‘Cuộc chiến’ pháp lý vụ vợ chồng Trung Nguyên

HOÀNG YẾN |

Những lập luận của VKS ngược lại hoàn toàn với nhận định của tòa đang tạo ra “cuộc chiến” pháp lý khá thú vị.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, VKSND TP.HCM vừa có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên ) mà TAND cùng cấp đã tuyên.

Nhiều nội dung của bản án từng gây tranh cãi đã được bản kháng nghị chỉ ra và được các chuyên gia pháp lý đồng tình.

Tước quyền cổ đông là sai

Trong kháng nghị, VKS không đồng tình việc bản án sơ thẩm chia cổ phần trong bảy công ty thuộc Trung Nguyên theo tỉ lệ 6:4 vì không đúng với khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Đồng thời, việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty này và trả chênh lệch cho bà Thảo là không công bằng.

Vì cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu và cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty.

Việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại bảy công ty là đã tước mất quyền của bà Thảo theo Điều 110, Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014.

Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng theo Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác.

Đó là hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Việc tòa chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại bảy công ty và trả chênh lệch cho bà Thảo là không đúng.

Theo LS Công, khi chia tài sản liên quan đến cổ phần tại công ty, tòa đã mặc định quy ra số tiền là chỉ tính đến giá trị vật chất, chưa tính đến các giá trị phi vật chất của loại tài sản đặc biệt này.

Đúng như VKS lập luận như vậy là không công bằng cho bà Thảo khiến bà mất hoàn toàn quyền cổ đông. việc tòa tước hết quyền sở hữu cổ phần của một bên và yêu cầu phải chấp nhận để đổi bằng tiền, dẫn đến việc tước bỏ hàng loạt quyền của cổ đông.

Một thẩm phán chuyên xử án kinh tế tại TAND TP.HCM (xin giấu tên) phân tích, cổ đông không chỉ là tiền mà có nhiều quyền lợi khác. Việc tước hết cổ phần của bà Thảo không chỉ ảnh hưởng đến bà này mà còn những cổ đông khác.

Bởi cổ đông có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty. Như vậy, cổ đông khi sở hữu cổ phần không chỉ là tiền mà quan trọng hơn là để xác lập và thực hiện liên tục các nhóm quyền.

Đó mới là giá trị mà cổ đông mong muốn đạt được khi đầu tư góp vốn vào công ty cổ phần. Việc hoán đổi cổ phần để nhận lại bằng tiền nếu có phải được sự đồng ý của hai bên.

Do đó, tòa án không được quyền tước bỏ quyền sở hữu cổ phần của cổ đông, qua đó sẽ dẫn đến tước bỏ luôn tư cách cổ đông, mà đúng ra nó phải do chính cổ đông quyết định. Tòa không thể và không có quyền tước quyền sở hữu cổ phần của một bên và giao hết cho bên còn lại.

Ngoài ra theo vị thẩm phán, còn phải xác định giá trị tài sản của cổ phần thế nào để công bằng cho các bên. Cổ phần có hai giá trị là mệnh giá và giá thị trường (mệnh giá là giá trị danh nghĩa của cổ phần khi phân chia từ vốn điều lệ, giá thị trường mới là giá trị tài sản thực của cổ phần).

Do đó, tòa phải căn cứ vào giá thị trường của cổ phần để phân chia. Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường cao nhất ngày hôm trước, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp xác định.

Điều này đồng nghĩa là tòa án không có quyền xác định giá trị tài sản của cổ phần mà phải căn cứ vào các trường hợp xác định giá như quy định nêu trên của Luật Doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Cái thì chưa làm rõ, cái lại vượt quyền

Trong kháng nghị, VKS cho rằng án sơ thẩm tuyên đình chỉ tất cả yêu cầu khác của các bên đương sự ông Vũ và bà Thảo đối với các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thương mại với tư cách là cổ đông và thành viên công ty liên quan đến việc thành lập, chuyển nhượng, hoạt động, giải thể… chuyển đổi hình thức tổ chức công ty và các hoạt động khác về kinh doanh thương mại liên quan đến tất cả công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, là vượt quá yêu cầu khởi kiện của các đương sự, không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án và gây khó khăn cho việc thi hành án.

Đồng tình với VKS, LS Trần Hải Đức (Đoàn LS TP.HCM) cho biết việc đình chỉ đúng khi đương sự có yêu cầu tòa giải quyết nhưng sau đó rút yêu cầu.

Tuy nhiên, việc án tuyên như vậy là khá mù mờ và gây khó cho cơ quan có trách nhiệm thi hành án. Theo LS Đức, tư cách thành viên, tư cách cổ đông được luật quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản luật hướng dẫn.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đồng tình với kháng nghị của VKS khi chỉ ra việc tòa sơ thẩm giải quyết yêu cầu phản tố chia tiền, vàng và ngoại tệ mà bà Thảo gửi tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN, TMCP Ngoại thương VN, TMCP Đầu tư phát triển VN, là không rõ.

Cụ thể, ngày 18-7-2016, ông Vũ có yêu cầu phản tố đòi chia số tài sản trên. Số tiền theo ông Vũ cung cấp là 1.765 tỉ đồng tại ba ngân hàng nhưng đến khi tòa tuyên án thì số dư còn 1.313 tỉ đồng.

HĐXX chưa xác minh, làm rõ nguồn gốc hình thành số tiền, sau đó được chuyển đến đâu, thời gian nào, sử dụng vào mục đích gì và hiện nay ai quản lý.

Theo chuyên gia, chỉ khi làm rõ được mới đảm bảo việc chia tài sản chung của các đương sự. Điều này dẫn đến quyết định của bản án chưa chính xác, gây khó khăn cho việc thi hành án.

Biết khi nào con tự lập được?

Một vấn đề khác trong kháng nghị, VKS cho rằng bản án tuyên thời gian cấp dưỡng tính từ năm 2013 đến khi các cháu trưởng thành, lao động và tự lập là chưa phù hợp với ý chí các đương sự tại phiên tòa và gây khó khăn cho việc thi hành án.

Các thẩm phán xử vụ ly hôn cho rằng về việc cấp dưỡng, bản án ly hôn thường tuyên cụ thể là: Cấp dưỡng cho trẻ đến khi trưởng thành (được hiểu theo luật là 18 tuổi).

Còn nếu tuyên như trong vụ này thì biết xác định mốc thời gian nào để trẻ tự lập được, giả sử trưởng thành rồi mà không chịu lao động, không tự lập được chẳng lẽ cứ cấp dưỡng suốt?

LS Nguyễn Thành Công phân tích thêm, việc cấp dưỡng trong vụ án này hai bên thỏa thuận được thì tại sao tòa không đi đến tận cùng để tuyên cho đúng với ý chí của các bên.

Cụ thể, đã chốt được mức cấp dưỡng thì sao không thêm bước cấp dưỡng đến khi con đến tuổi nào. Việc tuyên cụ thể vậy vừa thể hiện được tòa tôn trọng sự thỏa thuận của đôi bên cũng như không làm khó cho quá trình thi hành án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại