Các vụ kiện do ê kíp tranh cử của ông Donald Trump khởi xướng nhằm lật ngược kết quả bầu cử đang đi đến hồi kết sau khi chúng bị bác bỏ ở nhiều bang do không có bằng chứng.
Bang Michigan chính thức chứng nhận kết quả bầu cử vào ngày 23-11, với phần thắng nghiêng về ông Joe Biden. Kết quả tương tự dự kiến được công nhận ở bang Georgia sau cuộc đếm lại phiếu lần thứ hai, còn bang Pennsylvania cũng sắp chứng nhận kết quả.
Sau khi người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA), bà Emily Murphy, "bật đèn xanh" quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden, ông Donald Trump viết trên Twitter: "Tôi muốn cảm ơn Emily Murphy tại GSA vì sự cống hiến và lòng trung thành kiên định của bà ấy đối với đất nước… Các vụ kiện của chúng tôi sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ chiếm ưu thế! Tuy nhiên, vì lợi ích tốt nhất của đất nước, tôi khuyên Emily và nhóm của bà ấy làm những gì cần làm đối với các giao thức ban đầu và đã yêu cầu ê kíp của tôi làm như vậy".
Hai cố vấn của ông Trump cho biết những dòng "tweet" nói trên được những người trong ê kíp hiểu là "một sự nhượng bộ", theo đài CNN. Nhưng vào tối 23-11, ông Trump cố gắng xoa dịu nỗi hoang mang của những người ủng hộ bằng cách tuyên bố ông không hề nhượng bộ.
"GSA được phép làm việc sơ bộ với các đảng viên Dân chủ thì có liên quan gì đến việc tiếp tục theo đuổi các trường hợp của chúng tôi trong cuộc bầu cử tồi tệ nhất của lịch sử chính trị Mỹ? Chúng tôi đang di chuyển hết tốc lực về phía trước" – ông Trump viết.
AP cho biết trong những ngày gần đây, nhiều trợ lý cấp cao của ông Trump - bao gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows và Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone - khuyến khích nhà lãnh đạo Mỹ cho phép khởi động quá trình chuyển giao quyền lực. Họ nói rằng ông không cần phải nhận thua nhưng không thể biện minh cho việc cản trở quá trình này.
Bà Murphy đã “bật đèn xanh” quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden. Ảnh: The New York Times
Quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền này sang chính quyền khác một cách hòa bình là một trong những nền tảng của nền dân chủ Mỹ. Giờ đây, quá trình đó có thể chính thức bắt đầu sau khi bà Murphy ký một bức thư "xác nhận", qua đó khẳng định chiến thắng của ông Biden.
Ê kíp của ông Biden sẽ được GSA cung cấp văn phòng ở thủ đô Washington, được quyền truy cập vào các cơ quan liên bang để lập kế hoạch thay đổi chính sách tiềm tàng với các quan chức chính quyền hiện tại. GSA cũng phân bổ 6,3 triệu USD để hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) cho biết sau quyết định của GSA, ông Biden sẽ được tham gia các cuộc họp giao ban cấp cao.
Việc trì hoãn quá trình chuyển giao quyền lực được cho là có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Báo cáo của Ủy ban 11-9 cho thấy quá trình chuyển giao quyền lực bị rút ngắn sau cuộc bầu cử năm 2000 đã góp phần khiến Mỹ không có sự chuẩn bị cho vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.
Đáng chú ý, ông Biden có thể lập kế hoạch chuyển giao quyền lực không chính thức mà không có sự hỗ trợ của GSA. Năm 2000, Tổng thống khi đó là ông Bill Clinton đã phê duyệt các cuộc họp giao ban tình báo mật cho người kế nhiệm George W. Bush 2 tuần trước khi lãnh đạo GSA công nhận ông Bush là người chiến thắng.
Ông Biden cũng đã bắt đầu giao tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, một quy trình thường được thực hiện thông qua Bộ Ngoại giao. Ông đã nói chuyện với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel.