Mới đây, vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên: bà Lê Hoàng Diệp Thảo (45 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) lần đầu có mặt tại TAND TP HCM để tham gia phiên hòa giải.
Trước đó, năm 2015, bà Thảo lần đầu đệ đơn ly hôn ra tòa. Bà đã có đơn gửi đến Chánh án Tòa án TP HCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng bà trong tập đoàn Trung Nguyên - trong vụ án ly hôn.
Theo đó, toàn bộ tài sản của gia đình và công ty được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, mà người vợ vừa là đồng sáng lập và đồng sở hữu thì phải được đồng quyền, tránh trường hợp một bên đơn phương ra các quyết định làm thay đổi khối tài sản trong quá trình chờ tòa án ra quyết định cuối cùng.
Sau 3 năm, sáng 3/8, vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đến tòa trên 2 chiếc ô tô khác nhau. Ông Nguyên Vũ trong trang phục quen thuộc với quần thụng trắng, áo khoác đen, vai đeo túi, cổ quấn khăn rằn cùng luật sư đến tòa.
Bà Diệp cũng với bộ váy trắng lịch lãm cùng những người thân cận xuất hiện. Họ cố gắng giữ khoảng cách với nhau, trừ lúc tòa yêu cầu hai bên cùng gặp mặt tranh luận và thỏa thuận.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đến TAND TP HCM sáng 3/8.
Phiên hòa giải kéo dài nhiều giờ, cả ông Vũ và bà Thảo đều thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, cả hai bên chưa thống nhất được việc chu cấp nuôi dưỡng 4 người con cũng như việc phân chia tài sản mà chủ yếu là cổ phần ở Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Cả hai vợ chồng đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Do vậy, TAND TP HCM dự kiến mở phiên xử vụ ly hôn này vào tháng 9, để đưa ra phán quyết cuối cùng. Như vậy, cuộc chiến pháp lý giữa hai vợ chồng này đan xen nhiều vụ kiện kéo dài dai dẳng suốt hơn 3 năm nay vẫn chưa có hồi kết.
Khởi nguồn "nội chiến" ở Tập đoàn Trung Nguyên
Những lục đục giữa 2 vợ chồng được cho là công khai hồi tháng 4/2015. Khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của vợ tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Khoảng 6 tháng sau, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) để biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc của vợ. Bà Thảo sau đó đã có văn bản phản đối cuộc họp. Tuy nhiên, chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên vẫn tổ chức dù vắng mặt bà Thảo.
Cuộc họp diễn ra ngày 2/11/2015, với 2 thành viên là ông Vũ và mẹ ông - đã ra quyết định miễn nhiệm vợ như đã nói trên, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ. Cho rằng những quyết định này không đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi, bà Thảo khởi kiện quyết định ra TAND tỉnh Bình Dương.
Hồi tháng 8/2016, vụ kiện này được đưa ra xét xử sơ thẩm, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi ông Vũ thu hồi các văn bản mà bà Thảo yêu cầu hủy trước khi xét xử vụ án. Tuy nhiên, bà Thảo tiếp tục kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ngày 6/9/2017, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm tuyên không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, đồng thời đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại nêu
Một thời gian sau, TAND TP HCM tiếp tục thụ lý vụ kiện này. Ngày 22/9/2017, tòa tuyên hủy những quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Như vậy, chức danh này của bà Thảo được khôi phục tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, ông Vũ không được ngăn cản quyền điều hành của bà này. Sau đó, phía bị đơn lại kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ của bà Thảo.
Tranh chấp con dấu, quyền điều hành công ty
Khi vụ việc này chưa có hồi kết, ông Vũ cũng đứng đơn khởi kiện bà Thảo vì cho rằng vợ ông có hành vi chiếm đoạt con dấu của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (công ty TNH) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty TNH cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Theo đó, ông Vũ cho rằng bà Thảo đã dẫn theo một số người đến trụ sở của TNH khống chế thư ký Ban tổng giám đốc công ty để cưỡng đoạt bất hợp pháp hàng loạt con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty và các công ty con, chi nhánh của các công ty trong hệ thống Tập đoàn Trung Nguyên.
Tập đoàn Trung Nguyên đã phát hành nhiều văn bản yêu cầu bà Thảo trao trả toàn bộ con dấu và giấy tờ nói trên nhưng không được bà Thảo chấp nhận.
Ngày 23/10/2015, bà Thảo đã gửi đến toàn bộ nhân viên và quản lý cấp cao của Tập đoàn Trung Nguyên Quyết định số 23.10/QĐBN-HĐQT để bổ nhiệm chính mình giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên.
Ngày 30/5/2017, bà Thảo phát hành các văn bản có đóng dấu của công ty TNH đến các nhà phân phối của Tập đoàn Trung Nguyên để yêu cầu đối tác "dừng việc phân phối hay bán sản phẩm Trung Nguyên, G7 tại thị trường Mỹ".
Trong đơn khởi kiện, Ông Vũ yêu cầu vợ chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty TNH, chấm dứt nhân danh công ty để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền. Nguyên đơn cũng đề nghị bà Thảo phải trả lại con dấu và toàn bộ giấy tờ nói trên.
Vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên rơi vào vòng xoáy kiện tụng.
Ngày 21/3, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự, chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bà Thảo phải trả lại con dấu đã chiếm giữ trái phép cũng như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty TNH.
Theo nhận định, HĐXX căn cứ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy thay đổi lần 3 của công ty TNH thì ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng tên đại diện pháp luật. Như vậy, việc quản lý sử dụng con dấu phải thực hiện theo điều lệ công ty, người đại diện trên pháp luật. Bà Thảo không phải người đại diện theo pháp luật nên không có quyền chiếm giữ con dấu.
HĐXX cho rằng việc bà Thảo chiếm giữ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký là trái quy định của pháp luật nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.
Tập đoàn Trung Nguyên được vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo sáng lập vào năm 1996 và phát triển cho đến nay. Đây là một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; nhượng quyền thương hiệu; dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại và du lịch. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia trên thế giới