Cuộc chiến “ngoại giao” căng thẳng giữa Belarus và EU

Đình Nam |

Ngoài Litva và Ba Lan, đến nay, đã có 8 quốc gia châu Âu khác, gồm Đức, Anh, Latvia, Bulgaria, Estonia, Slovakia, Séc và Romania cũng triệu hồi Đại sứ tại Belarus.

Nhiều đại diện ngoại giao các nước châu Âu tại Belarus đã được triệu hồi về nước, một phần là do yêu cầu của chính phủ Tổng thống Alexander Lukashenko, một phần nhằm thể hiện tình đoàn kết giữa các nước châu Âu trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang với Belarus.

Từ ngày 9/10, 30 nhà ngoại giao Ba Lan đã bắt đầu lên đường về nước, sau khi Belarus yêu cầu Ba Lan giảm số nhân viên ngoại giao tại nước này.

Bộ Ngoại giao Litva cũng xác nhận, 5 nhân viên ngoại giao nước này cũng đang trên đường từ Belarus về nước trong một yêu cầu tương tự từ chính phủ Tổng thống Lukashenko.

Căng thẳng ngoại giao giữa Belarus với Ba Lan và Litva leo thang khi 2 quốc gia này cho phép các chính trị gia đối lập Belarus sống lưu vong và không công nhận chiến thắng của đương kim Tổng thống Lukashenko trong cuộc bầu cử vừa qua ở Belarus. Những động thái của 2 quốc gia này bị Belarus lên án và chỉ trích, cho đó là sự can thiệp vào tình hình nội bộ quốc gia. Thậm chí, mới đây, Tổng thống Lukashenko còn ra lệnh đóng cửa biên giới với 2 quốc gia này:

“Thành thật mà nói, chúng tôi không biết họ sẽ tấn công gì tiếp theo. Chúng tôi buộc phải rút quân khỏi đường phố, đưa một nửa quân đội vào chế độ sẵn sàng và đóng cửa biên giới phía tây, chủ yếu với Litva và Ba Lan. Thật không may, chúng tôi cũng buộc phải củng cố biên giới của mình với người anh em Ukraine”.

Ban đầu cả Litva và Ba Lan đều từ chối yêu cầu giảm nhân viên ngoại giao tại Belarus, song sau đó đều ra thông báo triệu hồi “tạm thời” Đại sứ về nước để tham vấn tình hình. Bộ Ngoại giao Litva hi vọng, việc triệu hồi thêm 5 nhân viên ngoại giao của nước này là bước đi có thể đủ để duy trì một khả năng đối thoại.

Ngoài Litva và Ba Lan, đến nay, đã có 8 quốc gia châu Âu khác, gồm Đức, Anh, Latvia, Bulgaria, Estonia, Slovakia, Cộng hòa Séc và Romania cũng triệu hồi Đại sứ của mình tại Belarus, để thể hiện tình đoàn kết với Litva và Ba Lan.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Roumania nhấn mạnh, Belarus cần hiểu rằng việc sử dụng sức ép ngoại giao đối với các nước thành viên EU sẽ không giúp ích gì cho đối thoại và cũng sẽ không mang lại kết quả tích cực cho mối quan hệ giữa 2 bên. Còn Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định, nước này lên án Belarus về việc trục xuất các nhà ngoại giao của Ba Lan và Litva.

Hiện mối quan hệ giữa Belarus và Liên minh châu Âu đang ngày một xấu, đặc biệt là sau khi Khối này không công nhận kết quả cuộc bầu cử hôm 9/8 vừa qua tại Belarus, tiến hành áp đặt trừng phạt với 40 quan chức nước này liên quan đến các cáo buộc bầu cử gian lận, song không bao gồm Tổng thống Lukashenko. Chính phủ Belarus cho biết, sẽ ban bố các biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào EU, đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu EU mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với nước này.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Belarus Lukashenko ngày 9/10 cho biết, cần tổ chức các cuộc bầu cử Đại hội đồng Nhân dân như một phần trong kế hoạch sửa đổi hiến pháp của đất nước.

Theo Tổng thống Lukashenko, trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành, sẽ diễn ra việc chuyển giao dần một số quyền hạn của Tổng thống cho chính phủ và các thống đốc. Ông nhấn mạnh, đối với việc chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp, quy trình này càng gần với người dân càng tốt. Để làm được điều này, các nền tảng đối thoại đang được thiết lập tại các khu vực. Tổng thống Lukashenko cũng nhấn mạnh, chỉ có sự ổn định nội bộ mới bảo đảm sự tồn vong của đất nước Belarus./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại