thấy hình ảnh con mình trên màn hình máy soi chiếu, bố cháu bé ôm mặt chạy ra ngoài khóc lịm đi, mọi người đều rơi nước mắt. Thời điểm tìm thấy cháu bé là 10 ngày sau trận động đất. Chúng tôi đã cắt các kết cấu bê tông bị sập và đưa thi thể cháu bé ra ngoài”, Thiếu tá Tài rưng rưng nói.

Cũng theo Thiếu tá Tài, trang bị của Tiểu đoàn 93 mang đi chỉ cắt, gỡ được cấu kiện nhỏ, chồng lấn lên nhau ít. Còn đối với những tòa nhà sập hoàn toàn thì trang bị hạng nhẹ không thể kê kích toàn bộ nhà. Lúc này phải phối hợp với các lực lượng khác để phá cấu kiện để tiến hành cứu hộ. Điều đáng nói là những vị trí mà Công binh Việt Nam trực tiếp dò tìm đều cho kết quả chính xác vị trí các nạn nhân, sau đó bàn giao cho nước chủ nhà để họ dùng máy xúc bóc dỡ cả ngôi nhà ra.

Cuộc cứu hộ chưa có tiền lệ của Công binh Việt Nam - Ảnh 6.

Lực lượng Công binh và Biên phòng phối hợp tìm kiếm các nạn nhân. ẢNH: PV

Với Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng - Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát 1 của Tiểu đoàn Công binh 93, khoảnh khắc chứng kiến những đôi mắt đỏ hoe cầu khẩn của người dân TNK hướng về lực lượng cứu hộ đã khiến những người lính Công binh Việt Nam và đồng đội tự nhủ phải gắng sức nhiều hơn nữa.

Đại úy Hưng kể: Tại một toà nhà đã đổ sập hoàn toàn, có một gia đình gồm 5 người thì chỉ một người đàn ông 30 tuổi may mắn thoát nạn. Thi thể 3 người thân của người đàn ông này (gồm bố, mẹ và anh trai) đã được lực lượng cứu hộ sở tại tìm thấy nhiều ngày trước, còn thi thể người em gái vẫn chưa tìm thấy. Lực lượng Công binh và chó nghiệp vụ Biên phòng của ta vào hiện trường tìm kiếm lần đầu cũng không có kết quả. Cho rằng đã hết cách, lực lượng của nước sở tại trao đổi với lực lượng của Việt Nam ngừng tìm kiếm.

“Nhìn ánh mắt đau khổ của người đàn ông này, tôi quyết định tiếp tục tìm kiếm tại vị trí ước lượng căn phòng cô gái ở theo thông tin của người anh trai và nhờ máy xúc của nước sở tại tạo cho một lối vào hẹp. Sau đó tôi cử một đồng đội cảnh giới nguy hiểm rồi trực tiếp chui vào sử dụng bộ dò tìm tổng hợp Seaechcam thì phát hiện một chân của cô gái qua camera dò tìm. Toàn bộ quá trình tìm thấy vị trí thi thể cô gái mất khoảng 40 phút”, Đại úy Hưng nói.

Cảm ơn bộ đội Việt Nam!

Đảm nhiệm vai trò Đội phó đội Công binh cứu sập sang giúp TNK, Thiếu tá Trần Thế Thành - Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự Tiểu đoàn Công binh 93, cho biết, ngoài nhiệm vụ cùng đội trưởng chỉ huy đội hình Công binh, anh còn có nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, quân y, ăn ở, sinh hoạt của anh em trong đội và nắm bắt tình hình tư tưởng để kịp thời động viên mọi người.

Thiếu tá Thành kể: Đội chia thành hai bộ phận luân phiên thực hiện nhiệm vụ từ sáng đến 10 giờ tối, buổi trưa chỉ ăn nhẹ tại hiện trường, các bữa ăn trưa được chuẩn bị từ sáng và để trong ba lô gồm lương khô, mì tôm hay vài chiếc bánh. Anh em bắt đầu hành quân từ lúc 8 giờ sáng bằng xe ca do Đại sứ quán Việt Nam tại TNK hỗ trợ hoặc xe tải của Quân đội TNK. Tuy quãng đường chỉ chừng 15km nhưng mất khá nhiều thời gian do phải đi đường vòng vì đường sá hư hỏng nặng.

Lúc mới sang do bị thất lạc vật chất trang bị nên lực lượng Biên phòng và Quân y không đủ lều bạt, chăn ấm, đội Công binh đã “nhường cơm sẻ áo” với đồng đội bằng cách ngủ ghép 2 người trong mỗi lều bạt cá nhân mang theo từ nhà. Để chống lại cái lạnh thấu xương do phải nằm trên nền của một sân vận động nên họ phải ôm chặt lấy nhau nhằm tăng thân nhiệt cho dễ ngủ.

Vài ngày sau, Trung tâm điều phối cứu hộ, cứu nạn của TNK cấp lều bạt mới to hơn, có lớp nỉ bên trong giữ ấm tốt hơn và phía ngoài có lớp nilon chống nước thì anh em nảy ra sáng kiến lắp lều bạt mới cấp trùm lên lều bạt cá nhân để chống lạnh.

“Nước sạch rất khan hiếm nên chúng tôi tắm rửa rất ít, có khi 3-4 ngày mới tắm một lần, nhưng chỉ là tắm qua cho đỡ cáu bẩn phần nào, có thời điểm còn phải lấy nước đóng chai để lau qua người. Cũng may thời tiết lạnh nên cũng đỡ khó chịu. Nhưng đêm ngủ thì rất lạnh vì nhiệt độ thường xuyên dưới âm độ C, ngủ dậy tất cả các lều bạt đều bị đóng tuyết ở trên, nước thì đóng băng thành lớp”, Thiếu tá Thành chia sẻ.

Một trong những kỷ niệm xúc động nhất của Thiếu tá Thành tại tâm chấn động đất là câu chuyện về kỷ vật đặc biệt của một cô gái địa phương. Anh cho biết, trong lúc đang chờ đợi máy xúc cào bới đống đổ nát tại một khu nhà, một cô gái chừng 19 tuổi cứ nấn ná đòi vào bên trong ngôi nhà ở tầng 3 nhưng chính quyền không chấp thuận do nguy hiểm. Cô gái chạy tới đoàn cứu hộ Việt Nam nhờ giúp đỡ vì trong đó có một kỷ vật đặc biệt là chiếc lắc tay của bà nội cô (người bà đã mất trước đó nhiều năm). Thiếu tá Thành đã báo cáo chỉ huy Quân đội TNK đang quản lý khu vực đó để bộ đội Việt Nam phá hai lớp cửa khá kiên cố giúp cô gái lấy lại kỷ vật đặc biệt này.

“Dù biết có nguy hiểm, nhưng trước ánh mắt nài khẩn của cô ấy, chúng tôi không đành lòng. Sau khi cân nhắc và thực hiện các biện pháp an toàn, tôi cử 3 đồng chí vào dùng thiết bị chuyên dụng phá cửa thành công. Lúc đó, đại diện chính quyền địa phương và Quân đội TNK đã nhờ phiên dịch nói rằng họ cảm ơn sự dũng cảm, trách nhiệm của bộ đội Việt Nam, còn cô gái thì rưng rưng xúc động và ôm chặt lấy chúng tôi”, Thiếu tá Thành nhớ lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại