‘Cuộc chiến’ ở Tập đoàn Hòa Bình: Đã có phán quyết người ngồi ghế Chủ tịch

Duy Quang |

Cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết có hiệu lực của Hội đồng trọng tài, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa có thông báo về quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TPHCM với nội dung, buộc công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 của Hội đồng quản trị cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của hội đồng trọng tài .

Trong đó, Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022 chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023 cũng như xin rút khỏi tư cách Thành viên HĐQT công ty; thông qua việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng.

Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT; Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 về hoãn thi hành hai nghị quyết trên.

Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, sẽ chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết có hiệu lực của Hội đồng trọng tài, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

‘Cuộc chiến’ ở Tập đoàn Hòa Bình: Đã có phán quyết người ngồi ghế Chủ tịch - Ảnh 1.

Ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.

Liên quan đến "cuộc chiến" giành quyền lực trong HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, ông Lê Viết Hải - cổ đông lớn của Tập đoàn này yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Đại hội cổ đông bất thường dự kiến thảo luận và thông qua 4 nội dung chính: Thứ nhất, thông qua việc bãi nhiệm một số thành viên HĐQT. Thứ hai, thay đổi một số quy định trong điều lệ của công ty. Thứ ba, bầu bổ sung một số thành viên HĐQT mới. Thứ tư, đính chính và làm sáng tỏ các thông tin tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình “đã bị nhóm ông Nguyễn Công Phú công bố không chính xác và diễn giải sai lệch”.

Tuy nhiên, thời gian tổ chức cuộc họp chưa được xác định vì còn cần nhiều thủ tục theo quy định pháp luật và điều lệ công ty.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, gia đình ông Lê Viết Hải là nhóm cổ đông lớn nhất nắm giữ tổng cộng hơn 21% cổ phần. Ngoài ra, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình còn có hai cổ đông lớn khác là Huyndai Elevator Co., Ltd (nắm 10,2% vốn điều lệ), Sanei Architecture Planning (nắm 1,8% vốn điều lệ), gần 67% cổ phần còn lại do các cổ đông khác nắm giữ.

Triệu tập họp cổ đông bất thường là một trong những quyền của cổ đông lớn (sở hữu từ 5% cổ phần phổ thông trở lên) được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Động thái của ông Lê Viết Hải thực hiện khi cuộc chiến giành quyền kiểm soát giữa 2 người quyền lực nhất trong HĐQT lên đến đỉnh điểm.

Hiện tại, những tranh cãi chủ yếu xoay quanh tính pháp lý của cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 dẫn đến việc ban hành Nghị quyết 53 hoãn bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT, để ông Lê Viết Hải tiếp tục nắm giữ chức vụ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại