Cuộc chiến quyền lực đằng sau sự đối đầu giữa chùa Dhammakaya và cảnh sát Thái Lan

Đức Huy |

Những xung đột giữa cảnh sát và tăng nhân giáo phái Dhammakaya trong tuần qua đã góp phần vén bức màn cuộc tranh giành quyền lực ẩn sau vỏ bọc tôn giáo tại Thái Lan.

Theo hãng tin Reuters, trong tuần vừa qua, khoảng 4.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội Thái Lan đã bao vây chùa Dhammakaya, "thánh địa" của hàng triệu tăng nhân tại vương quốc này, trong nỗ lực tìm kiếm và bắt giữ cựu trụ trì Phra Dhammachayo, người hiện đang bị truy nã với cáo buộc rửa tiền và nhiều hành vi phạm pháp khác.

Phóng viên thường trú tại Thái Lan của Reuters nhận định, với việc từ chối không tiết lộ nơi ẩn náu của cựu trụ trì, Dhammakaya đã "tạo ra thách thức lớn nhất" cho chính quyền quân sự (junta) kể từ vụ đảo chính năm 2014.

"Họ đang tìm cách gây bất ổn và ngầm phá vỡ quyền lực của nhà nước" - Paiboon Nititawan, một cựu nghị sĩ hiện đang được chính quyền bổ nhiệm vào hội đồng giải quyết các vấn đề tôn giáo của Thái Lan, phát biểu.

Theo Reuters, xã hội Thái Lan luôn có 3 cột trụ chính: Nhà nước, nền quân chủ, và tôn giáo.

Chế độ cầm quyền hiện kiểm soát 2 cột trụ nhà nước (thông qua junta) và quân chủ (thông qua tân vương Maha Vajiralongkorn). Nhà vua mới đây đã bổ nhiệm Somdet Phra Maha Muneewonga, một vị tu hành có tư tưởng truyền thống, đối nghịch với triết lý hiện đại của Dhammakaya, vào vị trí Đức Thượng phụ tối cao Thái Lan.

Sự khác biệt của Dhammakaya

Phật giáo Thái Lan có không dưới 40.000 giáo phái khác nhau, nhưng Dhammakaya ở một quy mô hoàn toàn khác. "Đại bản doanh" của Dhammakaya tại Bangkok có diện tích gấp 10 lần Vatican, với trung tâm là một ngôi chùa hình nón khổng lồ.

Cuộc chiến quyền lực đằng sau sự đối đầu giữa chùa Dhammakaya và cảnh sát Thái Lan - Ảnh 1.

Chùa Dhammakaya, thiền viện Phật giáo lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Kể từ năm 1970, Dhammakaya đã thành lập hơn 90 chi nhánh trên 35 quốc gia trên khắp thế giới. Họ có kênh truyền hình riêng, và liên tục quảng bá trên website cũng như các trang mạng xã hội. Các buổi lễ với sự tham gia của hàng chục nghìn tăng nhân cũng là đặc trưng của giáo phái được xây dựng theo mô hình hiện đại này.

Theo báo Thái Lan The Nation, sở dĩ Dhammakaya có thể đạt được quy mô vận hành như vậy là nhờ nguồn lực tài chính dồi dào, mà cụ thể hơn là thông qua mô hình kêu gọi quyên góp theo kiểu "góp nhiều thì lộc nhiều" của Dhammakaya.

"[Dhammakaya] đặt nặng yếu tố vật chất. Họ sẽ nói với các tín đồ rằng những gì họ quyên góp cho Dhammakaya sẽ là những gì họ sẽ nhận được khi lên thiên đàng. Thậm chí nếu đóng góp đủ nhiều, thì họ sẽ có lộc ngay khi còn dưới hạ giới" - Phra Thanomsingsukotalo, một nhà sư có tiếng ở Thái Lan, cho biết.

Nguồn lực tài chính dồi dào đã giúp Dhammakaya nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng. Bằng cách hỗ trợ cho các giáo phái đang gặp khó khăn, Dhammakaya đã kéo về phe mình hàng chục đồng minh. Từ đó, sự ủng hộ đối với Dhammakaya trong tăng đoàn (Sangha), hội đồng điều hành Phật giáo Thái Lan, cũng ngày một gia tăng.

Với cung cách vận hành đặt nặng tính vật chất của mình, không lấy gì làm ngạc nhiên khi Dhammakaya phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích.

"Họ đem cõi niết bàn ra để rao bán...", Mano Laohanavich, giáo sư chuyên ngành Phật giáo tại Đại học Thammasat (Thái Lan), người trước đây từng theo Dhammakaya nhưng giờ là một trong những tiếng nói chính phản đối giáo phái này, phát biểu với Reuters.

Tương tự với Laohanavich, một bộ phận không nhỏ giới tăng ni phật tử Thái Lan cho rằng triết lý quyên góp của Dhammakaya đi ngược lại với tư tưởng phi vật chất của Phật giáo chính thống.

Truy bắt cựu trụ trì, chính phủ công khai đối đầu Dhammakaya?

Trước sức ép từ tầm ảnh hưởng ngày một gia tăng của Dhammakaya, có nhiều ý kiến cho rằng việc chính quyền Bangkok truy bắt trụ trì Dhammachayo là một động thái có mục đích chính trị ẩn đằng sau.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Reuters, phát ngôn viên Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan (DSI) khẳng định, mục đích của chính phủ chỉ là bắt giữ Dhammachayo do cáo buộc ông có liên quan đến rửa tiền, và nhấn mạnh sẽ làm điều đó với một thái độ tôn trọng đối với Phật giáo.

Về phần mình, phía Dhammakaya cho biết cựu trụ trì Dhammachayo đang bệnh nặng, và chưa xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng nay. Họ cũng đặt dấu hỏi với các cáo buộc của chính quyền, tuy nhiên khẳng định đã và đang hợp tác điều tra.

"Chúng tôi chưa bao giờ có liên quan đến các vấn đề chính trị. Những gì chúng tôi làm đều minh bạch. Chỉ những người nắm giữ quyền lực một cách không phù hợp mới coi chúng tôi là mối đe dọa.

Tất cả những gì chúng tôi làm là dạy các tăng ni phật tử, dạy cách kiềm chế ham muốn cá nhân, dạy cách ngồi thiền. Làm vậy thì có gì sai?" - Phra Pasura Dantamano, người phát ngôn của Dhammayaka, phát biểu.

Ngoài ra, Dhammakaya cũng phủ nhận mọi cáo buộc có liên quan tới cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và phe áo đỏ. Weng Tojirakarn, một lãnh tụ phe áo đỏ, cũng xác nhận với Reuters rằng hai bên không có liên quan gì đến nhau.

Nguyên nhân đối đầu: Vị trí Đức Thượng phụ tối cao Thái Lan?

Năm ngoái, hội đồng điều hành Phật giáo Thái Lan Sangha đã tiến cử Somdet Phra Maha Ratchamangalacharn, còn được biết đến với cái tên Somdet Chuang, vào vị trí Đức Thượng phụ tối cao Thái Lan, vốn bị bỏ trống sau khi Đức Thượng phụ Somdet Phra Nyanasamvara viên tịch vào năm 2013.

Theo luật pháp Thái Lan, Đức Thượng phụ sẽ đảm nhiệm cương vị này cho đến khi viên tịch. Sau đó, Sangha sẽ tiến cử tu sĩ lớn tuổi nhất trong hội đồng tối cao để trở thành tân Đức Thượng phụ. Khi nhận được tiến cử của Sangha, chính phủ sẽ thay mặt Sangha trình lên hoàng cung Thái Lan để nhà vua phê chuẩn.

Tuy nhiên, trước sức ép của một bộ phận không nhỏ các tăng ni phật tử phản đối, chính quyền junta đã không chấp nhận nhân vật do Sangha tiến cử, và trì hoãn việc báo lên để nhà vua phê chuẩn.

Đáng nói ở chỗ, Somdet Chuang trước đây từng là thầy của Dhammachayo, người đang bị chính quyền junta truy nã. Somdet Chuang cũng đang bị điều tra vì cáo buộc trốn thuế.

Khi tân vương Thái Lan lên ngôi vào tháng 12/2016, luật pháp nước này đã có điều chỉnh, theo đó nhà vua sẽ có quyền lựa chọn Đức Thượng phụ mà không cần phải tham vấn Sangha. Đến tháng 2/2017, nhà vua đã bổ nhiệm Somdet Phra Maha Muneewonga, một người có tư tưởng truyền thống, vào vị trí Đức Thượng phụ tối cao Thái Lan, đối nghịch với triết lý hiện đại của Dhammakaya.

Như vậy, có thể tóm gọn cuộc chiến quyền lực trong Phật giáo tại Thái Lan hiện nay là một màn đối đầu giữa hai phe: một bên là Sangha có thiên hướng hiện đại với ảnh hưởng lớn từ nguồn lực tài chính dồi dào của Dhammakaya, và bên kia là phe truyền thống bất bình với con đường mà Sangha đang bước đi.

Ngoài ra, nếu xét trên các sự kiện diễn ra gần đây, có thể thấy phe truyền thống dường như có khả năng tác động đến giới cầm quyền Thái Lan. Với việc bổ nhiệm được Somdet Phra Maha Muneewonga vào ghế Đức Thượng phụ, có thể nói lợi thế hiện đang nghiên về phía phe truyền thống.

Tuy nhiên, những biến động trong tuần qua cho thấy Sangha sẽ không ngồi yên. Cuộc chiến giữa hai phe này hứa hẹn sẽ tiếp tục là tâm điểm chính sự tại Thái Lan trong thời gian tới, khi tung tích của sư Dhammachayo hiện vẫn là một ẩn số, và cuộc giằng co giữa cảnh sát và các nhà sư chưa có dấu hiệu hạ nhiêtj.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại