Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý |

Hội nghị vắc xin là đỉnh điểm của trò chơi chính trị đã diễn ra trong nhiều tháng trước đó, bắt nguồn từ những nỗ lực tự vệ của ông Trump trước những đòn tấn công của phe Dân chủ.

Người dân khắp thế giới đang nóng lòng chờ đợi vắc xin ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nước Mỹ là tâm điểm của sự chú ý bởi những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc phát triển, thử nghiệm, sản xuất và cung cấp vắc xin cho người Mỹ và người dân các nước khác, và bởi Mỹ có uy tín luôn là nước xuất sắc nhất trong sản xuất dược phẩm chất lượng cao.

Hội nghị cấp cao về vắc xin vừa được tổ chức hôm thứ Ba tại Nhà Trắng nhằm mục đích ra mắt vắc xin ngừa Covid-19 được sản xuất thành công trong khuôn khổ sáng kiến đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin phòng ngừa Covid có tên gọi Chiến dịch "​​Operation Warp Speed" – Chiến dịch vắc xin thần tốc ​​của Tổng thống Trump. Chiến dịch này đã rút ngắn thời gian phát triển - phân phối vắc xin từ 5-10 năm xuống chỉ còn tính bằng tháng.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 1.

Quy trình rút ngắn không bỏ qua bất kỳ bước nào để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của vắc xin. Đây sẽ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử y học với sự đóng góp của các công ty sản xuất và phân phối dược phẩm tư nhân; các cơ quan chính phủ và các nhà khoa học; cùng với lực lượng hậu cần quân đội.

Phó Tổng thống Mike Pence và Giám đốc chương trình vắc xin, Tiến sĩ Moncef Slaoui, là những người xứng đáng được ghi nhận sau mọi nỗ lực của họ trong Chiến dịch Vắc xin thần tốc. Tổng thống Trump xứng đáng được ghi nhận với nỗ lực thúc ép tất cả các bên liên quan gấp rút hoàn thành tiến độ và huy động các công ty tư nhân hợp tác trong chiến dịch đẩy lùi đại dịch.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 2.

Hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng Hội nghị cấp cao về vắc xin sẽ là một thời điểm kỷ niệm trọng đại, nhưng thực tế không phải vậy. Thay vào đó, sự kiện này lại là đỉnh điểm của trò chơi chính trị đã diễn ra trong nhiều tháng trước đó, bắt nguồn từ những nỗ lực tự vệ của ông Trump trước những đòn tấn công của phe Dân chủ. Cuộc chiến đó chưa bao giờ kết thúc.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump đang đối mặt nhau trong trận chiến nảy lửa về kết quả bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11. Trước đó, chiến dịch của ông Biden đã quyết định chính trị hóa chương trình vắc xin với tuyên bố rằng ông và ứng viên Phó Tổng thống, bà Kamala Harris sẽ không tiêm vắc xin vì chương trình sản xuất vắc xin đó là của ông Trump phát động. Họ đã làm mọi cách để người dân không tin vào tiêm chủng. Kết quả là nhiều người Mỹ nói rằng họ sẽ không tiêm vắc xin: khảo sát cho thấy 40% dự định không tiêm.

Ngược lại, ông Trump đã dành mọi nỗ lực để truyền thông vận động cho Chương trình Vắc xin thần tốc và chương trình tiêm chủng. Để tự vệ trước các đòn tấn công của đảng Dân chủ, ông Trump đã chính trị hóa Chương trình Vắc xin thần tốc tại các cuộc họp báo hàng ngày về đại dịch, các cuộc vận động tranh cử và trên Twitter. Chính vì vậy, phe Dân chủ cho rằng, mọi nỗ lực của chính quyền TT Trump liên quan đến vắc xin không đơn thuần chỉ là những hoạt động quan hệ công chúng.

Các bên khác trong chiến dịch đã chọn phe. Pfizer, một công ty phát triển vắc xin hàng đầu, đã chờ đến sau ngày bầu cử 3/11 mới công bố kết quả thử nghiệm vắc xin của mình. Moderna cũng ém, không công bố thông tin trước bầu cử. Pfizer không che giấu sự thật rằng họ không ủng hộ ông Trump và không muốn chiến dịch của ông giành chiến thắng. Khi Pfizer tuyên bố thử nghiệm vắc xin thành công, công ty này cũng nói rằng họ đã không nhận bất kỳ khoản tài trợ nào từ chính phủ Mỹ và do đó họ không có liên quan gì đến Chiến dịch Vắc xin thần tốc của ông Trump. Pfizer cũng tuyên bố rằng họ không tham gia vào chiến dịch vì không muốn bị chính phủ và các nhà khoa học Mỹ cản đường.

Tuyên bố của Pfizer là không đúng sự thật: chính phủ Mỹ đã trả trước 1,95 tỷ đô la cho Pfizer để đặt hàng mua vắc xin, bất kể vắc xin do công ty này sản xuất ra có hiệu quả hay không. Đây là một sự đảm bảo vô cùng quan trọng, là điều kiện tiên quyết để các công ty dược phẩm tham gia vào một sáng kiến ​​rủi ro cao như vậy.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 3.

Andrew Cuomo, Thống đốc phe Dân chủ của tiểu bang New York, đã tuyên bố một cách vô trách nhiệm rằng ông sẽ không phân phối vắc xin được sản xuất trong Chiến dịch thần tốc của ông Trump cho cư dân tiểu bang vì ông ấy cho rằng vắc xin đó sẽ không an toàn. Ông Cuomo cũng chỉ định một nhóm chuyên gia riêng để đánh giá lại các phân tích của các công ty tư nhân và các cơ quan chính phủ. Rõ ràng, đây là một nỗ lực có mục đích phá hoại chương trình Vắc xin thần tốc.

Thật trớ trêu cho ông Cuomo khi chính phủ Anh và Canada đã phê duyệt vắc xin của Pfizer; và có khả năng Mỹ sẽ phê duyệt trong tuần này.

Một số quan chức và nhà khoa học chủ chốt trong Chiến dịch vắc xin thần tốc của ông Trump đã phát biểu trên báo chí và tại các phiên điều trần của quốc hội bày tỏ sự nghi ngờ của họ về những tuyên bố của ông Trump liên quan đến vắc xin, đặc biệt là về khả năng cung cấp vắc xin. Ý kiến của những người này đã nhận được sự chia sẻ từ những người đồng cấp từ thời chính quyền ông Obama và bà Clinton.

Nhiều người tin rằng ông Trump đã gây sức ép quá mức đối với các cơ quan chính phủ để được phê duyệt vắc-xin. Tuy nhiên, nguyên tắc ở đây là vắc xin phải có hiệu quả nên việc ông Trump có gây áp lực thế nào cũng không ảnh hưởng đến độ an toàn và chất lượng của vắc xin.

Ông Trump, tất nhiên, đã phản công lại những ý kiến công kích trên tài khoản Twitter của mình và trong các cuộc vận động tranh cử. Ông cáo buộc các bên này cố tình phá hoại nỗ lực của mình. Ông cũng moi lại thất bại trước đó của những người này trong nỗ lực chống HIV-AIDS, SARS và Ebola. Không bên nào thắng trong cuộc khẩu chiến này.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 4.

Bầu cử đã hoàn tất được một tháng, ông Trump đang tận dụng tối đa mọi mặt trận nhằm tiến tới mục tiêu lật đổ chiến thắng của ông Biden tại Toà án tối cao. Tuy nhiên, chính trị vắc xin không những vẫn tiếp tục mà còn trở nên khủng khiếp hơn.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 5.

Kế hoạch của đảng Dân chủ là sẽ không ghi nhận công sức của ông Trump đối với thành công của Chương trình vắc xin thần tốc, kể cả khi ông có thua trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống. Ở phía kia, ông Trump tiếp tục phản công, khiến cục diện ngày càng tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với ông Biden.

Ngay trước Hội nghị cấp cao về vắc xin, ông Biden đã tuyên bố rằng trong 100 ngày đầu tiên sau khi ông nhậm chức, ông sẽ đưa ra 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19. Con số này trùng khớp với con số mà Trump đã công bố từ trước đó.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 6.

Đồng thời, ông Biden liên tục tuyên bố rằng ông Trump không có kế hoạch phân phối vắc-xin và mọi tuyên bố của ông Trump về việc này chỉ là dối trá. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden hầu như không đưa ra được kế hoạch chi tiết nào để đối phó Covid-19 ngoài những việc mà chính quyền của ông Trump đã thực hiện. Tại Hội nghị cấp cao về Vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar đã có bài trình bày rất chi tiết về kế hoạch phân phối vắc xin mà ông Biden nói không tồn tại. Cùng với đó, các công ty chuyển phát Fedex và UPS cũng trình bày cụ thể về kế hoạch giao nhận vận tải cho Chương trình phân phối vắc xin.

Vừa mới đây, ông Biden thông báo sẽ giữ Tiến sĩ Anthony Fauci tham gia nhóm đặc nhiệm Covid của mình. Ông Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm gần đây đã trở thành một cái gai đối với chính quyền của ông Trump bởi những tuyên bố, có lúc đúng, có lúc không.

Pfizer thông báo đại diện công ty sẽ không tham dự Hội nghị cấp cao về Vắc xin, mặc dù đây là sự kiện để kỷ niệm thành tựu của các công ty dược phẩm trong việc sản xuất vắc-xin. Moderna, một công ty sản xuất vắc xin khác, cũng cáo từ.

Báo chí Mỹ tiếp tục các cuộc công kích cá nhân nhắm vào ông Trump và tung ra những tin tức tiêu cực sai lệch về kế hoạch phân phối vắc-xin. Khi ông Trump ban hành mệnh lệnh hành pháp yêu cầu vắc-xin sẽ được cung cấp cho người Mỹ trước tiên, đặc biệt là những người làm việc ở tuyến đầu, nhân viên y tế, những người có bệnh nền và người cao tuổi, thì ngay lập tức báo chí nói rằng đây là chỉ thị bất khả thi. Tất cả mọi động thái của báo chí Mỹ đều hướng đến một mục đích là làm xói mòn niềm tin vào các nỗ lực vắc xin.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 7.

Báo chí Mỹ tiếp tục sử dụng các cuộc họp báo của ông Trump để chọc giận, gài bẫy hoặc làm mất uy tín của ông. Một phóng viên đặt câu hỏi tại sao ông Trump không mời nhóm đặc trách đại dịch của ông Biden tham dự Hội nghị cấp cao về Vắc xin. Phóng viên này đã lờ đi thông tin rằng thành viên của nhóm đó là những người đầu sỏ của biệt đội chống đối ông Trump và không ngừng chỉ trích Chiến dịch Vắc xin thần tốc.

Về phần mình, ông Trump đã làm những việc thổi bùng lên ngọn lửa chia rẽ và bất hòa. Ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ không chuyển vắc xin đến New York vì Thống đốc Cuomo đã chống lại chiến dịch đẩy nhanh sản xuất vắc xin. Ông Trump nói rằng nếu đích thân ông Cuomo yêu cầu một cách đàng hoàng, thì việc này có thể được cân nhắc lại.

Cuộc chiến thảm hại đe dọa nhấn chìm một thành tựu y học vĩ đại - Ảnh 8.

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Mỹ, giới truyền thông và những người ủng hộ họ đã không thể đồng lòng sát cánh với nhau ngay cả trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như đại dịch Covid-19. Đến vắc xin cũng bị chính trị hoá suốt 24/7/365 ngày.

Tin tốt lành là những công ty và cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối và tiêm chủng một sản phẩm an toàn, đáng tin cậy, giá cả phải chăng đã và sẽ luôn luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Có lẽ, được như vậy đã là một điều tốt lắm rồi!

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại