Ảnh (minh họa): The New Yorker
Ngày 11-10, trả lời phỏng vấn độc quyền với Đài CNN, ông Biden đã gửi đi "một thông điệp cẩn trọng nhưng rõ ràng và lạnh sống lưng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine", theo bình luận của đài này.
Thông điệp của ông Biden
Người phỏng vấn ông Biden, nhà báo Jake Tapper, hỏi ông có nghĩ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân "trong tình thế tuyệt vọng là [họ] thua cuộc" không. "Tôi không nghĩ vậy" - ông Biden đáp nhưng vẫn muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng.
"Những gì tôi đang nói đây là tôi muốn nói với Putin. Ông ấy thực sự không thể cứ nói về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tùy tiện như thể đó là một động thái duy lý...
Sai lầm có thể phát sinh, những tính toán không chính xác có thể xảy đến, không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra và chúng ta có thể đi tới tận thế", tổng thống Mỹ nói.
Ý ông Biden là những gì mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo, rằng chiến sự leo thang sẽ không thể kiểm soát nếu một quả bom hạt nhân được kích hoạt từ Nga và phương Tây trả đũa.
Trong suốt thời chiến tranh lạnh, logic của học thuyết răn đe hạt nhân là việc sử dụng kho đạn hạt nhân chiến lược tầm xa sẽ là tự sát với cả Mỹ và Liên Xô.
Tuy nhiên, mối lo hiện giờ là phương trình cân bằng đấy không rõ có tồn tại ở Ukraine không do chính quyền Kiev không có trong tay vũ khí này, còn cam kết của phương Tây, cụ thể là Mỹ, tới mức nào thì chưa rõ.
Ông Biden có vẻ muốn làm rõ cam kết đó khi nói ngay cả vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng là không thể chấp nhận.
Ở đây cũng cần phân biệt một chút hai mức độ vũ khí hạt nhân. Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm bom không có điều khiển, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, bom chìm và ngư lôi có trang bị đầu đạn hạt nhân với sức nổ thường là nhỏ.
Đây là những loại vũ khí hạt nhân được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, trong các tình huống quân sự, ngay cả khi có các lực lượng phe ta ở gần hoặc thậm chí trên lãnh thổ phe ta.
Trong khi đó, vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế nhắm vào các mục tiêu thường cách xa vùng chiến sự, phục vụ các mục tiêu chiến lược như căn cứ quân sự, sở chỉ huy, cơ sở công nghiệp quốc phòng, hạ tầng vận tải, kinh tế... ở sâu trong lãnh thổ đối phương, bao gồm cả các đô thị đông đúc dân cư.
Sức tàn phá của loại vũ khí này từng được thể hiện rõ qua hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.
Nhà báo Tapper đã cố gắng làm rõ cam kết của Mỹ khi hỏi ông Biden "lằn ranh đỏ" của Mỹ và NATO ở Ukraine là gì và Washington sẽ phản ứng ra sao nếu ông Putin đánh bom một nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine hay sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
"Sẽ là vô trách nhiệm nếu tôi lại lên tiếng về những gì chúng tôi sẽ làm hay sẽ không làm", ông Biden nói. Không thể có một câu trả lời rõ ràng, ông Tapper chuyển hướng rằng Lầu Năm Góc đã chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh hạt nhân chưa. Ông Biden điềm tĩnh đáp: "Chuyện đấy là đương nhiên".
Nguy cơ thấp nhưng vẫn đáng lo
Hiện nhiều chuyên gia cho rằng có lý do để hy vọng vũ khí hạt nhân sẽ không được sử dụng ở Ukraine, bởi nguy cơ thảm họa phóng xạ với chính Nga trong một cuộc chiến diễn ra sát lãnh thổ (hay thậm chí là trong lãnh thổ) của họ. Bản thân ông Biden cũng nói ông tin ông Putin vẫn là một người "duy lý".
"Khả năng [sử dụng vũ khí hạt nhân] là không cao, thậm chí là rất thấp - CNN dẫn lời Joseph Cirincione, chuyên gia về giải trừ vũ khí hạt nhân từng là chủ tịch Quỹ Plowshares - Nhưng đây là một trường hợp xác suất thì thấp mà hậu quả thì nghiêm trọng".
Trong khoa học về rủi ro, một biến cố xác suất cao và hậu quả nghiêm trọng đương nhiên là đáng sợ, nhưng một biến cố xác suất thấp và hậu quả nghiêm trọng cũng tương đương với một biến cố có xác suất trung bình, và thật đáng lo ngại nếu nghĩ rằng nguy cơ về một cuộc chiến hạt nhân đang là 50 - 50.
Tỉ phú Mỹ Elon Musk đã bác thông tin nói ông có trao đổi với ông Putin về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi đăng lên Twitter bản kế hoạch hòa bình gây tranh cãi vào tuần trước, trong đó chủ Hãng Tesla đề nghị Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Ngày 11-10, ông Ian Bremmer, người đứng đầu tổ chức tư vấn khủng hoảng chính trị Eurasia Group, đã loan đi tin đó và khẳng định nguồn của ông chính là Musk, theo Đài CNBC.
"Elon Musk nói với tôi rằng ông ấy đã trao đổi trực tiếp với Putin và Điện Kremlin về Ukraine - Bremmer viết trên Twitter - Ông ấy cũng cho biết những lằn ranh đỏ của Kremlin là gì. Tôi đã viết về địa chính trị 24 năm. Tôi luôn trung thực, không sợ hãi hay thiên vị, và lần này cũng vậy".
Trong một tin thư của Eurasia Group, Bremmer nói ông Musk cho ông biết tổng thống Nga "sẵn sàng thương lượng" nhưng chỉ khi Crimea thuộc về Nga, Ukraine chấp nhận trung lập vĩnh viễn và công nhận việc Nga sáp nhập Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia.