Cuộc chiến ung thư của người bà với đứa trẻ bị bỏ rơi

Hà Vy |

Mười năm trước, bà Bé Hai đón thằng cu Khang trên vỉa hè, đưa về nuôi. Mười năm sau, bà lại tất tả ngược xuôi, vay mượn, tìm cách giữ cháu trước bệnh ung thư.

Trưa tháng 6, trong phòng bệnh ở Khoa Ung bướu Huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2, bà Nguyễn Thị Bé Hai, 58 tuổi, ngồi xoa bóp tay chân cho đứa cháu nuôi Hữu Khang, 10 tuổi. Sắp xong đợt thứ 3 vào hóa chất vì bệnh bạch cầu cấp lympho T nguy cơ cao (một dạng ung thư máu), tóc Khang giờ mọc lưa thưa, người gầy rộc.

Theo cháu điều trị ở viện, bà Hai cũng thủ sẵn thuốc cao huyết áp để uống mỗi ngày. Vì sức khỏe yếu, nhiều năm nay bà Hai không đi làm, ở nhà nội trợ nhưng vì Khang, bà không ngại tất tả ngược xuôi lo cho cháu.

"Bà con dưới quê khuyên tôi đem cháu về rồi trị thuốc nam được ngày nào hay ngày đó nhưng tôi không chịu. Khi nào bác sĩ bó tay tôi mới đành lòng đưa cháu về", người phụ nữ quê Long Xuyên, An Giang nói.

Cuộc chiến ung thư của người bà với đứa trẻ bị bỏ rơi - Ảnh 1.

Bà Hai và bé Khang ở Bệnh viện Nhi đồng 2 trưa ngày 6/6. Ảnh: Hà Vy.


Hữu Khang tình cờ gắn bó với gia đình bà Hai vào một ngày cuối năm 2012. Khi đang được con trai út lúc bấy giờ 17 tuổi chở trên xe máy, bà Hai thấy có đứa trẻ đen nhẻm, đang khóc oe oe bên đường nên bảo con dừng lại. Trên bụng bé là tờ giấy khai sinh tên Phan Tạ Hữu Khang, sinh ngày 6/7/2012, phần tên cha để trống. Đoán em bị bỏ rơi, bà Hai bàn với con trai đem về nuôi.

Anh Nguyễn Văn Sự, con trai bà Hai, hỏi: "Má nhắm nuôi nổi không?". Người mẹ trả lời: "Giờ mình không nuôi thì bỏ nó ở đây cho ai?"

Vậy là vợ chồng bà có thêm con nuôi khi tóc đã ngả màu. Chi phí lo sữa cho Khang được lấy từ khoản lương hơn 2 triệu đồng của ông và đàn gà chục con trong vườn của gia đình. Hai con của ông bà, một trai một gái, đã lập gia đình, điều kiện kinh tế cũng không dư dả. Bà Hai chia sẻ, dù nhà nghèo, phải ở thuê nhưng may mắn Khang là đứa dễ nuôi, không ốm vặt.

Khi Khang tập nói, em gọi bà Hai là má. Thấy mình đã già, bà dạy Khang gọi là bà ngoại. "Cháu nó không biết mình là trẻ mồ côi cho đến khi đi học nghe bạn bè hỏi. Chắc vì còn nhỏ cháu chưa từng muốn tìm gặp cha mẹ mà chỉ biết có ông bà ngoại", bà Hai kể.

Cuối năm ngoái, Khang đột nhiên lên cơn sốt liên miên. Khi những liều thuốc hạ sốt không còn tác dụng, bà Hai đưa em lên bệnh viện tỉnh. Ở đây, bác sĩ không tìm ra bệnh của Khang, khuyên bà phải đưa lên bệnh viện ở Sài Gòn. Sau nhiều lần chuyển viện để tìm nơi phù hợp với điều kiện kinh tế eo hẹp của gia đình, hai bà cháu dừng chân tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

"Ở đây, cháu được bảo hiểm chi trả 80%", người bà không biết chữ cho hay, và nhớ lại khoảnh khắc từng khóc nức nở vì lạc đường, tưởng lạc cháu trong ngày đầu nhập viện.

Trước khi đi, gia đình bà góp được 8 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí điều trị, chi trả cho toa thuốc đầu tiên của Khang, cùng với ăn uống, đi lại... mất gần 30 triệu đồng. Bà Hai lại gọi điện về nhờ chồng con vay mượn, nhờ người quen xin thêm các nhà hảo tâm.

Sau này, bà được hướng dẫn đến Phòng Công tác Xã hội của bệnh viện, làm các thủ tục để nhận hỗ trợ. Từ toa thuốc thứ hai, Khang được chương trình Mặt trời Hy vọng tài trợ chi phí điều trị. Lần này đã quen đường từ quê lên viện, bà đi xe khách thay vì thuê xe dịch vụ như đợt đầu nên đỡ tốn kém hơn.

Cuộc chiến ung thư của người bà với đứa trẻ bị bỏ rơi - Ảnh 2.

Bà Hai luôn thủ sẵn rất nhiều thuốc vì sức khỏe yếu. Đang bị cao huyết áp phải dùng thuốc mỗi ngày nên bà rất lo sợ nếu mình đổ bệnh thì gia đình không có ai đưa Khang đi bệnh viện. Ảnh: Hà Vy.


Dù sức khỏe yếu, gần nửa năm nay, bà Hai một mình lo liệu cho cháu. Nhiều lần thấy các bạn trong phòng ăn gà rán, tôm cua... em đòi ngoại nhưng vì không có tiền, bà đành giải thích để cháu ăn cơm căng tin. Phần mình, bà Hai chờ xin cơm từ thiện để tiết kiệm.

Nhiều đêm, bà không ngủ được vì Khang vào thuốc than mệt và đau. Lo chân Khang sẽ yếu vì những lần truyền hóa chất vào bắp chân, bà Hai dìu cháu đi lại hàng trăm vòng ở hành lang bệnh viện.

Ở quê, ông Nguyễn Văn Tâm, 59 tuổi, chồng bà Hai, hiện làm giữ kho với mức lương 2 triệu chẳng dám bỏ việc để phụ vợ, hàng ngày tự cơm nước. Trước khi Khang được về quê ít hôm, ông Tâm tranh thủ những đêm mưa soi đèn bắt ếch, bắt lươn rồi làm sạch cất tủ lạnh để cháu về tẩm bổ.

"Nuôi cháu nhiều năm đã mến tay mến chân nên tôi ủng hộ quyết định chữa bệnh cho cháu của vợ. Chứ đem cháu về, nhìn cháu đau đớn sao chúng tôi chịu được", ông Tâm chia sẻ.

Sau một thời gian trị bệnh, Khang không đòi về nhà như trước nữa. Nhiều lần ôm bà ngoại, Khang thủ thỉ: "Lúc trước, cháu nói giờ bà nuôi cháu, lớn lên cháu sẽ đi làm kiếm tiền nuôi lại bà. Nhưng giờ cháu bệnh như thế này không biết sau này có nuôi ông bà được không?".

Bà Hai không biết trả lời như thế nào, chỉ biết quay mặt lau nước mắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại